Sẵn sàng cho máu khi còn có thể
"Chỉ mong sao luôn khỏe mạnh để có thể cho máu khi người bệnh cần" chính là ước muốn lớn của chàng thanh niên có khuôn mặt phúc hậu Phạm Xuân Trung (SN 1988, trú phường Nam Lý, TP. Đồng Hới, Quảng Bình). Từ ngày đầu "làm chuyện ấy", đến nay đã 17 năm với hơn 45 lần anh Trung cho đi những giọt máu nghĩa tình để giúp người bệnh qua cơn nguy kịch.
Nhớ về những ngày đầu biết đến và tham gia phong trào hiến máu tình nguyện, anh Trung cho biết đó là khoảng giữa năm 2006. Với sức trẻ, sự nhiệt huyết của một cán bộ đoàn, vừa là sinh viên và tình yêu thương con người, khi biết ý nghĩa và tầm quan trọng của việc hiến máu nhân đạo, anh đã không ngại ngần tham gia.
"Thời gian đó phong trào hiến máu tình nguyện còn chưa phát triển, qua những chương trình đoàn hội tôi mới biết đến và bắt đầu tham gia. Khi cho đi những giọt máu đầu tiên và biết lượng máu ấy sẽ góp phần giúp người bệnh qua cơn nguy kịch tôi cảm thấy vui sướng vô cùng", anh Trung chia sẻ.
Trong hành trình dài cho đi "giọt hồng", anh Trung vẫn luôn nhớ những câu chuyện đặc biệt. Năm 2008, trong một lần "hộ tống" thành viên trong CLB hiến máu của trường đi hiến máu trở về, ghé quán ăn lúc hơn 12h đêm, anh cùng người bạn bắt gặp hình ảnh người nhà bệnh nhân buồn rũ rượi một góc quán. Lân la hỏi chuyện động viên, anh được biết đứa con của người đàn ông đang nguy kịch, nếu không có máu truyền trong đêm thì nguy cơ tử vong là rất cao.
Anh Trung được tôn vinh là người hiến máu tiêu biểu toàn quốc năm 2022.
"Lúc đó mình nghĩ là cái duyên số đưa đẩy, bởi mình cũng nhóm máu B giống đứa con đang cần máu của người đàn ông kia nên lập tức đề xuất hiến máu. Sau khi hiến bác sĩ cũng nói may có tiểu cầu không là cháu bé cũng không qua khỏi đêm đó. Mình thấy giọt máu của mình cho đi thật ý nghĩa và càng có động lực để cho đi nhiều hơn", anh Trung Tâm sự.
Trong đợt dịch COVID-19 vừa qua, vừa tham gia hỗ trợ tuyến đầu chống dịch, anh Trung không ngần ngại vượt nhiều khó khăn để tham gia hiến máu cứu người. Đó là vào cuối năm 2019 khi dịch COVID-19 đang diễn biến vô cùng phức tạp, qua mạng xã hội anh biết một bệnh nhân đang cần tiểu cầu nhóm máu B để qua cơn nguy kịch. Không suy nghĩ nhiều, anh liên hệ với bệnh viện để sớm được đến viện hiến máu cứu người.
"Lúc đó dịch căng thẳng lắm, viện là nơi nguy hiểm bởi đang điều trị bệnh nhân COVID-19 và nhiều mặt bệnh khác. Khi đó tôi tự bỏ tiền túi đi làm xét nghiệm PCR, đợi hơn nửa ngày có kết quả âm tình mới dùng giấy thông hành để qua các chốt kiểm dịch lên viện hiến máu. Hiến xong máu biết người bệnh đỡ hơn lại về tham gia hỗ trợ chống dịch", anh Trung nhớ lại.
Không chỉ hăng hái với việc hiến máu, tham gia hiến máu, anh Trung còn là người nhiệt huyết với các hoạt động thiện nguyện (hình ảnh anh Trung tham gia tiếp tế lương thực cho bà con vùng lũ trong đợt lũ lịch sử năm 2020).
Tạm tổng kết hành trình 17 năm, anh Trung có 31 lần hiến máu toàn phần và 14 lần hiến tiểu cầu. Nhưng đối với anh Trung, đó vẫn chưa phải là con số anh mong muốn. Bởi mỗi ngày có rất nhiều người cần đến máu nhưng anh phải đợi hơn 21 ngày để hiến tiểu cầu, hơn 3 tháng để hiến máu toàn phần. Anh Trung chỉ mong sức khỏe luôn đảm bảo để có thể lập tức cho máu khi bệnh nhân cần.
"Hiến máu thì dễ, vẫn động người ta cùng hiến mới là khó"
Không chỉ là người nhiệt tình trong hoạt động hiến máu tình nguyện, anh Trung còn là người năng nổ với vai trò vận động hiến máu. Khi còn là sinh viên của Đại học Phú Xuân, ngày phong trào hiến máu còn chưa phát triển, anh Trung đã cùng với nhiều bạn có chung mong muốn cứu người thành lập CLB hiến máu của trường.
Anh Trung vẫn luôn tự nhủ bản thân phải hăng hái hơn trong phong trào hiến máu và vận động hiến máu nhân đạo.
"Mình biết máu rất quan trọng với mọi người đặc biệt là các bệnh nhân, bởi hiện nay máu không thể sản xuất hay thay thế bằng dung dịch nào khác. Máu quan trọng, không thể thay thế và rất nhiều người cần nên mình nghĩ ngoài việc bản thân đi hiến cần vận động rất nhiều người khác cùng đi hiến để đảm bảo cung cấp máu cho công tác cấp cứu và điều trị", anh Trung chia sẻ.
Công việc ý nghĩa dường như giúp cho anh Trung chỉ già tuổi nhưng luôn trẻ trong tâm huyết. Rời ghế nhà trường, anh vẫn hăng hái với phong trào hiến máu và vận động hiến máu tại địa phương và cơ quan. Dù bộn bề với công việc, nhưng với vai trò là Bí thư Đoàn Công ty cổ phần Du lịch Sài Gòn – Quảng Bình anh Trung vẫn luôn là người đi đầu trong các hoạt động của đoàn viên đặc biệt là phong trào hiến máu.
"Ra trường đi làm tôi vẫn không quên trách nhiệm với cộng đồng, đặc biệt là người bệnh cần máu. Việc hiến máu có gián đoạn tầm 1 năm vì tôi công tác ở vùng núi sâu, địa hình cách trở. Sau khi về lại thành phố tôi lại tiếp tục tham gia hiến máu và vận động hiến máu. Ban đầu có những khó khăn nhưng khi mọi người hiểu rõ được ý nghĩa của việc làm này thì họ có phần nhiệt tình hơn tôi nữa", anh Trung cười chia sẻ.
Anh Trung nhận nhiều Bằng khen, giấy khen vì những cống hiến cho phong trào hiến máu và vận động hiến máu.
Theo thống kê của Hội Chữ thập đỏ tỉnh Quảng Bình, hiện anh Trung đã vận động khoảng 3.000 người tham gia phong trào hiến máu tình nguyện. Nỗ lực của anh Trung đã góp phần không nhỏ vào công tác cứu chữa người bệnh, giúp nhiều trường hợp qua nguy kịch và giàn lại sự sống.
Với những đóng góp trong phong trào hiến máu và vận động hiến máu, anh Trung đã được Bộ Y tế, UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế, UBND tỉnh Quảng Bình tặng Bằng khen, Hội Chữ Thập đỏ tặng giấy khen. Năm 2022, anh Trung được vinh danh là 1 trong 100 người hiến máu tiêu biểu toàn quốc.
Anh Lê Văn Sỹ, kỹ thuật viên Khoa Sinh hóa – Huyết học – Truyền máu, Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam – Cuba Đồng Hới cho biết, anh Trung là một trong những tình nguyện viên tham gia nhiệt tình trong công tác hiến máu nhân đạo.
"Khi người bệnh cần máu, chỉ cần đủ thời gian để hiến máu là anh Trung lại thu xếp công việc để tới viện hiến máu cứu người. Tiếp xúc nhiều với anh Trung không chỉ qua việc hiến máu mà trong cuộc sống tôi thấy anh rất tâm huyết với việc vận động hiến máu", kỹ thuật viên Lê Văn Sỹ chia sẻ.
Hùng Trần