Gần 90 tuổi ngồi thu mình bán hàng xuyên đêm
Theo thông tin từ Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, các tỉnh miền Bắc đang chịu ảnh hưởng của khối không khí lạnh có cường độ rất mạnh.
Không khó để bắt gặp những người lao động mưu sinh giữa đêm lạnh. (Ảnh: Đình Huy) |
Tại thủ đô Hà Nội, ban ngày trời có hửng nắng nhưng về đêm và sáng sớm, nhiệt xuống thấp tới 11 độ C. Thế nhưng, trong giá lạnh giữa đêm đông, khi hầu hết mọi người đã chìm vào giấc ngủ, vẫn còn những người lao động nghèo bám trụ trên từng con đường, ngõ phố mưu sinh.
23 giờ ngày 20/12, tại khu vực hồ Gươm (Q.Hoàn Kiếm, Hà Nội) hàng chục người lao động ngồi co ro bán hàng trong cái lạnh thấu xương.
Đối diện đền Ngọc Sơn, bà Tâm (87 tuổi) đang ngồi thu mình bên 2 túi bóng màu đen. Bên trong những túi bóng này là những chai nước, điếu thuốc để bán cho khách đi đường. Với người dân sống quanh khu vực hồ Gươm, hình ảnh bà lão bán hàng này đã trở nên quen thuộc từ lâu.
Bà Tâm cho biết, bà đã bán hàng rong ở đây được gần 40 năm. Bà bắt đầu công việc từ 21 giờ 30 và kết thúc vào lúc rạng sáng. Nhiều hôm đông khách, bà cố gắng bám trụ đến sáng mới về nhà.
Bà Tâm bán hàng ở hồ Gươm đã gần 40 năm nay. (Ảnh: Đình Huy) |
"Ở quanh hồ có ai được bán hàng đâu, cũng phần thương tôi tuổi già nên họ bỏ qua. Tôi ngồi đây, nhiều người thấy tôi nhiều tuổi cũng qua mua ủng hộ, có người còn mang quần áo tặng vì sợ tôi lạnh", bà Tâm nói.
Nhìn những chai nước, gói thuốc bên cạnh bà cụ đã bước qua tuổi "xưa nay hiếm" khá đơn giản nhưng nó đã giúp bà Tâm nuôi được 5 người con ăn học, trưởng thành.
"Tôi có tuổi nhưng còn sức khỏe, còn làm được nên không muốn phiền đến con cháu. Quan điểm của tôi là vậy, các con của tôi, chúng nó vẫn phải nuôi vợ, nuôi con", bà Tâm chia sẻ.
Theo bà Tâm, ở tuổi hiện tại bà chỉ túc tắc bán kiếm thêm tiền chi tiêu. Những ngày rét, có ngày chỉ bán được 10.000 - 20.000 đồng nhưng bà vẫn cố mang hàng ra ngồi bán.
"Ngồi đây lạnh lắm, nhất là khi có những cơn gió lùa qua nhưng tôi vẫn cố chịu đựng. Nhìn tôi nhiều tuổi thế này thôi nhưng vẫn còn khỏe lắm, trời lạnh, mặc nhiều áo, quàng khăn vào là đủ rồi", bà Tâm nói thêm.
"Lạnh thế này ai không muốn được ngủ trong chăn ấm!"
Cách khu vực bà Tâm ngồi bán hàng khoảng 50 m là ông Lương (50 tuổi, quê Nam Định) đang ngồi trên chiếc xích lô đợi khách. Trời rét, ông Lương ngồi thu mình lại xem điện thoại. Đây có lẽ là cách duy nhất giúp ông quên đi cái lạnh tê tái.
Ông Lương ngồi thu mình trong lúc đợi khách. (Ảnh: Đình Huy) |
Ông Lương kể, bản thân đã làm nghề đạp xích lô hơn 10 năm nay. Hàng ngày, ông bắt đầu công việc từ 9 giờ sáng, kết thúc vào 1 giờ hôm sau. Thế nhưng có những hôm ế khách, ông phải đợi xuyên đêm để cố kiếm "đồng ra đồng vào".
Ông Lương kể, công việc đạp xích lô của ông chỉ là phụ, còn công việc chính là làm nông ở quê. Mỗi khi ở Nam Định xong mùa thu hoạch lúa, ông tranh thủ lên Hà Nội thuê phòng trọ, đạp xích lô kiếm thêm tiền nuôi 3 người con và vợ ốm. Trung bình, mỗi ngày ông kiếm được 100.000 - 300.000 đồng nhưng không phải lúc nào cũng đều.
"Mùa này sợ nhất là không có khách, ngồi đợi trên xích lô buốt lắm. Khi có khách, chúng tôi sẽ đỡ vất vả hơn khi được hoạt động. Đạp xe thì người ấm, lại có tiền", ông Lương nói.
Ông Lương và những người mưu sinh bằng nghề lái xích lô chủ yếu trông chờ vào những vị khách nước ngoài. (Ảnh: Đình Huy) |
Những ngày qua, thời tiết lạnh "cắt da cắt thịt" về đêm nên hầu như ông Lương không gặp khách. "Trời rét như vậy chẳng ai muốn ra đường, nói gì đến đi dạo xích lô. Tôi ngồi đây, phải gồng mình chịu đựng, chứ đêm lạnh như thế này ai không muốn được ngủ trong chăn ấm! Công việc tuy có vất vả, nhọc nhằn nhưng tôi luôn dặn bản thân phải cố gắng kiếm đồng tiền gửi về cho các con ở quê", ông nói tiếp.
Càng về đêm, nhiệt độ càng xuống thấp nhưng nhịp lao động vẫn chưa dừng lại. Xung quanh các tuyến phố, không khó để bắt gặp những công nhân môi trường quét rác. Nửa đêm trên đường Kim Mã (Q.Ba Đình, Hà Nội), chị Phương Lan (48 tuổi) chỉ mặc bộ quần áo mỏng để quét dọn rác.
Chị Lan cho biết, với những công nhân vệ sinh môi trường dù thời tiết mưa rét hay nắng nóng thì lịch làm việc vẫn không thay đổi.
Chị Lan nhặt nhạnh ve chai để bán, kiếm thêm thu nhập. (Ảnh: Đình Huy) |
"Tôi làm nghề này được 28 năm, khi người dân về nhà thì tôi mới bắt đầu công việc và kết thúc vào 2 giờ sáng hôm sau. Dù biết công việc nặng nhọc, vất vả và nhiều thiệt thòi nhưng đây là cách duy nhất giúp tôi kiếm tiền, nuôi chồng, nuôi con", bà Lan nói.
Nữ công nhân cho biết, quét rác vất vả nhất vào mùa đông. Khi đã thu gom rác xong nhưng xe gom rác chưa tới, chị chỉ biết ngồi co ro ngồi một góc, xoa đôi bàn tay giữ ấm đợi; thậm chí, có những hôm phải đợi giữa trời lạnh vài tiếng.
"Trong lúc làm việc, nhìn người dân ngồi trong quán, ăn bát phở nóng, bản thân tôi cũng chạnh lòng lắm. Thế nhưng khi nghĩ lại, nếu không có những con người như chúng tôi, làm sao đường phố có thể sạch đẹp được", chị Lan nói thêm.