Trình bày báo cáo, Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình nêu rõ, cử tri và nhân dân vui mừng, phấn khởi về tình hình kinh tế-xã hội trong nước tiếp tục ổn định và phát triển, dịch bệnh được kiểm soát tốt, sản lượng một số sản phẩm thủy sản trọng điểm tăng cao; ngành công nghiệp tiếp tục duy trì tăng trưởng…
Tuy nhiên, Trưởng Ban Dân nguyện cho biết, cử tri và nhân dân đặc biệt lo lắng về tình trạng nhiều cây xăng dừng bán hàng, bán cầm chừng trong thời gian qua; tình hình vệ sinh an toàn thực phẩm, nhất là vệ sinh an toàn thực phẩm trong trường học; tình trạng nhiều người lao động bị cắt việc, thôi việc khi Tết Nguyên đán đã gần kề; tình trạng rút bảo hiểm xã hội một lần của người lao động; tình trạng thiếu thuốc chữa bệnh vẫn diễn ra trên diện rộng; tình trạng các loại tiền chất ma túy, ma túy tổng hợp pha trộn bánh kẹo, nước trái cây, thuốc lá điện tử…
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga lưu ý, tình trạng chất ma túy, tiền chất ma túy đi vào học đường thông qua thuốc lá điện tử diễn ra nghiêm trọng, do đó, Bộ Công an, Bộ Giáo dục và Ðào tạo phải có giải pháp quyết liệt hơn về vấn đề này.
Với việc nhận bảo hiểm xã hội một lần, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, trong các báo cáo hằng năm, Ủy ban Xã hội đã thẩm tra các báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện các chế độ bảo hiểm xã hội và quản lý, sử dụng quỹ bảo hiểm xã hội, trong đó đều có nội dung về vấn đề này. Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội cho biết, số lượng người hưởng bảo hiểm xã hội một lần có tăng cao so với trước vì nhiều nguyên nhân khác nhau, tuy nhiên chưa có giải pháp hữu hiệu để xử lý vấn đề này. Ðồng thời, cho rằng cần quan tâm hơn nữa đối với vấn đề này khi xem xét sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội trong thời gian tới.
Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị, Ban Dân nguyện tiếp thu ý kiến của các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, bổ sung thêm các nội dung về tình hình doanh nghiệp thiếu vốn, thanh khoản khó khăn, trái phiếu doanh nghiệp cũng đang khó khăn, đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo để tháo gỡ những khó khăn này.
Bên cạnh đó, cần chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ xây dựng và phê duyệt các quy hoạch, trong đó có quy hoạch sử dụng đất của cấp tỉnh, cấp huyện, quy hoạch vùng, quy hoạch tổng thể quốc gia. Lưu ý công tác thông tin tuyên truyền về việc sửa đổi Luật Ðất đai, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nhấn mạnh các cơ quan thông tấn báo chí, các phương tiện thông tin đại chúng cần thông tin cân bằng, khách quan.
Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị, Ban Dân nguyện tiếp tục nhấn mạnh, làm rõ tình trạng thiếu việc làm, ngưng việc và thôi việc trước Tết Nguyên đán, gây khó khăn cho cuộc sống người dân, nên cần có chính sách phù hợp, hỗ trợ kịp thời đúng đối tượng. Lo ngại về tình trạng chất ma túy, tiền ma túy đang ngày càng có tính chất nghiêm trọng hơn, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, Bộ Công an, Bộ Giáo dục và Ðào tạo có giải pháp quyết liệt hơn trong việc kiểm tra, giám sát, ngăn chặn tiền chất ma túy, chất ma túy trong lương thực, thực phẩm, đồ uống và các loại thực phẩm khác. Ðối với tình hình ngộ độc thực phẩm dẫn đến tử vong, cần rà soát chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm, nhất là bếp tập thể tại cơ quan, đơn vị và trong các nhà trường, có giải pháp chấn chỉnh, tháo gỡ. Bộ Công thương có tài liệu tuyên truyền về thuốc lá điện tử, phổ biến cho người dân về tiền chất ma túy, để người dân có nhận thức rõ hơn và chủ động phòng ngừa.
Trong phiên làm việc chiều qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá kết quả thực hiện chương trình hoạt động đối ngoại, hợp tác quốc tế năm 2022; xem xét, thông qua chương trình hoạt động đối ngoại năm 2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và cho ý kiến về chương trình đối ngoại, hợp tác quốc tế của Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, các nhóm nghị sĩ hữu nghị, các cơ quan của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Kiểm toán nhà nước và Văn phòng Quốc hội
Theo báo Nhân dân