Cạp váy - Nét đặc sắc trong trang phục dân tộc Mường

Tạp Chí Nhân Đạo
Nói đến cái đẹp trong trang phục dân tộc Mường phải nói đến cái đẹp của cạp váy. Đó là nơi thể hiện thẩm mỹ của đồng bào dân tộc Mường cũng như sự khéo léo của người phụ nữ Mường. Cạp váy Mường trong bộ trang phục của người phụ nữ Mường vừa giản dị, kín đáo, không phô trương mà lại nền nã, hấp dẫn và không kém phần đặc sắc. Với bố cục riêng cần sự cẩn thận, tỉ mỉ trong thêu dệt của người phụ nữ. Nó tạo nét đặc trưng riêng trong trang phục của người Mường.
Trong quá trình giao thoa giữa các nền văn hóa, tuy có ảnh hưởng song dân tộc Mường vẫn giữ được các nét truyền thống văn hóa của mình, đó là văn hóa của người Việt Cổ. Một trong những nét đặc sắc văn hóa của người Mường được thể hiện thông qua trang phục của họ. Nam giới thường mặc áo ngắn hoặc áo dài, màu chàm, cài khuy, quần dài, rộng, thắt lưng quấn quanh cạp, đầu búi, quấn khăn dài, đầu khăn giắt sang hai bên. Trong khi đó trang phục thường ngày của nữ giới là: Đầu đội khăn trắng, xanh; mặc áo pắn (áo ngắn), là áo màu trắng hay màu sáng ngắn chấm đến eo để chỗ cho chiếc cạp váy chiếm vị trí quan trọng trong trang phục; váy là loại váy kín màu đen. Nét đặc sắc trên trang phục của người Mường chính là những mảng hoa văn nổi lên giữa trang phục là cạp váy.
Phần cạp váy được phụ nữ Mường dành nhiều công sức và tài sáng tạo để trang trí, tô điểm cho bộ y phục thêm phần rực rỡ, bắt mắt. Đặc biệt cạp váy của phụ nữ Mường được dệt bằng sợ tơ tằm trang trí hoa văn, họa tiết độc đáo. Cạp váy của phụ nữ Mường do ba bộ phận dệt riêng rồi can lại với nhau, ba phần theo thứ tự từ trên xuống: Rang trên, Rang dưới và Cao. 
Trang phục dân tộc Mường
Phần trên cùng của cạp váy người Mường gọi là rang trên, có hoa văn trang trí là hoa văn hình học (hình thoi hoặc hình vuông, hình tam giác…), có chiều rộng gần 20 cm. Rang trên thường chỉ có hai màu đen trắng để tạo hoa văn. Màu đen thể hiện hoa văn chìm hình vuông hoặc hình tam giác to nhỏ khác nhau; màu trắng để tạo hoa văn nổi. Tuy nhiên, nhiều trường hợp cũng có thêm màu đỏ, vàng để tạo đường biên (hai cạnh) cũng có khi được chấm phá theo một thứ tự nhất định vào hoa văn trắng đen. Chúng tạo nên một sự ấn tượng độc đáo đồng thời cũng lung linh huyền ảo.  
Tiếp theo là rang dưới, đây là bộ phận quan trọng nhất của cạp váy, được dệt với màu đỏ và vàng nổi trên nền đen với hoa văn hình động vật như: rồng, hươu, nhện, bướm, ếch, rùa, công, con phượng… đó là những con vật gắn bó, gần gũi với cuộc sống và các sự tích của người Mường. Ngoài ra, phần rang dưới này được trang trí bằng nhiều màu sắc và chúng có các dải ngăn cách bằng hoa văn hình chong chóng. Rang dưới khác hẳn hai bộ phận khác của cạp váy, về kích thước và tính chất trang trí. Đây chính là nơi các cô gái Mường thể hiện khả năng dệt khéo léo và óc thẩm mỹ thông qua cách sắp xếp hoa văn và phối hợp màu sắc. Do tính phức tạp của nó, phần này được dệt trên khung cửi đặc biệt với phần go dày đặc. Mặc dù làm từ chất liệu tơ tằm, phần rang dưới được dệt khít đến mức nước cũng không thể thấm qua.
Phần cuối cùng của cạp nối với thân váy gọi là cao. Cao là một chuỗi những vệt màu đứng thẳng. Cao váy rộng từ 10-15 cm được dệt các sọc màu, mỗi sọc to nhỏ khác nhau. Có sọc mang hoa văn hình học, có sọc mang hoa văn hình cây, lá cách điệu. Màu sắc của cao tùy theo sở thích của mỗi cô gái mà chọn, có thể là xanh, đỏ, trắng vàng làm viền; nhưng phải tuân theo quy luật màu nọ tôn bật màu kia lên.

Cạp váy của dân tộc Mường
Hoa văn của mỗi phần là để phân biệt chúng với nhau. Trong đó hoa văn rang trên và hoa văn cao là thuần túy hình học. Về màu sắc ở cả rang trên, rang dưới và cao không được dùng màu khác nhau mà chỉ được dùng màu nhất định. Do bố cục của cao nên khi khâu cao vào váy và rang dưới và rang trên thì hoa văn và các dải màu như ngược nhau nhưng lại làm nổi bật nhau. Toàn bộ trang phục, trang sức, đạo cụ đi kèm với cạp váy đều rất hài hòa tạo nên vẻ khỏe khoắn, trang nhã mà vẫn kín đáo, thanh thoát của các cô gái Mường.  
Trước đây người Mường thường nhuộm cạp váy từ các cây, quả và lá cây trên rừng. Quá trình làm màu được làm hoàn toàn thủ công từ đôi tay khéo léo, cần mẫn của các cô gái. Nhưng hiện nay, các sản phẩm màu tự nhiên đã được thay thế bằng các loại phẩm màu hoá học có sẵn nhưng màu hóa học không được bền bằng màu tự nhiên.
Người Mường không chọn gỗ, đá, gốm sứ hay kim loại để thể hiện sự tinh xảo của mình; họ không chạm khắc lên gốm hay đồng. Thay vào đó, họ thể hiện nghệ thuật tạo hình của dân tộc mình trên cạp váy người phụ nữ. Đây là kết luận của nhà dân tộc học Từ Chi sau khi nghiên cứu về hóa văn cạp váy Mường. Một điều đặc biệt, rất nhiều hoa văn trên cạp váy Mường mô phỏng giống hoa văn trên trống đồng Đồng Sơn. Cho thấy rằng cạp váy Mường có giá trị cả về mặt nghệ thuật lẫn lịch sử liên quan đến một thời kỳ văn minh rực rỡ ở Việt Nam.
Ths. Ngô Thị Tháp
Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội