Cần có động thái quyết liệt kiến nghị xử lý đơn vị, cá nhân vi phạm biểu tượng Chữ thập đỏ

Lã Thị Thúy hằng
Tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của tổ chức, cá nhân khác thì tuỳ theo tính chất, mức độ xâm phạm, có thể bị xử lý bằng biện pháp dân sự, hành chính hoặc hình sự”, quy định là vậy nhưng vẫn còn nhiều tổ chức cố tình vi phạm bản quyền, sử dụng sai mục đích và tùy tiện biểu tượng Chữ thập đỏ (CTĐ), gây ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh và vị thế của Hội CTĐ Việt Nam

Trao đổi với PV, ĐBQH Phan Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) nhận định: “Biểu tượng Chữ thập đỏ đã có từ lâu đời và đã là thương hiệu được đăng ký bản quyền, không ai có quyền xâm phạm, lợi dụng biểu tượng chữ thập đỏ làm méo mó biểu tượng và sử dụng sai mục đích gây ảnh hưởng đến uy tín của Hội. Các cá nhân, tổ chức không được phép “mượn” biểu tượng để trục lợi. Luật đã quy đinh rất rạch ròi về vấn đề này”.

a6-1662733574.jpg

Một sản phẩm tuy được cơ quan quản lý nhà nước cấp giấy phép nhưng có sử dụng biểu tượng Chữ thập đỏ là trái với quy định của Luật Hoạt động Chữ thập đỏ.

“Thương hiệu bản quyền của Hội Chữ thập đỏ giống như các tổ chức bản quyền khác. Nếu ai đó lợi dụng biểu tượng của Hội Chữ thập đỏ thực hiện những hành vi vi phạm, làm ăn bất chính là vi phạm luật, các cơ quan chức năng cần có hình thức xử lý nghiêm. Trước tiên, người sử dụng bản quyền (Hội Chữ Thập đỏ-PV) cần có báo cáo, nhất thiết phải kiện ra tòa nếu phát hiện một đơn vị, cá nhân nào đó sử dụng biểu tượng Chữ thập đỏ sai quy định”, ĐBQH Phạm Văn Hòa nhấn mạnh.

Cũng theo ĐBQH Phạm văn Hòa, thời gian qua, ông có nghe nhiều về vấn đề xâm phạm bản quyền biểu tượng của Hội Chữ thập đỏ. Tuy nhiên, cũng có người nghĩ rằng đó là một chương trình hoạt động cụ thể của “cánh tay nối dài” cho Hội Chữ thập đỏ nhưng thực tế, đã có trường hợp mượn danh từ thiện.

“Không thể mượn danh từ thiện núp bóng Hội Chữ thập đỏ để thực hiện những hành vi sai trái (quyên góp, bán hàng hóa…). Cần phải xử lý nghiêm, cơ quan chức năng phải là “trọng tài” để truy cứu trách nhiệm những cá nhân, tổ chức đã sử dụng biểu tượng Chữ thập đỏ trái luật”, ông Hòa kiến nghị.

a10-1662735052.jpg

ĐBQH Phạm Văn Hòa.

Theo đó, để chấm dứt hành vi sử dụng biểu tượng Chữ thập đỏ trái phép, ĐBQH Phạm Hòa cho rằng, nếu thấy có những bất cập thì Hội Chữ thập đỏ có thể đề xuất với Chính phủ nhằm hoàn chỉnh khung pháp lý về biểu tượng và trình Chính phủ sửa đổi bổ sung nội dung trong luật Hoạt động Chữ thập đỏ.

Về giải pháp trước mắt, bộ Y tế và Hội Chữ thập đỏ cần có sự phối hợp để tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng và bảo vệ biểu tượng. Bộ Y tế cũng cần có thông tư hướng dẫn trong lĩnh vực của mình thực hiện đúng theo quy định, không sử dụng biểu tượng Chữ thập đỏ để “gá” vào biểu tượng đơn vị, doanh nghiệp, sản phẩm… Sở Y tế cũng cần tăng cường kiểm tra, giám sát những cơ sở có sử dụng biểu tượng của Chữ thập đỏ.

Hội Chữ thập đỏ cũng cần có công văn kiến nghị, đề nghị UBND các cấp, sở Y tế phối hợp tuyên truyền. Hội Chữ thập đỏ cũng cần có động thái quyết liệt từ Trung ương Hội, tỉnh Hội, huyện Hội… phát hiện cơ sở, cá nhân nào vi phạm biểu tượng phải có kiến nghị xử lý hoặc kiện ra tòa.

Theo Luật sư Nguyễn Anh Tuấn, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội, cho biết: Tại Điều 14, Điều 15 của Luật Hoạt động CTĐ quy định: Biểu tượng CTĐ là dấu hiệu để nhận biết và được sử dụng với/tại người đang thực hiện hoạt động CTĐ và cơ sở, phương tiện, hiện vật được sử dụng trong hoạt động CTĐ. Còn tại Khoản 7 Điều 6 Luật Hoạt động CTĐ về các hành vi bị nghiêm cấm, trong đó có hành vi “sử dụng biểu tượng CTĐ trái pháp luật”. Những hành vi trái với các quy định trên đều là vi phạm pháp luật và cần phải xử lý nghiêm.

Ông Tuấn cho biết thêm, tháng 7/2013, biểu tượng CTĐ đã được Cục Đăng ký bản quyền tác giả cấp Giấy chứng nhận cho Hội CTĐ Việt Nam. Cho nên, việc sử dụng biểu tượng CTĐ một cách tràn lan cũng sẽ vi phạm các quy định trong luật Sở hữu trí tuệ. Khoản 1 Điều 199 của Luật Sở hữu trí tuệ 2005 quy định biện pháp xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ như sau: “Tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của tổ chức, cá nhân khác thì tuỳ theo tính chất, mức độ xâm phạm, có thể bị xử lý bằng biện pháp dân sự, hành chính hoặc hình sự”.

Ông Tuấn chia sẻ: “Thực tế từ trước tới nay, việc xử lý các trường hợp sử dụng biểu tượng CTĐ chưa được thực hiện kiên quyết nên vi phạm vẫn diễn ra tràn lan. Ở nước ta, nói đến kiện tụng nhiều người tỏ ra rất nghi ngại nhưng thực ra đó là một hành động văn minh và cần thiết, nó vừa đảm bảo quyền lợi vừa thể hiện tính nghiêm minh của luật pháp. Với vấn đề biểu tượng CTĐ, thay vì chỉ tuyên truyền, Hội CTĐ Việt Nam cần có những biện pháp mạnh hơn như khởi kiện ra Tòa và yêu cầu bồi thường, một vài vụ kiện như thế này sẽ là rất cần thiết, giúp Hội CTĐ Việt Nam bảo vệ được biểu tượng của mình”.

PV