Có thể nói ngay rằng, các chương trình truyền hình thực tế năm 2017 đang được các nhà sản xuất làm mưa làm gió, trong khi các đài truyền hình, nơi cho phép phát sóng các chương trình không thể kiểm soát hết nội dung. Thông thường, một chương trình truyền hình, nhà đài sẽ duyệt khung chương trình, sau đó nhà sản xuất sẽ tự lo các vấn đề còn lại.
Lựa chọn thí sinh tuyển chọn ban giám khảo, hay nhân vật chương trình đưa yếu tố nào lên cho hấp dẫn, tiêu chí ra sao đều “một tay” nhà sản xuất sắp xếp. Họ chịu áp lực rất lớn về tính hấp dẫn, thu hút của chương trình. Không hấp dẫn, thu hút lượng người khủng thì cũng đồng nghĩa với việc khó bán quảng cáo, doanh thu thấp, ít lợi nhuận.
Bởi vậy, các show truyền hình thực tế luôn cần nhiều chiêu trò để thu hút sự chú ý của công chúng. Họ thường tập trung khai thác tối đa các nhân vật, tìm xem ở mỗi nhân vật có những yếu tố nào có thể ăn khách, có thể “bán” để mang về lượt người xem như mơ.
Nhưng điều đáng quan tâm ở đây lại chính là câu chuyện các nhà sản xuất chương trình truyền hình, họ đã quá đà trong việc khai thác nhân vật đặc biệt ở chương trình "Sau ánh hào quang" thật đáng lo ngại và dậy sóng.
Nhà sản xuất lạm quyền coi thường khán giả
“Sau ánh hào quang” là một talkshow bắt đầu lên sóng vào ngày 2/10/2017. Dưới sự dẫn dắt của MC Trấn Thành, các nghệ sĩ tham gia tiết lộ những bí mật đời tư của mình. Thỏa mãn được sự tò mò của khán giả, “Sau ánh hào quang” đã thu hút sự chú ý ngay từ những tập đầu tiên.
Trong “Sau ánh hào quang”, các nghệ sĩ chia sẻ những góc khuất trong cuộc đời của mình, đa phần là những sóng gió. Không ít nghệ sĩ rơi nước mắt vì những tổn thương trong quá khứ trỗi dậy.
Từ Thanh Hà hốt hoảng đi trốn khi gặp lại mẹ đẻ - người mà cô luôn tưởng là dì ruột. Đến Xuân Lan kể về quá trình vất vả "chữa gay" cho bạn trai 7 năm nhưng sau đó, anh lập gia đình với một người đàn ông khác. Rồi tiếp theo đến Lý Hải, Thủy Tiên, Đàm Vĩnh Hưng, Thanh Hằng, Họa Mi... cũng nghẹn ngào khi tự lật lại cuộc đời đầy thăng trầm của mình. Lấy nước mắt của không ít khán giả nhưng “Sau ánh hào quang” lại gây tranh cãi khi khai thác thông tin một chiều, ảnh hưởng không nhỏ đến những người được nhắc đến.
Gần đây nhất là câu chuyện của Lê Giang, nghệ sỹ Duy Phương đã phản ứng rất mạnh mẽ. Ông cho rằng chia sẻ của Lê Giang là không chính xác: “Lê Giang nói tôi xấu thế này thế kia đó là lời cô ấy, nhưng bản thân tôi khi tự kiểm chứng lại thì thấy mình đâu có làm gì sai”.
Nam diễn viên hài cho biết, cuộc sống của ông bị đảo lộn, ảnh hưởng nghiêm trọng sau khi chương trình phát sóng cuộc trò chuyện của Lê Giang. Duy Phương kể, ông mất ngủ, quán kinh doanh vắng khách, bản thân ông bị mang tiếng xấu, thậm chí ông chỉ muốn tìm đến cái chết.
Nghệ sỹ Duy Phương đã bộc bạch chia sẻ sau khi gửi đơn kiện: "Tôi thưa kiện không phải để lấy tiền tỷ, giàu sang. Tôi chỉ muốn cuộc sống này trong sáng hơn, mọi thông tin phải rõ ràng, không nhập nhằng, chà giẫm lên nhau như vậy. Tôi đang yên ổn nhưng nay lại sụp đổ như vậy, việc này ai phải chịu trách nhiệm?".
Từ sau tập Lê Giang tố bị Duy Phương bạo hành, cư dân mạng đã có những ý kiến trái chiều. Nhiều người cho rằng chương trình khơi gợi quá sâu chuyện quá khứ đời tư nghệ sĩ. Đông đảo khán giả còn ném đá, thậm chí đòi tẩy chay “Sau ánh hào quang”.
Trên fanpage, nhiều dân mạng để lại bình luận chỉ trích dẫn đến nhà đài đã yêu cầu gỡ bỏ tập Lê Giang tố Duy Phương bạo hành khỏi các kênh phát chính thức của nhà đài và đơn vị sản xuất trên Youtube.
Cần có sự quản lý để các chương trình lành mạnh hơn
Trong ngành công nghiệp giải trí hiện nay, có thể nói, số lượng view đang là tất cả. Bất kỳ một chương trình gì dù lớn dù nhỏ, người ta luôn đặt mục tiêu này lên hàng đầu. Số lượng người xem là thước đo sống còn mang đến lợi nhuận từ quảng cáo. Các nhãn hàng khi bắt đầu chơi cùng các nhà sản xuất, họ quan tâm đầu tiên là sức nóng, sức hấp dẫn của chương trình.
Mà để tạo ra sức nóng, sức hấp dẫn của một chương trình truyền hình thực tế, người ta phải tìm ra đủ mọi cách để câu view, để tạo ra những cú sốc cho khán giả, gây ra một sự chú ý đặc biệt.. Nhưng sự khai thác thái quá thì đang diễn ra thường xuyên, như chương trình "Sau ánh hào quang". Đã đến lúc cần những quy chuẩn nghiêm ngặt hơn trong việc khai thác hình ảnh cá nhân từ các chương trình truyền hình. Chỗ này phải đặc biệt nhấn mạnh vai trò của các đài truyền hình, nơi phát sóng các chương trình. Không chỉ duyệt khung chương trình như hiện nay, nhà đài cần có những điều kiện cụ thể hơn đối với đơn vị sản xuất, theo đó việc khai thác nhân vật phải phù hợp, trong phạm vi cho phép, hạn chế tối đa những chiêu trò dùng hình ảnh nhân vật để câu view, tạo ra những hiệu ứng đám đông tiêu cực.
Cần cụ thể hóa các quy định, bởi nếu không có những quy chuẩn cụ thể, nhà sản xuất rất dễ lợi dụng nhân vật, khai thác thái quá sẽ dễ gây tổn thương và việc khai thác đó đều phải ở một mức độ cho phép. Nhất là các chương trình phải được kiểm duyệt nghiêm ngặt bởi đơn vị phát sóng.
Vẫn biết scandal là “bạn đồng hành” thân thiết của truyền hình thực tế. Vấn đề nằm ở chỗ liều lượng của những scandal đó đến đâu với điều khán giả mong chờ từ một chương trình truyền hình thực tế. Khán giả tìm kiếm những giờ phút thư giãn thoải mái chứ không phải là những bi kịch lợi dụng tình cảm, lấy nước mắt người xem hay chiêu trò lố lăng làm màu, để rồi đến khi lòng tin bị phản bội thì những phản ứng trở nên cực kỳ mạnh mẽ.
Và cuối cùng, ngoài đài truyền hình nơi phát sóng ra, nên chăng ngành văn hóa cũng cần phải vào cuộc, chấn chỉnh những hoạt động của các nhà sản xuất chương trình truyền hình, trả lại sự lành mạnh trong môi trường giải trí sôi động và phức tạp.