Cấm xe máy chỉ là giải pháp tình thế

Tạp Chí Nhân Đạo
TP.Hồ Chí Minh và một số đô thị lớn khác đưa ra đề xuất cấm xe máy theo lộ trình, vấn đề này lập tức vấp phải sự phản đối của phần đông người dân. Người dân chưa đồng thuận, vì cho rằng cấm xe máy chỉ là giải pháp tình thế và giải pháp này không thể giúp giảm tắc đường hay giảm ô nhiễm không khí…

Cấm xe máy, những ý kiến trái chiều

Theo kết quả khảo sát, TP.HCM có tỷ lệ xe máy cao nhất thế giới, 910 xe máy/1000 dân. Cùng với đó, mỗi năm, xe gắn máy gây thiệt hại cho TP.HCM tới 6,1 tỷ USD, chiếm 13,4% GDP của thành phố.

Trước tình trạng đó, một số ý kiến cho rằng, xe máy là nguyên nhân chủ yếu gây ách tắc giao thông; gây ô nhiễm không khí. Do vậy, việc cấm xe máy lưu thông là việc nên làm.

Không chỉ ở TP.HCM, Hà Nội cũng đã có đề xuất hạn chế xe máy lưu thông ở khu vực nội đô với lộ trình thậm chí sớm hơn cả TP.HCM.

cam-xe-may-chi-la-giai-phap-tinh-the

Theo đề xuất, Hà Nội sẽ xây dựng lộ trình để đến năm 2025 sẽ hạn chế xe máy không phân biệt xe ngoại tỉnh hay xe biển số Hà Nội đi vào trung tâm thành phố. Tuy nhiên, khi lý giải xe máy là đối tượng gây ô nhiễm chủ yếu, các ý kiến cũng cho rằng, điều này có thể khắc phục được và xe máy cũng không phải là đối tượng chủ yếu gây ra nạn ô nhiễm không khí.

Trao đổi với chúng tôi về việc tại sao số người không đồng tình với chủ trương hạn chế xe máy lưu thông ở khu vực nội đô lại cao như vậy, một nhà báo cho rằng, đề xuất chủ trương kiểu này sẽ chỉ là kiểu đề xuất giải pháp tình thế, không giải quyết được căn cơ, gốc rễ của vấn đề.

Theo thống kê, tỷ lệ gia tăng ô tô ở các thành phố lớn của Việt Nam đang cao hơn nhiều so với tỷ lệ gia tăng của xe máy. Hiện tại, do thuế suất các loại thuế áp dụng với ô tô ở Việt Nam đang rất cao, làm cho giá bán ô tô tại Việt Nam cao hơn nhiều so với giá bán ô tô ở các nước xung quanh. Khi hội nhập và theo xu hướng, Việt Nam sẽ không thể “một mình một ngựa” áp thuế khiến giá ô tô cao hơn các nước khác, nên giá ô tô sẽ giảm xuống. Trong khi đó, với tốc độ phát triển kinh tế và thu nhập cá nhân của người dân, số lượng ô tô cá nhân sẽ ngày càng tăng lên.

Hiện nay, do tắc đường “kinh niên”, rất nhiều người có ô tô cá nhân nhưng sử dụng xe máy làm phương tiện đi lại chủ yếu. Nếu cấm xe máy, những người này sẽ chuyển sang chỉ dùng ô tô làm phương tiện đi lại. Vì thế, khi lệnh cấm xe máy được ban hành, số ô tô sẽ tăng đột biến và với cơ sở hạ tầng hiện tại của TP.HCM, Hà Nội và tất cả các đô thị lớn của Việt Nam khác sẽ không thể đáp ứng đủ nhu cầu, vì diện tích đường do một ô tô chiếm dụng cao hơn nhiều lần diện tích đường mà một xe máy chiếm dụng. Vì thế, nguy cơ tắc đường sẽ cao hơn.

Lý giải về việc không đồng ý cấm xe máy

Theo Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội Bùi Danh Liên, xe máy là phương tiện đi lại gắn liền với cuộc sống của người dân và người dân sẽ rất khó khăn nếu thiếu xe máy. Xe máy không chỉ là phương tiện đi lại, mà còn là phương tiện tạo ra công ăn, việc làm cho nhiều người dân, tạo ra mọi sinh hoạt đời thường của người dân. Thiếu xe máy là thiếu một phần của cuộc sống. Việc sử dụng phương tiện giao thông nào cũng phụ thuộc vào trình độ phát triển của kinh tế-xã hội. Khi kinh tế-xã hội phát triển đến một ngưỡng nhất định, không cần cấm thì người dân cũng sẽ thay thế xe máy bằng ô tô và các phương tiện giao thông khác.

Đồng tình với quan điểm này, PGS.TS Thân Văn Thanh, nguyên Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ Giao thông vận tải) đề cập tới con số thống kê 73% số gia đình thành phố sống ở những con phố có bề rộng mặt phố dưới 5m. Điều đó cho thấy, dù có cố gắng tới đâu thì các phương tiện vận tải công cộng cỡ lớn cũng không thể bao phủ hết các con phố này để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tham gia giao thông. Cũng theo kết quả thống kê, cư dân ở các đô thị loại I ở Việt Nam chủ yếu đi lại bằng xe máy, chỉ 19% đi lại bằng phương tiện khác. Thực tế đó cho thấy, không phương tiện nào có thể thay thế được xe máy trong thời điểm hiện tại và sự tồn tại của xe máy ở nước ta sẽ còn kéo dài ít nhất vài chục năm nữa.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, TS.Hoàng Dương Tùng cũng cho rằng, ô nhiễm do xe máy gây ra có thể được hạn chế tới 70%, nếu xe máy được bảo dưỡng đúng định kỳ để giảm lượng khí thải, người sử dụng xe máy thường xuyên bơm lốp xe căng để giảm lượng bụi trong không khí và thường xuyên tắt động cơ xe khi dừng chờ đèn đỏ.

Như vậy, việc cấm xe máy lưu thông ở các thành phố lớn chỉ là giải pháp tình thế, không giải quyết được gốc rễ vấn đề. Gốc rễ vấn đề phải là mở rộng đường phố, giãn dân khỏi khu vực nội đô, đưa các cơ quan, doanh nghiệp, trường đại học, bệnh viện ra xa khu vực nội thành. Phát triển mạnh các loại hình giao thông công cộng, áp dụng các hình thức kiểm tra chất lượng động cơ xe máy, ô tô định kỳ và kiên quyết loại bỏ những chiếc xe không đáp ứng yêu cầu về phát thải khí khỏi lưu thông, đi liền với việc kiểm soát chặt chẽ các nguồn phát thải khí khác vào môi trường (như từ nhà máy, xí nghiệp, khu công nghiệp, làng nghề, các công trình xây dựng, các nhà hàng, khách sạn, các lò nung và việc sử dụng bếp than tổ ong trong sinh hoạt…). Nếu giải quyết được những vấn đề gốc rễ ấy, đường tự khắc sẽ thông thoáng, không khí tự khắc sẽ trong sạch và xe máy cũng sẽ vẫn tồn tại như một phần của cuộc sống, cho đến khi người dân tự nguyện “khai tử” nó như những chiếc xe ngựa cách đây vài thập kỷ…