Các sông băng của dãy Alps đang trên đà tan chảy và biến mất

Nguyễn Thị Quỳnh Mai
Nắng nóng cao điểm không chỉ gây cháy rừng, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống người dân tại những nơi đông dân cư. Những khu vực vốn quanh năm lạnh lẽo cũng chứng kiến tác động tiêu cực và rõ rệt của nắng nóng khắc nghiệt.
2607-bien-gioi-1658845230.jpg
Biển báo hiệu lãnh thổ Thụy Sĩ trên núi Alps. Ảnh: AFP

Hầu hết các sông băng trên núi trên thế giới, tàn tích của kỷ băng hà cuối cùng, đang tan chảy do biến đổi khí hậu. Những con sông ở dãy Alps ở châu Âu đặc biệt dễ tan chảy hơn vì chúng hẹp hơn với lớp băng phủ tương đối mỏng. Trong khi đó, nhiệt độ ở dãy Alps đang ấm lên vào khoảng 0,3°C mỗi thập kỷ, nhanh gấp 2 lần so với mức trung bình toàn cầu.

Năm nay, các sông băng của dãy Alps đang trên đà tan chảy và biến mất với tốc độ nhanh nhất trong ít nhất 60 năm qua.

Những ngọn núi ở dãy Alps không còn được phủ một màu trắng tinh của lớp băng dày như trước đây. Nay lớp đất đá màu đen ở bên dưới bắt đầu hiện lên sau khi những con sông băng tan chảy với tốc độ đáng kinh ngạc.

Nằm trên dãy Alps phủ đầy tuyết, đường biên giới giữa Thụy Sĩ và Italy đã bị dịch chuyển sau khi một khối băng tan chảy, đẩy một nhà nghỉ trên núi vốn dĩ ở Italy vào thế tranh chấp.

Theo hãng tin AFP, đường biên giới giữa hai nước chạy dọc theo đường phân chia thoát nước. Tại đường phân chia thoát nước này, nước băng tan chảy xuống hai sườn của ngọn núi về phía hai quốc gia kia. Tuy nhiên, khi sông băng Theodul tan chảy, đầu nguồn sông đã thu về hướng nhà nghỉ Rifugio Guide del Cervino – một nơi nghỉ chân cho du khách khi tham quan đỉnh Testa Grigia cao 3.480 m. Điều này đồng nghĩa với việc biên giới giữa hai nước đã dịch chuyển.

Frederic, một du khách 59 tuổi nghỉ chân tại nhà hàng, cho biết: “Thực đơn viết bằng tiếng Italy, và chúng tôi trả tiền bằng đồng euro thay vì đồng franc Thụy Sĩ. Song thực tế chúng tôi đang ở Thụy Sĩ hay Italy”.

Đây cũng là chủ đề tranh luận sôi nổi trong các cuộc đàm phán ngoại giao từ năm 2018 và kết thúc bằng một thỏa hiệp vào năm ngoái. Tuy nhiên, các chi tiết trong thỏa thuận vẫn còn được giấu kín.

Khi nhà nghỉ Rifugio Guide del Cervino được xây dựng trong năm 1984, tất cả nội thất trong nhà nghỉ từ bàn ghế, giường tủ nằm hoàn toàn bên phía lãnh thổ Italy. Song hiện này, với sự dịch chuyển biên giới, 2/3 không gian nhà nghỉ, bao gồm phần lớn giường và nhà hàng, lại nằm ở phía Nam Thụy Sĩ.

Vấn đề được trở nên đáng quan tâm vì kinh tế khu vực này phụ thuộc vào du lịch. Đây là một trong những khu nghỉ mát trượt tuyết lớn nhất thế giới, và đang phát triển khi một ga cáp treo đang được xây dựng cách đó vài mét.

Từ năm 1973 đến năm 2010, sông băng Theodul đã mất gần 1/4 diện tích. Băng tan đã khiến lớp đá bên dưới lộ ra, thay đổi đường phân chia thoát nước và buộc hai quốc gia phải vẽ lại 100 m đường biên giới. Ông Alain Wicht, quan chức phụ trách đường biên giới tại cơ quan lập bản đồ quốc gia Swisstopo của Thụy Sĩ, nói rằng những điều chỉnh như vậy xảy ra thường xuyên và thường được giải quyết bằng cách so sánh kết quả đọc của các nhà khảo sát, thay vì sự can thiệp từ các chính trị gia. "Phần diện tích lãnh thổ này không đáng là bao. Tuy nhiên, nơi đây lại xuất hiện một tòa nhà đem lại giá trị kinh tế cho khu đất”, Alain giải thích.

Theo các chuyên gia, nếu lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính tiếp tục tăng, các sông băng trên dãy Alps dự kiến sẽ mất hơn 80% khối lượng hiện tại của chúng vào năm 2100.

PL