Các hành vi vi phạm biểu tượng Chữ thập đỏ cần được xử lý

Lã Thị Thúy hằng
“Tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của tổ chức, cá nhân khác thì tuỳ theo tính chất, mức độ xâm phạm, có thể bị xử lý bằng biện pháp dân sự, hành chính hoặc hình sự”, quy định là vậy nhưng vẫn còn nhiều tổ chức cố tình vi phạm bản quyền, sử dụng sai mục đích và tùy tiện biểu tượng Chữ thập đỏ (CTĐ), gây ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh và vị thế của Hội CTĐ Việt Nam.

Hình chữ thập màu đỏ trên nền trắng không còn xa lạ với người dân bởi nó xuất hiện khắp nơi, từ bệnh viện, xe cứu thương,… đến các sản phẩm liên quan đến vật dụng y tế, hóa mỹ phẩm. Tuy nhiên, việc sử dụng biểu tượng Chữ thập đỏ (CTĐ) tùy tiện lại bị coi là một hành vi vi phạm các quy định của pháp luật.

Đầu tiên, chúng ta cần phải hiểu biểu tượng CTĐ có hiệu lực pháp lý để bảo vệ lực lượng quân y, những người cứu trợ tình nguyện, các cơ quan của Hội CTĐ quốc gia làm nhiệm vụ cứu chữa thương binh, bảo vệ thường dân trong các cuộc xung đột vũ trang. Thời chiến, nơi nào xuất hiện biểu tượng này, nơi đó được coi là khu vực đình chiến, an toàn. Thời bình, nó được sử dụng khi tiến hành hoạt động CTĐ tại cơ sở hoặc gắn trên phương tiện, hiện vật của Hội CTĐ, là biểu tượng của những hoạt động nhân đạo không tính phí.

Trong khi, các tổ chức sử dụng hình ảnh của biểu tượng CTĐ đa phần đều tính phí, thu tiền của người dân. Ví dụ như khi sử dụng xe cứu thương thì người dân phải trả chi phí vận chuyển, hay mua nhiều mặt hàng có gắn chữ thập trên sản phẩm người dân đều mất tiền cho sản phẩm đó,… Điều này đi ngược với bản chất và ý nghĩa của biểu tượng CTĐ.

Trao đổi với phóng viên, luật sư Nguyễn Anh Tuấn, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội, cho biết: Tại Điều 14, Điều 15 của Luật Hoạt động CTĐ quy định: Biểu tượng CTĐ là dấu hiệu để nhận biết và được sử dụng với/tại người đang thực hiện hoạt động CTĐ và cơ sở, phương tiện, hiện vật được sử dụng trong hoạt động CTĐ. Còn tại Khoản 7 Điều 6 Luật Hoạt động CTĐ về các hành vi bị nghiêm cấm, trong đó có hành vi “sử dụng biểu tượng CTĐ trái pháp luật”. Những hành vi trái với các quy định trên đều là vi phạm pháp luật và cần phải xử lý nghiêm.

a8-1661188748.jpg

Một số hình ảnh vi phạm biểu tượng Chữ thập đỏ.

Ông Tuấn cho biết thêm, tháng 7/2013, biểu tượng CTĐ đã được Cục Đăng ký bản quyền tác giả cấp Giấy chứng nhận cho Hội CTĐ Việt Nam. Cho nên, việc sử dụng biểu tượng CTĐ một cách tràn lan cũng sẽ vi phạm các quy định trong luật Sở hữu trí tuệ. Khoản 1 Điều 199 của Luật Sở hữu trí tuệ 2005 quy định biện pháp xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ như sau: “Tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của tổ chức, cá nhân khác thì tuỳ theo tính chất, mức độ xâm phạm, có thể bị xử lý bằng biện pháp dân sự, hành chính hoặc hình sự”.

Ông Tuấn chia sẻ: “Thực tế từ trước tới nay, việc xử lý các trường hợp sử dụng biểu tượng CTĐ chưa được thực hiện kiên quyết nên vi phạm vẫn diễn ra tràn lan. Ở nước ta, nói đến kiện tụng nhiều người tỏ ra rất nghi ngại nhưng thực ra đó là một hành động văn minh và cần thiết, nó vừa đảm bảo quyền lợi vừa thể hiện tính nghiêm minh của luật pháp. Với vấn đề biểu tượng CTĐ, thay vì chỉ tuyên truyền, Hội CTĐ Việt Nam cần có những biện pháp mạnh hơn như khởi kiện ra Tòa và yêu cầu bồi thường, một vài vụ kiện như thế này sẽ là rất cần thiết, giúp Hội CTĐ Việt Nam bảo vệ được biểu tượng của mình”.

Theo luật sư Nguyễn Trần Tuyên, Giám đốc Công ty Luật Trách nhiệm hữu hạn ELITE, biểu tượng, biểu trưng Chữ thập đỏ đều được pháp luật trong nước và quốc tế bảo hộ. Do đó, các cán bộ Hội Chữ thập đỏ khi phát hiện có tổ chức, cá nhân sử dụng biểu tượng Chữ thập đỏ không được phép của Trung ương Hội, cần thu thập các bằng chứng, thông tin, gửi đến Ban truyền thông của Trung ương Hội để đề nghị phê duyệt việc xử lý xâm phạm biểu tượng. Hội Chữ thập đỏ địa phương tiến hành gửi thư cảnh báo, yêu cầu đối tượng xâm phạm chấm dứt ngay hành vi sử dụng biểu tượng trái phép.

a7-1661182004.jpg

Các cấp Hội Chữ thập đỏ tuyên truyền về sử dụng biểu tượng Chữ thập đỏ tới các nhà thuốc.

Sau thời hạn 20-30 ngày kể từ ngày gửi thư cảnh báo, đối tượng vi phạm không trả lời hoặc trả lời nhưng không chấp nhận việc chấm dứt hành vi xâm phạm, Trung ương Hội CTĐ Việt Nam cần tiến hành nộp đơn đề nghị cơ quan thực thi tiến hành kiểm tra, xử lý đối tượng vi phạm theo thủ tục xử lý vi phạm hành chính. Sau quá trình thẩm định nếu xác định đã đủ căn cứ cấu thành hành vi bị xử phạt vi phạm hành chính, cơ quan thực thi sẽ ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính dưới hình thức cảnh cáo hoặc phạt tiền. Ngoài ra, tùy tính chất, mức độ vi phạm, cơ quan thực thi có thể áp dụng biện pháp xử phạt bổ sung như: tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.

Đồng thời, tổ chức, cá nhân vi phạm còn có thể bị buộc áp dụng một hoặc các biện pháp khắc phục hậu quả, như: Buộc loại bỏ yếu tố vi phạm trên hàng hóa, phương tiện kinh doanh; buộc loại bỏ thông tin, chỉ dẫn về hàng hóa, dịch vụ vi phạm trên phương tiện kinh doanh, kể cả phương tiện quảng cáo, mạng điện tử hoặc thay đổi, thu hồi tên miền, tên doanh nghiệp chứa yếu tố vi phạm…

Thời gian tới, Trung ương Hội CTĐ Việt Nam sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp truyền thông bảo vệ biểu tượng. Trong đó, Hội tập trung truyền thông nâng cao nhận thức của cộng đồng về biểu tượng Chữ thập đỏ, các quy định sử dụng biểu tượng; tổ chức chiến dịch truyền thông về việc sử dụng biểu tượng đối với các cơ sở khám chữa bệnh, các đơn vị doanh nghiệp, cơ quan truyền thông sử dụng sai biểu tượng, các trường học; hướng dẫn các tỉnh, thành Hội trong tăng cường truyền thông về việc sử dụng biểu tượng CTĐ tại địa phương.

PV