Các điểm du lịch cháy phòng, kẹt xe sau Tết

Tạp Chí Nhân Đạo
Du khách cùng nhau đổ về các điểm du lịch dẫn đến tình trạng ùn tắc. Trong khi đó, nhà nghỉ, khách sạn cháy phòng từ trong Tết.

Từ chiều mùng 3 Tết, các điểm du lịch nổi tiếng như Tam Đảo, Đà Nẵng, Đà Lạt, Cần Thơ... đều trong tình trạng quá tải vì lượng du khách đổ về đông.

Thất thủ ngày đầu năm

Sáng mùng 2 Tết, Hà Minh Xuân (Hà Nội) cùng nhóm bạn thân rủ nhau đi Tam Đảo nhưng đến đầu giờ chiều vẫn chưa đến nơi vì phải chôn chân giữa dòng người đang ùn ùn kéo về đây. "Hàng nghìn người cùng đi Tam Đảo, đường thì bé mà xe thì nhiều. Muốn quay đầu về cũng không được mà đi tiếp cũng không xong", Minh chia sẻ.

1
Dòng người đổ về Tam Đảo khiến tắc đường kéo dài. Ảnh: Minsk Bong Keo.

Tại Đà Lạt, tình trạng cũng tương tự. Khác với ngày thường, du khách đến Đà Lạt trong 3 ngày Tết chủ yếu là người Sài Gòn và các vùng lân cận như Ninh Thuận, Bình Thuận và các tỉnh Tây Nguyên. 

Dòng người từ khắp các trục đường cùng nhau đổ về, khiến "thành phố ngàn hoa" luôn trong tình trạng đông đúc và ùn tắc.

Cháy phòng từ trong Tết

Phạm Quang Thuần, ngụ quận 3, TP.HCM cho biết, anh và bạn đã phải đặt phòng trước Tết nửa tháng vì biết trước Đà Lạt mùa này rất đông khách. "Tết nào cũng đông, nhưng ở đây không đi Đà Lạt thì cũng chẳng biết đi đâu", anh Thuần nói thêm.

Trong khi các điểm du lịch như Tam Đảo, Đà Nẵng, Cần Thơ đón khách sau 3 ngày Tết thì nhiều người đã về Đà Lạt từ đêm 30. 

Năm nay, Nguyễn Hồng Tuyết (Bình Thạnh, TP.HCM) quyết định cùng bạn lên Đà Lạt đón Tết. "Ngoài thời tiết mát mẻ, Đà Lạt cũng khá gần mà chi phí không quá đắt đỏ nên mình và người yêu quyết đã thuê một homestay yên tĩnh và đón Tết ở đây", Hồng Tuyết chia sẻ.

28207707_2064080983874401_268799942_o
Chợ Đà Lạt đêm mùng 2 Tết rất đông du khách đổ về, lực lượng an ninh phải làm việc đến khuya để đảm bảo giao thông thông thoáng.

Minh An, một chủ homestay nhỏ ở Đà Lạt cho biết: "Từ ngày mở, bọn mình phải ăn Tết trên này luôn để phục vụ khách. Năm nào cũng cháy phòng vào ngày Tết, khách phải đặt trước ít nhất một tuần mới có phòng".

Trên một nhóm du lịch Đà Lạt, các thông tin về phòng trống, giá phòng vẫn được cập nhật rất đều đặn. Chị Hồng Vân, quê ở Bảo Lộc chấp nhận ở 2 homestay khác nhau trong vòng 3 ngày vì đặt phòng muộn. "Mọi năm mình ăn Tết ở nhà cùng gia đình, năm nay em bé đã lớn nên muốn cả nhà cùng lên Đà Lạt nghỉ ngơi mấy hôm nhưng phải vất vả lắm mới tìm được phòng trống".

Giá cả đắt đỏ

Mặc dù Tết nhưng nhiều nhà hàng, quán đã bắt đầu mở cửa từ mùng 2 để phục vụ du khách.

Hầu hết dịch vụ ngày Tết đều tăng 20-60%, đặc biệt là đi lại và ăn uống. Trong khi đó, hầu hết giá phòng tại các điểm du lịch đều niêm yết và không tăng nhiều so với trong năm. Tuy nhiên một số dịch vụ lại tranh thủ hét giá, buộc du khách phải trả cao hơn mặt bằng chung.

"Giá cả cũng tuỳ từng nơi, có nơi họ ghi rõ trước cửa là tăng giá từ mùng 2 đến 8 Tết âm lịch, sau đó lại bán với giá bình thường. Nhưng một số nơi lại tăng giá quá cao, bây giờ không có lựa chọn nào khác nên phải chịu thôi", Phạm Quang Thuần chia sẻ.