Cả nước đã ghi nhận 46 vụ ngộ độc thực phẩm trong đó 14 trường hợp tử vong

Nguyễn Diệp Linh
Theo báo cáo của Bộ Y tế, trong 11 tháng năm 2022, cả nước xảy ra 46 vụ ngộ độc thực phẩm với 601 người bị ngộ độc, trong đó có 14 người tử vong.

Theo báo cáo của Bộ Y tế mới đây, đến nay, cả nước đã xảy ra 46 vụ ngộ độc thực phẩm. Tính riêng trong tháng 11, toàn quốc ghi nhận 3 vụ ngộ độc thực phẩm với 20 nạn nhân (giảm một vụ ngộ độc và giảm 17 người bị ngộ độc so với tháng 10). Mặt khác, Bộ Y tế cũng xác nhận có 3 người tử vong trong tháng 11.

ngo-doc-thuc-pham-da-nang-1659440244117667538431-crop-1670510485800663077178-1670588626.jpg

Hàng loạt bệnh nhân nhập viện do ngộ độc thực phẩm. Ảnh: báo VTV

 

Trong thời gian giáp Tết Nguyên đán Quý Mão và Lễ hội Xuân 2023, việc đảm bảo an toàn thực phẩm được ngành y tế đặc biệt chú trọng do đây là thời điểm tiêu thụ thực phẩm lớn trong năm.

Vì vậy, cùng với việc tăng cường kiểm tra, phát hiện, xử lý nghiêm vi phạm về an toàn thực phẩm, ngành y tế sẽ công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng để cảnh báo người dân đối với những cơ sở vi phạm về lĩnh vực này.

Đồng thời, ngành y tế sẽ tiếp tục tuyên truyền, phổ biến quy định pháp luật về an toàn thực phẩm, hướng dẫn người dân cách lựa chọn và sử dụng thực phẩm an toàn.

Về phía người tiêu dùng, để chủ chủ động phòng tránh ngộ độc thực phẩm, Bộ Y tế khuyến cáo chúng ta nên quan tâm nhiều hơn đến chất lượng thực phẩm; thận trọng trong lựa chọn thực phẩm, chỉ mua sản phẩm rõ nguồn gốc, bảo đảm an toàn, không ham rẻ, từ đó dễ mua phải những thực phẩm bẩn trà trộn, có nguy cơ gây hại cho bản thân và gia đình.

Tại thành phố lớn là Hà Nội mới đây, địa phương này đã thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm cấp huyện, kiểm tra việc bảo đảm an toàn thực phẩm phục vụ Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Quý Mão và lễ hội Xuân năm 2023.

Trong đó, cấp xã sẽ tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm, đánh giá tại các lễ hội, cơ sở phục vụ, dịch vụ, cơ sở bán lẻ, chợ và thức ăn đường phố trên địa bàn xã, phường, theo phân cấp.

Hà Nội cũng yêu cầu các đoàn kiểm tra khi phát hiện vi phạm phải xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

Sản phẩm không bảo đảm an toàn thực phẩm, không rõ nguồn gốc xuất xứ, ghi nhãn hàng hóa không đúng quy định hoặc có các vi phạm khác sẽ không được phép lưu thông trên thị trường.

Các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ ăn uống, kinh doanh thức ăn đường phố không bảo đảm an toàn thực phẩm cũng không được tiếp tục hoạt động trước khi có biện pháp khắc phục.

Thời gian cao điểm của đợt kiểm tra là từ ngày 15/12 đến hết ngày 12/3/2023.

Hạnh (T/h)