Bước chân không mỏi của những người đi làm điều “không thể?”

Nguyễn Thị Hải Hà
Ghép tạng được coi là đỉnh cao của y học nhân loại, nhưng trong thực tế vẫn còn hàng ngàn người bệnh đang mòn mỏi chờ đợi nguồn tạng hiến. Thay đổi nhận thức người đi hiến mô, tạng khó lắm? ở đâu cũng khó? ở những bản vùng cao, nơi tập trung đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống còn là điều không thể? Nhưng chẳng có gì là không thể, nếu điều đó là đúng đắn, là hạnh phúc và mang lại sự sống cho người khác.

Hiến mô, tạng Hành trình nối dài sự sống nơi vùng cao biên giới

Việc hiến tặng mô, tạng cho những người bị suy tạng là một món quà vô giá. Bởi đây không chỉ là một nghĩa cử cao đẹp mà còn giúp nối dài sự sống cho những người bệnh tưởng chừng như đã tắt hết hy vọng với cuộc đời.

Với tinh thần nhân ái, sẻ chia, nhiều người đã quyết định hiến mô, tạng để góp phần thay đổi cuộc sống của những người bệnh kém may mắn đang chờ đợi nguồn mô, tạng hiến. Trong nhiều năm qua, để tăng cường công tác tuyên truyền và vận động người dân nhận thức được tầm quan trọng, tham gia hiến mô, tạng, Đảng, Nhà nước đã triển khai nhiều chương trình, chính sách giúp cho người dân hiểu đúng đắn và tích cực tham gia hiến mô, tạng trong cộng đồng.

755ee3c6168ed3d08a9f-1661658453.jpg
Đồng chí Nguyễn Trần Sơn - Trưởng ban CTXH&CSSK Hội CTĐ tỉnh vận động mọi người hiến mô, tạng

Lai Châu một tỉnh biên giới phía Bắc, nhiều năm trước câu chuyện về đói nghèo, về thói quen canh tác chặt phá rừng nay đây mai đó của bà con các dân tộc làm đau đầu các nhà quản lý địa phương, thì đã có những con người thầm lặng đặt những bước chân đầu tiên trên hành trình thay đổi nhận thức về hiến mô, tạng của bà con dân tộc vùng cao.

Nhớ lại những ngày đầu tiên ấy, anh Nguyễn Thế Thực – làm việc tại Ban Công tác xã hội và chăm sóc sức khỏe (Hội CTĐ tỉnh Lai Châu) chia sẻ: Vào năm 2019, tình cờ trong một lần đi kêu gọi và trao quà để giúp đỡ em Tao A Trường (18 tuổi, ở xã Trung Chải, huyện Nậm Nhùn) bị suy thận mạn tính phải lọc máu, anh Thực đã thực sự trăn trở về những bệnh nhân suy tạng.

Tao A Trường sinh ra trong một gia đình đặc biệt, người cha câm, điếc, mẹ bỏ đi khi em còn rất nhỏ, mình bố nuôi 2 chị em Trường khôn lớn. Tưởng chừng em sẽ là người gánh vác, lo toan được cho cha và em thì em lại phải đối diện với căn bệnh quái ác khiến cho gia đình vốn nghèo khó càng thêm kiệt quệ. Vào được cấp 3 đã khó nhưng Trường đành phải dừng bước khi đang học lớp 11 để điều trị bệnh. Cuộc sống của em chỉ quanh quẩn với phòng bệnh và những chiếc máy lọc máu….

Thương cho hoàn cảnh của Trường, anh Thực cùng nhiều cán bộ Hội CTĐ khác tìm mọi cách giúp đỡ em về chi phí trong quá trình điều trị, kết nối đơn vị tài trợ phẫu thuật ghép mô, tạng song vấn đề khó nhất, làm dự định của các anh bị bỏ dở giữa chừng do chưa tìm được người hiến thận để thay thế. Trăn trở với hoàn cảnh em Trường và thương cho ngững người không may mắc bệnh hiểm nghèo khác trong và ngoài tỉnh đã thôi thúc anh Thực mạnh dạn đăng ký hiến mô, tạng. Tại Hội CTĐ Lai Châu nơi anh Thực làm việc thì một trong 7 nhiệm vụ trong tâm của Hội CTĐ là vận động hiến máu nhân đạo, hiến mô, bộ phận cơ thể người và hiến xác, nhận thấy không chỉ là nhiệm vụ trong công việc mà còn là “mệnh lệnh từ trái tim” anh cùng các đồng nghiệp CTĐ đã quyết tâm thay đổi nhận thức bà con các dân tộc và nhân dân địa phương về việc đăng ký hiến mô, tạng đạt hiệu quả cao.

Thời gian đầu, chia sẻ với người dân về hiến mô, tạng khó như “lên trời” do trình độ nhận thức của người dân địa phương còn hạn chế, hiểu biết về chương trình hiến mô, tạng chưa nhiều. Nhiều bà con vẫn còn nặng quan điểm khi chết phải toàn thây, một số người đồng ý hiến nhưng lại gặp phải sự không đồng tình của người thân… “Phép vua thua lệ làng”, có nhiều người khi hiểu ra cũng hăng hái muốn tham gia, nhưng bắt gặp những ánh mắt dò xét, những hủ tục trong làng làm nhiều người ngập ngừng và từ chối ý định tốt đẹp ban đầu. Đội ngũ cán bộ Hội CTĐ từ tỉnh đến cơ sở, lại tiếp tục những ngày tháng “gần dân, sát dân” chẳng quản đường xa, bản cao hẻo lánh, cùng với việc đẩy mạnh tuyên truyền về hiến mô, tạng bằng nhiều hình thức từ lồng ghép trong các buổi vận động hiến máu, tuyên truyền về các biện pháp phòng chống dịch Covid-19, tập huấn cho người đăng ký hiến mô, tạng đi vận động tiếp, thậm chí đến từng hộ gia đình, gặp gỡ từng cá nhân. Chia sẻ thông tin cần biết về hiến mô, tạng như: Đối tượng, độ tuổi, địa điểm đăng ký hiến… Nhiều cán bộ làm công tác CTĐ từ tỉnh đến huyện, thành phố gương mẫu đăng ký hiến mô tạng để làm gương.

57441697e3df26817fce-1661658614.jpg
Nhiều bà con dân tộc sinh sống tại tỉnh Lai Châu tham gia đăng ký hiến mô, tạng.

Ông Bùi Việt Cường - Chủ tịch Hội CTĐ Lai Châu và các cán bộ Chữ thập đỏ Lai Châu thường xuyên lặn lội tới Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia để tìm hiểu các thủ tục đăng ký hiến tạng và các công việc liên quan đến lĩnh vực này để truyền đạt cho chính xác. Với phương châm “Mưa dầm thấm lâu”, dần dần nhận thức của người dân được nâng cao, số lượng tham gia hiến mô tạng ngày càng nhiều.

Những con số lay động trái tim

Sau nhiều ngày tích cực vận động và cổ vũ phong trào tại tỉnh Lai Châu, ông Cường cho biết: “Đến nay, toàn tỉnh đã có 470 người đăng ký hiến mô tạng. Trong đó, đăng ký hiến nhiều nhất là từ đầu năm 2021 đến nay. Số lượng người đăng ký tập trung nhiều ở các huyện: Nậm Nhùn (trên 100 người), Mường Tè (trên 50 người), Phong Thổ (trên 100 người), Than Uyên (trên 100 người), huyện Sìn Hồ (gần 100 người), Tam Đường (trên 50 người) còn lại ở thành phố Lai Châu. 1/3 số người đăng ký hiến mô tạng là người đã từng tham gia hiến máu. Hơn ½ số người đăng ký hiến là đồng bào dân tộc thiểu số, không phải công chức, viên chức.

Chị Nguyễn Thị Hương - Chuyên viên Văn phòng Hội CTĐ tỉnh Lai Châu (người trực tiếp tuyên truyền, hướng dẫn các tình nguyện viên đăng ký hiến tặng mô, tạng) cho biết: Để có được kết quả như ngày hôm nay, tôi cùng các đồng nghiệp tham mưu cho Hội CTĐ tỉnh chỉ đạo các cơ sở Hội trên địa bàn tỉnh không chỉ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho nhân dân, tình nguyện đăng ký hiến tặng mô, tạng. Đồng thời, lồng ghép hoạt động hiến tặng mô, tạng vào các buổi hiến máu tình nguyện, các lớp tập huấn, chương trình trao quà ở cơ sở. Nhờ đó, tôi thu hút nhiều tình nguyện viên tham gia hiến tặng mô, tạng, góp phần bảo đảm an sinh xã hội”.

a6995646a30e66503f1f-1661658437.jpg
Đồng chí Nguyễn Thị Hương - Cán bộ văn phòng Hội CTĐ tỉnh vận động bà con xã Trung Chải, huyện Nậm Bồ, tỉnh Lai Châu.

Đơn cử, anh Chu Thanh Minh (SN 1964) ở tổ 9 (phường Tân Phong, thành phố Lai Châu) viết đơn tình nguyện đăng ký hiến, tặng 12 mô, tạng (giác mạc, thận, tụy, tim, gan, xương, phối, gân, sụn, da, van tim, mạch máu). Tuy gia đình chưa có ai hiến tặng mô, tạng nhưng anh được cán bộ Hội CTĐ tỉnh tuyên truyền mục đích, ý nghĩa “Trao tặng yêu thương - Nối dài sự sống”. Từ đó, anh biết việc hiến tặng mô, tạng là sự sẻ chia, giúp người bệnh có cơ hội hồi sinh. Hay như, chị Điêu Thị Lưỡng Hà (SN 1978) ở tổ 5 (phường Tân Phong, thành phố Lai Châu) tự nguyện đăng ký hiến thận, tụy, tim, gan để cứu người. Lý do chị Hà đưa ra khá đơn giản “cho đi là còn mãi” và mong muốn “khi chết não có thể làm được việc có ích, giúp mang sự sống cho người khác”. Bởi trước đó, chị biết nhiều bệnh nhân không may mắc phải căn bệnh hiểm nghèo nhưng nhờ nhận được mô, tạng của người hiến tặng mà hồi sinh sự sống.

Chị Hà tâm sự: Tôi vui khi đăng ký thành công việc hiến tặng mô, tạng, giúp người bệnh vượt qua “cửa tử”. Khi tôi chết não, người thân sẽ liên hệ đến Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia (Bộ Y tế) để tiến hành các bước hiến tặng mô, tạng. Thời gian tới, tôi tiếp tục vận động người thân trong gia đình cùng tham gia đăng ký hiến tặng mô, tạng, cứu sống nhiều người bệnh”.

Đến nay, toàn tỉnh có 2.000 người tình nguyện viết đơn đăng ký hiến tặng mô, tạng, trong đó, 70% là người dân tộc thiểu số và 30% là cán bộ, công chức, viên chức. Hội CTĐ tỉnh đã trao 1.200 thẻ và gửi 800 hồ sơ làm thẻ hiến tặng mô, tạng cho các tình nguyện viên. 100% cán bộ CTĐ từ tỉnh đến cơ sở gương mẫu đăng ký hiến tặng mô tạng để nêu gương cho cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân noi theo.

Người ra đi tiếp sức niềm tin cho người ở lại. Người ở lại tiếp tục truyền cảm hứng đến với những người xung quanh mình. Đó là những tấm gương bình dị góp phần lan tỏa thông điệp "cho đi là còn mãi" và ngày càng nhân rộng thêm những hành động đẹp.

Những việc làm nhỏ bé của anh Thực, anh Cường, chị Hương đã thắp lên ngọn lửa về quyết tâm “không gì là không thể” dù có khó khăn như thế nào, nhưng họ đã dùng cái tâm của người làm Chữ thập đỏ, trái tim yêu thương của con người dành cho nhau để nối dài sự sống cho những người cần hiến mô, tạng nơi vùng cao biên giới.

Nho Quế