Bộ Y tế thông tin chi tiết về sức khỏe của bệnh nhân mắc đậu mùa khỉ đầu tiên tại Việt Nam

Nguyễn Diệp Linh
Kết quả xét nghiệm giải trình tự gen khẳng định, bệnh nhân nữ 35 tuổi mắc bệnh Đậu mùa khỉ chủng Monkeypox virus thuộc clade IIb.

Bộ Y tế cho hay nhận được báo cáo của Sở Y tế TPHCM về kết quả xét nghiệm giải trình tự gen khẳng định một bệnh nhân mắc bệnh Đậu mùa khỉ chủng Monkeypox virus thuộc clade IIb. Đây là bệnh nhân mắc bệnh Đậu mùa khỉ được ghi nhận đầu tiên tại Việt Nam.

Bệnh nhân nữ 35 tuổi, thường trú tại TPHCM khởi phát bệnh ngày 18/9/2022 khi đang du lịch tại Dubai (từ tháng 7/2022 đến 22/9/2022 về Việt Nam) với triệu chứng sốt kèm mệt mỏi, ớn lạnh, đau cơ, đau đầu và ho, xuất hiện các nốt đỏ, ngứa trên cánh tay, thân mình và mặt.

Ngay sau khi về Việt Nam, ngày 23/9/2022, bệnh nhân đã đến khám tại Bệnh viện Từ Dũ và nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm, được chuyển sang Bệnh viện Da liễu TPHCM. Tại đây, bác sĩ khám, nghi ngờ mắc bệnh Đậu mùa khỉ, bệnh nhân được cách ly, lấy mẫu xét nghiệm chẩn đoán (xét nghiệm Real time PCR tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới và Viện Pasteur TPHCM).

vac-xin-dau-mua-khi-539-1664791701.jpg

Xét nghiệm phát hiện bệnh Đậu mùa khỉ. Ảnh: VTC News

Ngày 25/9/2022, bệnh nhân có kết quả ban đầu dương tính với bệnh Đậu mùa khỉ và được chuyển sang Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP. Hồ Chí Minh để tiếp tục cách ly, điều trị và lấy mẫu giải trình tự gen tại Đơn vị nghiên cứu lâm sàng của Trường đại học OXFORD hợp tác với Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM.

Ngay khi nhận được thông tin bệnh nhân nghi ngờ mắc bệnh Đậu mùa khỉ, Bộ Y tế đã đề nghị UBND TPHCM chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tiếp tục đẩy mạnh triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, khẩn trương làm xét nghiệm giải trình tự gen và tiếp tục điều tra dịch tễ, xử lý ổ dịch, cách ly, điều trị bệnh nhân theo hướng dẫn chuyên môn của Bộ Y tế. Đồng thời Bộ Y tế đã đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Đậu mùa khỉ.

Hiện tại, bệnh nhân sức khỏe ổn định, không sốt, đang được tiếp tục cách ly, điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Với những thông tin khai thác được qua điều tra dịch tễ, cùng với kết quả xét nghiệm Real time PCR, giải trình tự gen, Bộ Y tế nhận định đây là trường hợp mắc bệnh Đậu mùa khỉ, có nguồn lây từ nước ngoài; các trường hợp tiếp xúc gần với bệnh nhân tại Việt Nam (kể từ khi về nước) đều được giám sát, theo dõi theo quy định và hiện chưa phát hiện trường hợp nghi nhiễm.

Trong diễn biến có liên quan, chiều 3/10, Bộ Y tế đã gửi Công văn khẩn đến UBND các tỉnh, thành về việc tăng cường phòng chống bệnh đậu mùa khỉ.

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh đậu mùa khỉ trên thế giới và tại một số nước Đông Nam Á trong đó có Việt Nam, nhằm kiểm soát dịch kịp thời không để bùng phát dịch chồng dịch, hạn chế tối đa số mắc và tử vong, Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành chỉ đạo các sở, ban, ngành thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác phòng chống bệnh này và các hướng dẫn của Bộ Y tế. Đó là giám sát và phòng, chống bệnh; chẩn đoán, điều trị và phòng bệnh đậu mùa khỉ ở người; phòng ngừa lây nhiễm trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Các tỉnh, thành cũng được yêu cầu chuẩn bị sẵn sàng công tác phòng, chống dịch tại địa phương. Cụ thể, đẩy mạnh việc thực hiện nghiêm giám sát dịch bệnh tại các cửa khẩu, giám sát tại các cơ sở khám chữa bệnh và giám sát dựa vào sự kiện tại cộng đồng để phát hiện sớm, ngăn chặn dịch bệnh kịp thời.

Tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế các tuyến và đảm bảo việc thu dung, phân luồng, điều trị người bệnh tại các cơ sở khám, chữa bệnh và phòng chống lây nhiễm tại các cơ sở xét nghiệm, y tế.

“Rà soát cập nhật kế hoạch, kịch bản đáp ứng, diễn tập theo các tình huống để sẵn sàng đáp ứng trong trường hợp dịch bệnh xảy ra. Sẵn sàng thuốc, trang thiết bị, nhân lực, kinh phí”, công văn khẩn của Bộ cho biết.

Đồng thời, khi ghi nhận trường hợp bệnh, khẩn trương thực hiện điều tra kỹ tất cả các trường hợp tiếp xúc với ca dương tính với đậu mùa khỉ để xác định nguồn lây nhiễm; quản lý, xử lý kịp thời ổ dịch không để dịch lây lan rộng ra cộng đồng.

Bên cạnh đó, công văn của Bộ cũng nhấn mạnh cần tổ chức cách ly, điều trị trường hợp dương tính, tránh tử vong, lưu ý không để xảy ra lây nhiễm chéo, lây nhiễm đối với nhân viên y tế trong quá trình chăm sóc, điều trị.

Bộ Y tế chỉ đạo đẩy mạnh truyền thông minh bạch, bằng nhiều hình thức cho người dân về các biện pháp dự phòng dịch bệnh tại các cửa khẩu, cộng đồng về dịch bệnh đậu mùa khỉ theo khuyến cáo của Bộ.

Bộ Y tế nhận định từ tháng 5/2022 đến nay, dịch bệnh này đã gia tăng liên tục cả về số ca mắc và số quốc gia, vùng lãnh thổ ghi nhận ca bệnh.

Ngày 23/7, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã công bố dịch bệnh này là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng quốc tế. Đến ngày 26/9, thế giới ghi nhận 64.561 trường hợp mắc bệnh tại 105 nước trên thế giới.

Trong đó, khu vực Tây Thái Bình Dương có một số nước và vùng lãnh thổ ghi nhận ca bệnh gồm: Australia (132), Singapore (19), Trung Quốc (5),

Vũ Hạnh (T/h)