Bộ Y tế: Không xét nghiệm tràn lan Adenovirus, cần theo chỉ định của bác sỹ

Nguyễn Diệp Linh
Các chuyên gia cho rằng việc xét nghiệm phải có chỉ định của bác sĩ, không xét nghiệm tràn lan theo nhu cầu của người dân. Chỉ định này phải tuỳ theo từng đặc điểm lâm sàng như ho, sốt, viêm đường hô hấp, tổn thương phổi, bệnh lý nền, đặc biệt là có yếu tố dịch tễ, nguồn lây… của bệnh nhi thì mới nên làm.

Rất nhiều trẻ mắc Adenovirus nặng phải nhập viện thở oxy, thở máy, lọc máu. Đến nay đã ghi nhận 9 ca tử vong ở Bệnh viện Nhi Trung ương. Tại Hà Nội trong những ngày qua, một số cơ sở xét nghiệm quá tải vì các cuộc gọi của phụ huynh xét nghiệm Adenovirus tại nhà liên tục.

Con trai sốt cao 2 ngày, chị Phạm Thanh Hà (Cầu Giấy, Hà Nội) cho con uống giảm sốt rồi gọi một đơn vị xét nghiệm đến tận nhà lấy mẫu thực hiện test cúm A, sốt xuất huyết và Adenovirus, hết tổng chi phí hơn 1,5 triệu đồng. “Kết quả con không nhiễm cúm A, sốt xuất huyết hay Adenovirus”, chị Hà cho biết. Còn anh Bùi Minh Hải (Tây Hồ, Hà Nội) thì cho rằng, do bệnh viện đang quá tải, con anh chỉ có biểu hiện sốt nhẹ, nghẹt mũi, đau họng nên đã gọi đơn vị xét nghiệm Medlatec về nhà test cúm và Adenovirus.

Nhiều phụ huynh con sốt cao, có hiện tượng đau mắt, tiêu chảy nhẹ, mệt mỏi, nghi mắc Adeno đã gọi đơn vị xét nghiệm đến nhà lấy mẫu.

306364186-760251685075957-850464-1664931615603-1664933648.jpgTrẻ nghi ngờ mắc Adenovirus cần phải được bác sĩ chỉ định mới xét nghiệm. Ảnh: báo Công an nhân dân

Những ngày này, các đơn vị có dịch vụ xét nghiệm tại nhà bệnh cúm, sốt xuất huyết, Adeno luôn quá tải. Một phụ huynh phản ánh, họ gọi điện cho tổng đài máy bận suốt, có nơi gọi buổi tối nhưng đơn vị xét nghiệm trả lời phải đợi đến hôm sau mới tới lấy được mẫu.

Qua khảo sát của phóng viên, tại một số cơ sở y tế cung cấp dịch vụ khám xét nghiệm Adenovirus đang có nhiều mức giá khác nhau. Cụ thể, test nhanh giá 239.000 đồng, xét nghiệm Elisa giá 390.000 đồng, xét nghiệm PCR giá từ 1,1 triệu đến 1,2 triệu đồng.

Theo ghi nhận của phóng viên, trong những ngày này, các bệnh viện như: Xanh Pôn, Hà Đông, Thanh Nhàn, Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện E… luôn trong tình trạng quá tải bệnh nhi đến khám các bệnh về đường hô hấp, sốt, tiêu chảy, viêm phế quản, viêm phổi… Riêng tại Bệnh viện Nhi Trung ương, trong 3 tuần vừa qua ca mắc Adenovirus tăng mạnh, ghi nhận 2.990 ca, nâng tổng số ca mắc lên 3.130 ca từ đầu năm đến nay.

Trẻ nhập viện chủ yếu từ 1-3 tuổi và có địa chỉ phần lớn ở Hà Nội. Những ca tử vong trước chủ yếu là trẻ có bệnh nền như suy dinh dưỡng, ung thư,… nhưng ca tử vong ngày 3/10 là trẻ 13 tháng tuổi, không có bệnh nền. Hiện bệnh viện đang điều trị cho 300 ca mắc, trong đó hơn 40 ca nặng, nguy kịch gồm: 6 ca phải thở máy, 2 ca ECMO, 2 ca lọc máu, 34 ca thở oxy.

Chính vì số ca mắc, ca phải nhập viện tăng cao, nên nhiều phụ huynh ở Hà Nội thấy con sốt đã rất lo lắng và ồ ạt cho con xét nghiệm Adenovirus. Nhiều nơi xét nghiệm tràn lan, không có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa, phụ huynh gọi lấy mẫu xét nghiệm rất dễ dàng với giá khá đắt.

Liên quan đến vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết, bệnh do Adenovirus là bệnh truyền nhiễm đã lưu hành từ lâu, không phải là bệnh mới nổi. Tuy nhiên virus này có khả năng gây ra nhiều bệnh khác nhau như viêm phổi, đau mắt đỏ,… và có khả năng đề kháng, chịu đựng với khí hậu hay các chất khử khuẩn bề mặt cao so với các loại virus khác như SARS-CoV-2.

fbimg1664809985568-1664810084767838702693-1664811441585361188489-1664933889.jpeg

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn chủ trì cuộc họp về công tác thu dung, điều trị bệnh nhi mắc Adenovirus. Ảnh: Sức khỏe Đời sống

Thứ trưởng Bộ Y tế lưu ý vấn đề sàng lọc, phân luồng, phân tuyến điều trị rất quan trọng nhằm hạn chế tối đa bệnh nhân trở nặng, tử vong, lây chéo trong cơ sở điều trị.

TS. Nguyễn Trọng Khoa - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh cho rằng, phải phân luồng từ khu vực phòng khám. Khi chẩn đoán khẳng định trẻ mắc virus Adeno phải có buồng điều trị riêng.

Cục Quản lý Khám, chữa bệnh cùng Hội đồng chuyên môn sẽ xây dựng Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh do Adeno virus cho trẻ em, trong đó sẽ có tiêu chuẩn nhập viện và những hướng dẫn về xét nghiệm để tránh xét nghiệm không cần thiết.

GS.TS Phạm Nhật An - Phó Chủ tịch Hội Nhi khoa Việt Nam cho biết, Adenovirus là bệnh truyền nhiễm đã lưu hành từ những năm 50 và là bệnh truyền nhiễm nhóm B. Adenovirus chỉ là tác nhân đứng thứ 6 trong các tác nhân thường gặp viêm phổi do virus gây bệnh ở trẻ em.

Trên cơ sở khám và điều trị cho hơn 2.500 ca, PGS.TS Trần Minh Điển, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cũng cho rằng cần cá thể hóa từng bệnh nhân, không xét nghiệm tràn lan khi không cần thiết, lãng phí.

Theo báo cáo của Bệnh viện Nhi Trung ương, từ đầu năm đến nay, bệnh viện ghi nhận hơn 3.130 ca mắc virus Adeno, 9 ca tử vong, tăng 2 ca so với con số báo cáo cách đây ít ngày.

Ca bệnh có xu hướng tăng nhanh theo từng tuần từ giữa tháng 9 đến nay. Chỉ trong 3 tuần, bệnh viện này ghi nhận gần 2.900 trẻ mắc virus Adeno. Bệnh nhân chủ yếu trong độ tuổi 1-3 tuổi.

Đến sáng 3/10, tại bệnh viện còn khoảng 300 ca mắc virus Adeno đang điều trị. Có hơn 40 ca nặng, nguy kịch, trong đó có 6 trẻ phải thở máy, 2 ca ECMO (tim phổi ngoài lồng ngực), 2 ca lọc máu, 35 ca thở oxy.

Theo PGS Điển, không chỉ gia tăng số bệnh nhân mắc so với các năm trước, tỷ lệ nhập viện cũng cao, trên 50% số ca phát hiện. Trẻ nhiễm virus này có triệu chứng sốt cao liên tục 3-4 ngày, kém đáp ứng thuốc hạ sốt. Những trẻ có bệnh lý suy giảm miễn dịch, bệnh nền có nguy cơ viêm phổi, suy hô hấp.

Vũ Hạnh (T/h)