Biến đổi khí hậu gây thời tiết cực đoan ở Bắc Mỹ và châu Âu

Nguyễn Diệp Linh
Các cơn bão mùa đông rất lớn đã tàn phá nhiều vùng ở Mỹ và Canada nhiều tuần qua, với những trận bão tuyết và cái lạnh cực độ khiến ít nhất 60 người thiệt mạng và hàng triệu người chịu cảnh mất điện.

Dọn tuyết tại New York (Mỹ)Dọn tuyết tại New York (Mỹ)

Trong khi đó, châu Âu đang chứng kiến một mùa đông ấm nhất từ trước tới nay vì biến đổi khí hậu.

Bắc Mỹ siêu lạnh

Các cơn bão tuyết ước tính có chiều rộng hơn 3.000km và được mệnh danh là “lốc bom”, quét qua Bắc Mỹ từ ngày 23-12-2022 kéo dài tới nay, tấn công các bang của Mỹ ở tận phía Nam như Texas cũng như các tỉnh Quebec và Ontario của Canada.

Ở Buffalo, bang New York, tuyết rơi dày 120cm trong 72 giờ, trong khi nhiệt độ ở bang Montana giảm xuống -39°C. Hàng triệu người phải đối mặt với sự gián đoạn lớn trong kế hoạch du lịch, với hàng ngàn chuyến bay bị hủy và nhiều tuyến giao thông đường bộ bị tuyết phong tỏa. Ngay cả bang miền Nam California của Mỹ luôn ấm áp đã phải hứng chịu nhiều cơn bão tuyết. Một cơn bão tuyết lớn dự báo sẽ đổ bộ vào phía Nam California trong tuần này, với nguy cơ gió giật mạnh, lũ lụt và điều kiện lái xe nguy hiểm.

Các nhà khoa học cho rằng, biến đổi khí hậu do con người gây ra có thể dẫn tới mùa đông cực lạnh này ở Bắc Mỹ. Bắc cực là một trong những khu vực nóng lên nhanh nhất hành tinh, làm giảm chênh lệch nhiệt độ giữa không khí lạnh ở Bắc cực và không khí ấm hơn ở phía Nam. Điều này có thể làm mất ổn định dòng không khí ở độ cao lớn được gọi là luồng phản lực vùng cực, khiến nó đẩy không khí ấm vào Bắc cực trong khi đẩy không khí lạnh ở Bắc cực về phía Nam.

Châu Âu có mùa đông ấm kỷ lục

Khi Bắc Mỹ chiến đấu với mưa băng và tuyết dày, thì châu Âu bước vào năm 2023 với điều mà các nhà khí tượng học mô tả là đợt nắng ấm mùa đông dữ dội nhất trong lịch sử. Theo Reuters, các nhà khí hậu chuyên theo dõi nhiệt độ khắc nghiệt ghi nhận Belarus, Cộng hòa Czech, Đan Mạch, Latvia, Litva, Hà Lan và Ba Lan đang trải qua những ngày ấm nhất trong tháng 1 từ trước đến nay.

Tình trạng mùa đông ấm diễn ra sau một năm nóng kỷ lục trên khắp châu Âu vào năm 2022. Văn phòng Khí tượng của Vương quốc Anh đã cảnh báo rằng năm 2023 có thể sẽ là một trong những năm Trái đất nóng nhất từng được ghi nhận, với dự báo nhiệt độ trung bình toàn cầu tăng từ 1,08°C đến 1,32°C so với mức thời kỳ tiền công nghiệp. Trong một hình ảnh mới công bố, vệ tinh Sentinel-2 của châu Âu đã chụp được thị trấn Altdorf ở dãy núi Alps của Thụy Sĩ, nơi nhiệt độ vào thời điểm này trong năm thường trung bình từ -2°C đến 4°C. Tuy nhiên, nhiệt độ ban ngày tại đây hiện tăng vọt lên 19,2°C, thậm chí ban đêm còn ở mức 16°C.

Các hiện tượng cực đoan tương tự cũng được ghi nhận ở nhiều quốc gia khác trên khắp miền Trung và Tây Bắc châu Âu. Theo mạng truyền thông The Conversation, 6,2% khối lượng sông băng trên núi ở dãy Alps của Thụy Sĩ đã tan chảy vào mùa hè năm 2022. Mùa đông đáng lẽ là lúc băng tái tạo nhưng giờ đây lại đang tan chảy.

Theo Reuters, dãy Alps đang nóng lên 0,3°C mỗi thập kỷ, nhanh hơn khoảng 2 lần so với mức trung bình toàn cầu. Các kịch bản dựa trên các dự báo về phát thải khí nhà kính hiện tại dự báo có tới 80% sông băng trên dãy Alps có thể biến mất vào cuối thế kỷ này.

Theo TTXVN