Bến Tre: Xâm nhập mặn gây thiệt hại hàng ngàn tỉ đồng mỗi năm

Nguyễn Diệp Linh
Mùa khô năm 2019-2020, tỉnh Bến Tre tiếp tục đối mặt với đợt xâm nhập mặn khốc liệt nhất trong lịch sử, riêng thiệt hại của ngành nông nghiệp là 1.660 tỉ đồng.

Chiều 15/11, UBND tỉnh Bến Tre đã có buổi làm việc với Đoàn cán bộ Tuyên giáo, báo chí TP.HCM về tình hình và giải pháp ứng phó biến đổi khí hậu, thiên tai, xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh.

Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Minh Cảnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre cho biết sông Mê Kông có chín cửa đổ ra biển Đông tại ĐBSCL thì trong đó Bến Tre có 4 cửa sông nên là tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi xâm nhập mặn và sạt lở.

Cụ thể, theo số liệu của Sở NN&PTNT Bến Tre, trong mùa khô năm 2015-2016, mặn tăng cao đột ngột và xâm nhập rất sâu, ước tính giá trị thiệt hại của riêng ngành nông nghiệp là 1.800 tỉ đồng. Mùa khô năm 2019-2020, tỉnh Bến Tre tiếp tục đối mặt với đợt xâm nhập mặn khốc liệt nhất trong lịch sử. Độ mặn 2‰ hầu như bao phủ toàn tỉnh trong thời gian dài, có thời điểm trên 5‰.

Đợt mặn năm 2019-2020 đã gây ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống, sản xuất của người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, 5.400 ha lúa vụ Đông Xuân (vụ 3) chết; gần 28.000 ha cây ăn trái trên địa bàn tỉnh bị ảnh hưởng... cùng gần 87.000 hộ dân bị thiếu nước sinh hoạt. Ước tính giá trị thiệt hại của riêng ngành nông nghiệp là 1.660 tỉ đồng.

Xâm nhập mặn khiến Bến Tre thiệt hại hàng ngàn tỉ đồng mỗi năm ảnh 1
Ông Phan Nguyễn Như Khuê, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM cùng đoàn công tác báo chí, tuyên giáo TP.HCM làm việc tại UBND tỉnh Bến Tre chiều 15/11. Ảnh: Phụ nữ TP.HCM

Để phòng chống, ứng phó xâm nhập mặn, UBND tỉnh Bến Tre đã tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân, vận động mỗi hộ gia đình chủ động trữ nước ngọt để phục vụ sinh hoạt, sản xuất trong mùa hạn mặn, đồng thời, phát huy tính sáng tạo, nhân rộng các biện pháp, mô hình hay để thực hiện trữ nước ngọt trong từng xóm, ấp và từng xã.

Trong đó một số biện pháp tỉnh đã triển khai thực hiện trong các năm qua đạt hiệu quả tốt như trữ nước trong mương vườn, dùng túi trữ nước, đào hố trãi bạt, đắp các công trình đập tạm để trữ nước ngọt trong các kênh rạch tự nhiên để tạo nguồn nước thô cho các nhà máy nước phục vụ sinh hoạt.

Tỉnh bố trí lịch thời vụ phù hợp với dự báo tình hình nguồn nước, xâm nhập mặn hàng năm; khuyến cáo người dân không sản xuất ở những khu vực có nguy cơ thiếu nước tưới để tránh bị thiệt hại. Chuẩn bị sẵn sàng các phương án cấp nước phục vụ sinh hoạt cho người dân; các khu công nghiệp, bệnh viện, trường học…

hinh-khao-sat-cong-chong-man-611-1668560774.jpgĐoàn hành trình Đất Phương Nam khảo sát thực tế tại một công trình thuỷ lợi chống xâm nhập mặn tại TP Bến Tre. Ảnh: Pháp luật TP.HCM

Trong tình huống mặn diễn biến gay gắt, khan hiếm nguồn nước ngọt trên các sông, kênh rạch trong tỉnh như: dùng sà lan, ghe để vận chuyển nước ngọt từ thượng nguồn về xử lý tại các nhà máy nước để cung cấp ra mạng lưới; mua vận chuyển nước ngọt cung cấp cho các bệnh viện, khu công nghiệp... Vận hành các hệ thống, máy lọc mặn được trang bị các năm qua để cung cấp nước ngọt phục vụ sinh hoạt; tổ chức các điểm cấp nước tập trung.

Trong khi các công trình thủy lợi chưa được đầu tư khép kín, tỉnh tổ chức vận hành linh hoạt các công trình hiện có kết hợp với giải pháp công trình đập tạm ngặn mặn, bờ bao cục bộ để tích trữ tối đa nguồn nước ngọt phục vụ sinh hoạt, sản xuất cho người dân.

Song song đó, tỉnh tiếp tục đầu tư hoàn thiện hệ thống công trình thủy lợi, để kết hợp với các công trình đã và đang đầu tư tạo thành hệ thống khép kín cho cả hai Tiểu vùng Bắc-Nam Bến Tre giúp kiểm soát được nguồn nước, ngăn mặn xâm nhập từ các sông Tiền, Hàm Luông và Cổ Chiên. Hệ thống công trình thủy lợi tỉnh Bến Tre được chia thành 2 tiểu vùng Bắc Bển Tre và Nam Bến Tre.

Theo nhận định của các cơ quan chuyên môn, tình hình xâm nhập mặn mùa khô năm 2022-2023 có khả năng sẽ diễn biến ít nghiêm trọng hơn so với 2019-2020, nhưng vẫn phức tạp gây ảnh hưởng đến nguồn nước ngọt phục vụ sinh hoạt, sản xuất trên địa bàn tỉnh.

Vũ Hạnh (T/h)