Tất bật chuẩn bị phục vụ Tết
Mới đây, chúng tôi tìm về các địa phương trên địa bàn huyện Chợ Lách (Bến Tre), đâu đâu cũng bắt gặp cảnh người dân tất bật chăm sóc hoa, cây kiểng chuẩn bị bán Tết. Dọc hai bên đường từ huyện Mỏ Cảy Bắc đến thị trấn Chợ Lách (huyện Chợ Lách) có nhiều chậu hoa giấy được ghép ngũ sắc trông rất đẹp mắt. Nơi đây, người dân chuyên sản xuất hoa giấy cung ứng cho thị trường quanh năm nhưng nhiều nhất là vào dịp cận Tết như hiện nay.
Mới sáng sớm, anh 3 Cường (xã Phú Sơn) đã cắt tỉa, sửa cành cho diện tích hơn 2.500 m2 đất trồng cây bông giấy đang chớm bông chuẩn bị giao cho thương lái đến mua trực tiếp tại chỗ. Còn gia đình anh Phạm Quốc Thái (xã Vĩnh Hòa) phải thuê thêm 3 nhân công để chăm sóc gần 4.000 chậu hoa giấy chuẩn bị xuất bán ra thị trường. Hiện tại, vườn hoa giấy của các hộ dân nơi đây có rất nhiều loại với giá từ vài trăm nghìn đến vài chục triệu đồng mỗi chậu nên phục vụ rất đa dạng đối tượng khách hàng.
Cách đó không xa, gia đình bà Nguyễn Thị Ngọc Mai (xã Phú Sơn) tất bật bơm nước để tưới hơn 3.000 giỏ cúc mâm xôi. Theo bà Mai, cả xóm này hầu như nhà nào cũng làm hoa bán Tết, người ít thì vài trăm chậu còn người nhiều lên đến vài nghìn chậu. Để trồng cúc mâm xôi phải chuẩn bị xuống giống từ 6 tháng trước Tết và chăm sóc cẩn thận để ra hoa đúng vào dịp Tết. Năm nay xuất hiện mưa trái mùa nên hoa cúc mâm xôi bị héo lá chân nên phải xử lý, chăm sóc cẩn thận hơn mọi năm.
Trong khi đó, bên vườn tắc của mình, chị 6 Tân (xã Hưng Khánh Trung B, huyện Chợ Lách) chỉ tay vào các chậu đang cho trái sum suê và cho biết: “Để có được những chậu có nhiều thân cây ghép chung với nhau như thế này là phải tập trung đầu tư từ giữa năm trước, đặc biệt với những loại cây đứng riêng lẻ một mình thì phải đầu tư chăm sóc ngay từ đầu năm trước đến nay mới xuất bán được ra thị trường. Còn một số hộ trồng hoa vạn thọ, mào gà thì thời gian chăm sóc ngắn hơn”.
Theo người dân trồng hoa ở Bến Tre, năm vừa qua, do ảnh hưởng dịch Covid-19 nên sản lượng sụt giảm rất nhiều do ai cũng lo lắng không tiêu thụ được sản phẩm. Những hộ sản xuất các loại hoa nở như: cúc mâm xôi, vạn thọ, cúc Hà Lan… đều trúng mùa. Năm nay, những hộ này tăng sản lượng và những hộ khác cũng đồng loạt sản xuất theo nên có nguy cơ bị dội chợ, ế hàng. Bởi vậy, thời điểm này, người dân trồng hoa hy vọng tiêu thụ hết sản phẩm mình làm ra.
Hướng đến “mang tầm quốc gia”
Theo ông Phạm Hoàng Nam - Chủ tịch UBND xã Phú Sơn (Chợ Lách), sản lượng hoa Tết tăng do năm nay người dân làm cây giống khó khăn, có mặt bằng khi không sản xuất cây giống nên chuyển sang trồng các loại hoa nở bán Tết. Đối với các sản phẩm cây kiểng như: hoa giấy, mai vàng vẫn ổn định như mọi năm. Để tiêu thụ sản phẩm, địa phương đã hướng dẫn, khuyến khích người dân bán hàng qua các kênh thương mại điện tử và mạng xã hội, cùng với cách thức bán hàng truyền thống thông qua thương lái như trước đây.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Minh Đức - Phó Chủ tịch UBND huyện Chợ Lách (tỉnh Bến Tre) cho biết: Trong năm qua, sản xuất nông nghiệp cơ bản thuận lợi, hạn mặn xâm nhập ít, giá cả thị trường tiêu thụ hàng nông sản ổn định. Trong đó, tình hình sản xuất cây giống và hoa kiểng được duy trì và có xu hướng mở rộng diện tích, sản xuất đa dạng chủng loại cây giống.
Hầu hết diện tích cây lâu năm bị ảnh hưởng bởi hạn mặn trong những năm trước được chuyển sang sản xuất cây giống là chủ yếu. Trên địa bàn huyện Chợ Lách sản phẩm cây giống các loại ước đạt 28 triệu sản phẩm, sản lượng hoa kiểng đạt khoảng 16 triệu sản phẩm. Tình hình tiêu thụ thuận lợi hơn so với năm trước, đặc biệt là sản phẩm mai vàng được bán qua mạng khá mạnh, tăng gần chục lần so với năm 2021.
Theo thông tin từ UBND tỉnh Bến Tre, nghề sản xuất cây giống huyện Chợ Lách nói riêng, tỉnh Bến Tre nói chung là nghề truyền thống và là nơi sản xuất giống cây trồng lớn nhất Việt Nam có quy mô lên đến 1.538 ha với hơn 8.000 hộ sản xuất. Diện tích sản xuất cây giống ngày càng tăng do hiệu quả kinh tế của nghề sản xuất, kinh doanh cây giống cao gấp 10 lần so với trồng cây ăn trái trên cùng một đơn vị diện tích.
Riêng đối với hoa kiểng cũng là nghề truyền thống của địa phương Bến Tre. Những năm gần đây, nghề sản xuất, kinh doanh hoa kiểng không ngừng phát triển về số hộ sản xuất và sản lượng cung cấp trên thị trường. Toàn tỉnh có 7.907 hộ sản xuất, kinh doanh hoa kiểng; trong đó, chủ yếu tập trung ở huyện Chợ Lách 6.421 hộ, huyện Mỏ Cày Bắc 605 hộ và huyện Châu Thành 176 hộ chiếm. Hàng năm, tỉnh Bến Tre cung ứng cho thị trường hàng chục triệu sản phẩm hoa kiểng các loại, chủ yếu là mai vàng, hoa giấy, kiểng thú, bonsai, kiểng lá, tắc kiểng và các loại cây công trình.
UBND tỉnh Bến Tre cũng vừa phê duyệt Đề án Phát triển cây giống và hoa kiểng Chợ Lách mang tầm quốc gia. Mục tiêu cụ thể của đề án nhằm phát triển sản xuất giống cây trồng, hoa kiểng theo hướng công nghiệp nhằm cung cấp cho việc sản xuất đủ giống có năng suất, chất lượng, thích ứng với biến đổi khí hậu và nhu cầu thị trường, góp phần thực hiện thành công định hướng cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Đồng thời, tổ chức lại sản xuất nghề cây giống, hoa kiểng để huyện Chợ Lách nói riêng và tỉnh Bến Tre nói chung trở thành trung tâm sản xuất, kinh doanh cây giống, hoa kiểng mang tầm quốc gia.
Trong đó, tỉnh Bến Tre sẽ xây dựng vùng sản xuất chuyên canh tập trung từ 300 ha - 500 ha trên diện tích 1.500 ha cây giống, hoa cảnh của huyện Chợ Lách gắn với phát triển chuỗi giá trị cây giống, hoa cảnh. Hơn 90% sản lượng cây giống trong tỉnh cung ứng trong năm đạt tiêu chuẩn sản xuất giống, tiêu chuẩn cơ sở và tiêu chuẩn ngành. Xây dựng cơ sở dữ liệu về thông tin sản phẩm, giúp cho việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm…