Những di sản ấy cũng chính là lớp trầm tích văn hóa rất sâu, là thành tố quan trọng góp phần cấu thành văn hóa Huế. Việc phát huy những giá trị di sản này góp phần đa dạng hóa sản phẩm du lịch trên địa bàn tỉnh cũng như bảo tồn di sản.
Hệ thống di tích, hiện vật độc đáo
Với vị trí là nơi tiếp giáp của Việt - Chăm trong lịch sử nên Thừa Thiên - Huế là một vùng đất bảo lưu nhiều dấu tích văn hóa Chăm khá độc đáo về nghệ thuật, đa dạng về thể loại, giá trị về mặt mỹ thuật.
Di tích Tháp Champa Phú Diên (thuộc xã Phú Diên, huyện Phú Vang) là một trong những kiến trúc thuộc nền văn hóa Champa có giá trị về mặt khoa học, lịch sử trên đất Thừa Thiên - Huế. Ngôi tháp này được phát hiện vào tháng 4/2001, bị vùi sâu trong lòng cát từ 5 - 7 m so với mặt đất. Tháp Champa Phú Diên đã được xếp hạng là Di tích Kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia vào năm 2001. Đặc biệt, ngày 30/5/2022, Liên minh Kỷ lục Thế giới (WorldKings) có quyết định xác lập Kỷ lục Thế giới đối với tháp Phú Diên với tiêu chí "Tháp Chăm cổ chìm sâu dưới cồn cát ven biển được khai quật và bảo tồn đầu tiên trên thế giới".
Theo Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên - Huế Nguyễn Đức Lộc, nhìn tổng thể tháp Phú Diên là một khối kiến trúc hình chữ nhật. Càng lên cao càng giật cấp thu nhỏ dần với các thành phần khác nhau như móng tháp, chân đế tháp, thân và diềm mái tháp. Dưới móng tháp là một lớp đá sạn cuội làm nền cho đế tháp. Tháp Phú Diên là một trong những công trình kiến trúc gạch Champa sớm nhất còn lại ở khu vực miền Trung, khoảng thế kỷ VIII. Sự có mặt của các hiện vật Yoni bằng đá, bình gốm… trong lòng tháp Phú Diên là những hiện vật đặc trưng cho việc thờ cúng của dân tộc Chăm xưa nay.
Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế có 44 dấu tích công trình liên quan đến văn hóa Champa; trong đó có 17 đền, tháp, 3 thành lũy và nhiều công trình như mộ, bia, giếng cổ… Đặc biệt, 3 địa điểm được công nhận xếp hạng là di tích quốc gia gồm: Tháp đôi Liễu Cốc thuộc phường Hương Xuân, thị xã Hương Trà; tháp Phú Diên thuộc xã Phú Diên, huyện Phú Vang và Thành Lồi thuộc phường Thủy Biều và phường Thủy Xuân, thành phố Huế.
Trên địa bàn tỉnh hiện có 251 hiện vật Champa được kiểm kê, lập hồ sơ khoa học; trong đó có một hiện vật được công nhận Bảo vật quốc gia là Bệ thờ Vân Trạch Hòa đang trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Nhà nghiên cứu văn hóa Huế Nguyễn Xuân Hoa cho rằng, thoạt nhìn Thừa Thiên - Huế có rất ít các đền tháp, di tích, di vật Champa hiển lộ trên mặt đất như các địa phương từ Quảng Nam trở vào, nhưng di sản văn hóa vật thể Champa lại rất đa dạng. Phần lớn các di sản văn hóa vật thể Champa còn lại ở xứ Huế đều không tồn tại độc lập như những công trình riêng.
Nhiều di tích, di vật đã được người Huế tiếp nhận, dung hợp với các hình thái tín ngưỡng truyền thống của người Việt để tạo nên một sắc thái tín ngưỡng đa dạng của Huế. Bên cạnh đó, văn hóa Champa còn thấm đẫm trong tâm thức, lối sống, tín ngưỡng, tôn giáo, hoạt động canh tác, cuộc sống của người dân Huế từ xưa đến nay. Đây là kết quả của quá trình cộng cư giữa người Việt và người Chăm ở vùng đất Thừa Thiên - Huế.
Di sản văn hóa Champa trên đất Thừa Thiên - Huế không chỉ là những kiến trúc, văn bia hay những vật thể hiện hữu mà còn bao gồm các yếu tố phi vật thể như ẩm thực, lễ nghi, ứng xử, huyền thoại, truyền thuyết và các tri thức dân gian khác. Vì vậy, việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa Champa không chỉ là bảo vệ, phục dựng các đền tháp, tượng thờ mà còn lưu giữ, bảo tồn những câu chuyện, lễ hội văn hóa dân gian và giá trị văn hóa tinh thần, tâm linh.
Phát huy giá trị hệ thống di tích Champa
Văn hóa Champa trên đất Thừa Thiên - Huế với hệ thống các di tích và hiện vật còn lại đã phản ánh rõ nét về một giai đoạn lịch sử phát triển lâu đời. Những giá trị đó là yếu tố vô cùng quan trọng tạo nên một diện mạo vùng văn hóa đa dạng, đặc sắc. Theo nhiều nhà nghiên cứu, các dấu tích còn lại cho thấy, niên đại của các di sản văn hóa Champa ở Thừa Thiên - Huế kéo dài từ thế kỷ VIII - XIV.
Trải qua thời gian tồn tại hàng ngàn năm, chịu sự tác động của thiên nhiên khắc nghiệt và chiến tranh ác liệt, hiện hầu hết các di tích về Champa ở Thừa Thiên - Huế đã trở thành phế tích. Các hiện vật Champa lại do nhiều tổ chức, cơ quan quản lý, việc bảo quản, phát huy giá trị gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, dù có giá trị lớn trên nhiều góc độ về lịch sử, văn hóa và nghệ thuật, nhưng các di sản vẫn chưa được quan tâm nghiên cứu, bảo vệ và phát huy giá trị hiệu quả nhất.
Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Thừa Thiên - Huế Phan Tiến Dũng cho biết, bức tranh văn hóa Champa trên đất Thừa Thiên - Huế đã thể hiện quá khứ rực rỡ của nền văn hóa này góp phần vào sự hình thành và phát triển của bản sắc văn hóa Huế. Để bảo vệ, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa Champa trên địa bàn, tỉnh cần huy động các nguồn lực để bảo tồn các giá trị di sản vì trải qua thăng trầm lịch sử các di tích, hiện vật chỉ còn là những dấu tích và phế tích. Bên cạnh đó, cơ quan có thẩm quyền cần thống nhất việc quản lý hiện vật về một đầu mối để giữ gìn và đưa ra trưng bày, phục vụ công chúng và du khách. Đối với các hiện vật gắn liền với tín ngưỡng của cộng đồng cần có kế hoạch tu bổ, tôn tạo và xây dựng phương án bảo vệ an toàn.
Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên - Huế Phan Thanh Hải nhấn mạnh, với lịch sử tồn tại khá lâu dài cộng với sự giao thoa Việt - Chăm nên dấu ấn văn hóa vật thể và phi vật thể Champa trên đất Thừa Thiên - Huế rất phong phú và độc đáo. Nhà nước cần có sự quan tâm đặc biệt để đầu tư, hình thành các thiết chế để bảo tồn và khai thác các di sản văn hóa Champa hiệu quả nhất; thành lập Bảo tàng văn hóa Champa hoặc Trung tâm Diễn giải văn hóa Champa nhằm hình thành điểm đến văn hóa, phục vụ phát triển du lịch, dịch vụ. Tỉnh Thừa Thiên - Huế cần tiến hành công tác số hóa, bảo quản tốt các tư liệu, hiện vật; thực hiện trùng tu, bảo tồn và phục nguyên di tích Champa; giao trách nhiệm cho các địa phương lập phương án bảo vệ các hiện vật, tránh xảy ra tình trạng mất mát hay những xâm hại xảy ra đối với hiện vật Champa.
Theo Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, Phân viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam tại Huế, hệ thống thành lũy Champa tại Thừa Thiên - Huế cũng như khu vực Bắc Trung Bộ có giá trị lớn về lịch sử và văn hóa, nhưng thời gian qua vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Vì vậy, cần hình thành “Con đường di sản thành cổ Champa” ở Bắc Trung Bộ để phát huy giá trị vốn có của di sản, làm đa dạng hóa sản phẩm du lịch cho vùng đất để phát triển kinh tế, cũng như góp phần bảo tồn di sản; liên kết với các tour tuyến du lịch để giới thiệu và tích hợp con đường di sản này vào hành trình khám phá xuyên Việt hoặc các nước trong khu vực.