Trong không khí tưng bừng, vui tươi và phấn khởi của ngày đầu năm mới 2023, sáng 3/1, Chính phủ đã tổ chức Hội nghị Chính phủ với các địa phương để đánh giá những kết quả trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của năm 2022, cũng như đề ra các phương hướng, mục tiêu trọng tâm năm 2023.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh giá, năm 2022, Chính phủ đã đạt được nhiều thành tích và tiến bộ hơn năm 2021, đúng như mong muốn và lời chúc của ông tại Hội nghị tổng kết công tác của Chính phủ được tổ chức vào năm trước. Lồng trong những đánh giá tích cực chung, bài phát biểu của Tổng Bí thư đã 11 lần nhấn mạnh đến từ "Văn hóa" khi nói về kết quả của năm 2022 cũng như gợi mở các nhiệm vụ cho Chính phủ trong năm 2023.
Trong bài phát biểu, Tổng Bí thư khẳng định, năm vừa qua, lĩnh vực văn hóa tiếp tục được quan tâm chăm lo, đầu tư phát triển, đạt nhiều kết quả quan trọng, rõ nét; các cấp, các ngành và toàn hệ thống chính trị ngày càng nhận thức đúng đắn hơn và hành động tích cực hơn đối với vấn đề phát triển văn hoá.
Trong năm 2022, toàn ngành Văn hóa đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, từng bước đáp ứng được kỳ vọng của Tổng Bí thư. Điểm đáng mừng đầu tiên có thể kể đến đó là Quốc hội trong hai Kỳ họp liên tiếp đã thông qua 2 bộ Luật quan trọng đều liên quan đến lĩnh vực Văn hóa đó là Luật Điện ảnh, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình. Đây là tiền đề quan trọng để Ngành Văn hóa thực hiện thành công Chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa trong giai đoạn tiếp theo cũng như việc Xây dựng hệ giá trị con người Việt Nam trong thời kỳ mới.
Điểm đáng mừng thứ hai đó là, nhiều sự kiện lớn liên quan đến lĩnh vực Văn hóa được tổ chức một cách thường xuyên với quy mô lớn từ cấp Trung ương đến địa phương. Tiêu biểu phải kể đến như: Hội thảo Văn hóa 2022 với chủ đề "Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa" vừa được tổ chức tại tỉnh Bắc Ninh do Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa chủ trì; Hội thảo quốc gia "Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới"; Diễn đàn quốc gia thường niên "Văn hóa với Doanh nghiệp" năm 2022…
Tín hiệu vui nhất cho ngành Văn hóa trong năm 2022 đó là việc Bộ Chính trị, Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý cho ngành Văn hóa nghiên cứu, xây dựng Chương trình mục tiêu Quốc gia về phát triển Văn hóa.
Đặc biệt trong những năm quá, cụm từ “văn hoá từ thiện" cũng thường xuyên được báo chí và mạng xã hội nhắc tới. Dân tộc ta có truyền thống “yêu nước, thương nòi”, đã có rất nhiều câu ca dao tục ngữ như “Thương người như thể thương thân”, “Nhiễu điều phủ lấy giá gương, người trong một nước phải thương nhau cùng”, “lá lành đùm lá rách. Lá rách ít, đùm lá rách nhiều”, “một miếng khi đói bằng một gói khi no” để nói về truyền thống yêu thương, giúp đỡ nhau những lúc khó khăn.
Chính vì vậy tự bản thân những hoạt động từ thiện đã là hành vi văn hóa cao và là thước đo văn minh của cá nhân, tổ chức và rộng hơn là một quốc gia dân tộc. Tuy nhiên làm từ thiện cũng cần phải có văn hóa, văn hóa từ thiện. Đừng mang danh từ thiện để đánh bóng tên tuổi, phô trương đạo đức. Đại dịch COVID-19 vừa qua và thảm họa thiên tai ở miền Trung hiện nay đã khơi dậy trong cộng đồng tình dân tộc, nghĩa đồng bào với nhiều hành động rất đáng quý, đáng trân trọng. Phong trào “người người làm việc thiện, nhà nhà làm việc thiện, ngành ngành làm việc thiện” đã được dấy lên mạnh mẽ trong giai đoạn cả nước phòng chống dịch COVID-19 đến việc hỗ trợ những người dân ở vùng bị cách ly hay người bị mất việc làm, không có thu nhập, không bị đói ăn, đứt bữa, đặc biệt chăm lo hỗ trợ cho người người, nhà nhà ai cũng được vui xuân đón tết. Đâu đâu cũng thấy hoạt động nhân đạo từ thiện.
Nhận đạo, từ thiện là một hoạt động gắn bó vô cùng mật thiết với Hội Chữ thập đỏ. Đối với những người làm công tác Chữ thập đỏ thì việc tuyên truyền, lan toả các hoạt động nhân đạo, hoạt động từ thiện nhân đạo đã là hành vi văn hóa và là thước đo văn minh của cá nhân, tổ chức và rộng hơn là một quốc gia dân tộc. Hình ảnh những cơ quan, doanh nghiệp, nhà hảo tâm, cá nhân tổ chức từ thiện đến với các vùng thiên tai, vùng khó khăn để chung tay góp sức sẻ chia khó khăn giúp người dân vượt qua hoàn cảnh đã để lại những hình ảnh đẹp về tinh thần tương thân tương ái của văn hóa Việt.
Tổng Bí thư yêu cầu, trong năm 2023 cần quan tâm hơn nữa đến nhiệm vụ phát triển văn hoá, xã hội, hài hòa và ngang tầm với phát triển kinh tế. Xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị, bản sắc văn hóa nông thôn, đô thị. Nâng cao hiệu quả của các thiết chế văn hoá, nhất là ở các khu công nghiệp, khu đô thị mới; bảo tồn và phát huy các giá trị di sản, văn hóa tốt đẹp. Xây dựng nếp sống văn hóa lành mạnh; ngăn chặn sự suy thoái về đạo đức, lối sống và quan tâm hơn nữa đến việc phòng, chống bạo lực gia đình, xâm hại trẻ em và tệ nạn xã hội.
Toàn ngành cũng cần tập trung khắc phục những hạn chế, bất cập và triển khai thực hiện kịp thời, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp để tiếp tục "biến nguy thành cơ", vượt qua khó khăn, thách thức, đạt nhiều thành tựu hơn nữa để Văn hóa thực sự là lĩnh vực "Soi đường cho quốc dân đi", là sức mạnh nội sinh để góp phần đưa đất nước vững bước trên con đường đổi mới, hội nhập và phát triển bền vững.