Quang cảnh phiên họp của Quốc hội sáng 23/5. (Ảnh: ĐĂNG KHOA) |
Trong phiên thảo luận tại hội trường sáng 23/5 về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, nhiều đại biểu Quốc hội nhất trí trình Quốc hội xem xét, quyết định đưa dự án Luật Chuyển đổi giới tính vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh.
Nhất trí đề xuất xây dựng Luật Chuyển đổi giới tính
Đại biểu Thái Thị An Chung (Nghệ An) bày tỏ đồng tình với sự cần thiết xây dựng Luật Chuyển đổi giới tính, bởi Bộ luật Dân sự năm 2015 đã có quyết định việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của luật. Tuy nhiên, khi Bộ luật Dân sự có hiệu lực đến nay vẫn chưa có văn bản nào quy định về việc chuyển đổi giới tính.
Qua nghiên cứu các tài liệu liên quan đến đề nghị xây dựng Luật Chuyển đổi giới tính do đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) chuẩn bị, cùng báo cáo thẩm tra đề nghị xây dựng luật của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, đại biểu Thái Thị An Chung nhấn mạnh sự cần thiết phải nhanh chóng xây dự luật này để khẳng định, tôn trọng và bảo đảm quyền con người, quyền công dân của người chuyển đổi giới tính.
Chung quan điểm, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa (Lạng Sơn) cho rằng, đây là các chính sách liên quan chặt chẽ đến quyền con người, quyền công dân, là một bước cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp và Bộ luật Dân sự.
Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa (Lạng Sơn) phát biểu. (Ảnh: ĐĂNG KHOA) |
“Cá nhân tôi rất kính trọng tâm huyết và nỗ lực của đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí trong việc chuẩn bị hồ sơ đề nghị xây dựng dự án luật. Tờ trình số 35 ngày 25/4/2022 của đại biểu Nguyễn Anh Trí đề nghị xây dựng dự án Luật gồm 4 nhóm chính sách: Điều kiện để công dân được chuyển đổi giới tính; thực hiện can thiệp y học để chuyển đổi giới tính của công dân; xác nhận giới tính đối với các trường hợp đã thực hiện can thiệp y học để chuyển đổi giới tính trước ngày Luật có hiệu lực; và thẩm quyền, thủ tục công nhận giới tính của người chuyển đổi giới tính. Đây là các chính sách liên quan chặt chẽ đến quyền con người, quyền công dân, là một bước để cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp và Bộ luật Dân sự”, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa nhấn mạnh.
Trong trường hợp dự án Luật được Quốc hội quyết định đưa vào Chương trình, đại biểu đề nghị bổ sung 1 mục tại Điều 4 của dự thảo Nghị quyết về Chương trình xây dựng pháp luật năm 2024, quy định rõ trách nhiệm các cơ quan hữu quan trong việc hỗ trợ đại biểu Nguyễn Anh Trí soạn thảo Luật theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Nhất trí với đề xuất xây dựng dự án Luật Chuyển đổi giới tính, đại biểu Nguyễn Quang Huân (Bình Dương) nhấn mạnh, đây là một bước tiến “dũng cảm và văn minh”, nhất là khi đối chiếu với quy định tại Chương 2 của Hiến pháp về quyền con người và truyền thống văn hóa của Việt Nam.
Đại biểu Nguyễn Quang Huân (Bình Dương) phát biểu. (Ảnh: ĐĂNG KHOA) |
Qua nghiên cứu báo cáo đánh giá tác động của đại biểu Nguyễn Anh Trí, đại biểu Nguyễn Quang Huân cho rằng, hiện có đầy đủ cơ sở pháp lý để xây dựng dự án Luật Chuyển đổi giới tính.
Theo yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại biểu Nguyễn Anh Trí đã thu gọn phạm vi điều chỉnh (chỉ tập trung vào 2 đối tượng là giới tính nam và nữ). Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Quang Huân cho rằng, một số đối tượng trong cộng đồng LGBT (đồng tính nam và nữ, song tính và chuyển giới) chưa được quan tâm như song giới, đồng giới…
Qua các phương tiện truyền thông đại chúng và phản ánh xã hội, đại biểu nhận thấy cộng đồng LGBT của Việt Nam chưa được quan tâm đúng mức, có thể vẫn còn bị kì thị và chưa phát huy hết khả năng, trí tuệ trong công việc và trong cuộc sống hàng ngày, dẫn đến kìm hãm sự phát triển của xã hội.
Vì vậy, đại biểu Nguyễn Quang Huân đề nghị xem xét mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật Chuyển đổi giới tính là mở rộng thêm đối tượng cộng đồng LGBT.
Phát biểu về nội dung liên quan dự án Luật này, đại biểu Nguyễn Anh Trí bày tỏ cảm ơn các ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội đã đưa ra, cho rằng đây là những góp ý rất hay và cần thiết.
Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) phát biểu. (Ảnh: ĐĂNG KHOA) |
Đại biểu Nguyễn Anh Trí cho biết, thời gian qua, bản thân đã nhận được nhiều sự ủng hộ, góp ý, góp sức để tiếp tục hoàn thiện dự án Luật Chuyển đổi giới tính, đặc biệt là sự giúp đỡ của Bộ Tư pháp, Bộ Y tế, Ủy ban Pháp luật và Ủy ban Xã hội của Quốc hội, cũng như sự ủng hộ của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Đại biểu bày tỏ mong muốn, nếu được Quốc hội đồng ý chủ trương xây dựng dự án Luật này, đại biểu sẽ tiếp tục nhận được nhiều các đóng góp ý kiến, sự ủng hộ và giúp đỡ của các bộ, ngành, các Ủy ban của Quốc hội hơn nữa.
Về thời gian trình dự án Luật này, đại biểu Nguyễn Anh Trí cho biết, qua các góp ý, đại biểu thấy rằng, có nhiều nội dung cần phải xem xét, nghiên cứu kỹ, nên thời gian trình lùi xuống Kỳ họp thứ 8 và thông qua tại Kỳ họp thứ 9 là hợp lý.
Tiếp tục nâng cao chất lượng ban hành các văn bản quy phạm pháp luật
Đánh giá cao công tác lập pháp của Quốc hội từ đầu nhiệm khóa XV đến nay đạt nhiều kết quả tích cực, có nhiều đổi mới sáng tạo, hiệu quả, đại biểu Nguyễn Văn Huy - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình nêu rõ, mặc dù Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản pháp luật mới và sửa đổi, bổ sung nhiều văn bản pháp luật hiện hành song hệ thống pháp luật vẫn chưa thực sự đồng bộ, hoàn chỉnh.
Đại biểu Nguyễn Văn Huy (Thái Bình) phát biểu. (Ảnh: ĐĂNG KHOA) |
Đáng lưu ý là trong các văn bản pháp luật còn nhiều quy định mang tính nguyên tắc chung, chưa cụ thể để áp dụng thi hành được ngay mà còn phải ban hành nhiều văn bản để cụ thể hóa, hướng dẫn thi hành. Trong khi đó, việc ban hành các văn bản này thường rất chậm, không kịp thời nên pháp luật đi vào đời sống tồn tại tình trạng nhiều cách hiểu, cách làm khác nhau…
Để việc xây dựng luật và pháp lệnh được đồng bộ, pháp luật nhanh chóng đi vào cuộc sống, đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ giao nhiệm vụ cho các cơ quan chuyên môn nhằm bảo đảm việc xây dựng chính sách, pháp luật của các dự án phải cơ bản hoàn thành cùng với việc thông qua Chương trình.
Theo đại biểu, Chính phủ cần tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành hình thành rõ ràng những cơ chế, chính sách ngay trong các đề xuất xây dựng luật, pháp lệnh, cùng với đó xem xét duyệt và chịu trách nhiệm về các chính sách trong các dự án luật, pháp lệnh được đưa vào Chương trình.
Ngoài ra, cần tăng cường việc giải thích pháp luật để các quy định trong văn bản pháp luật được hiểu đúng và thi hành nghiêm chỉnh, thống nhất, nhằm góp phần đẩy nhanh tốc độ và nâng cao chất lượng ban hành các văn bản pháp luật, sớm xây dựng hệ thống pháp luật đầy đủ, đồng bộ, bảo đảm chất lượng, đáp ứng được mong mỏi của cử tri, nhân dân và doanh nghiệp cũng như đáp ứng được các yêu cầu thực tiễn đặt ra.
Đồng tình với ý kiến này, đại biểu Thái Thị An Chung (Nghệ An) nêu thực trạng trong quá trình triển khai thi hành luật, pháp lệnh vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc do chưa có sự thống nhất nhận thức và áp dụng pháp luật.
Vì vậy, đại biểu đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội tăng cường công tác giải thích pháp luật để tạo thuận lợi cho việc tổ chức thực hiện và bảo đảm tính thống nhất trong áp dụng pháp luật.
Về việc triển khai thi hành pháp luật, pháp lệnh đã được Quốc hội ban hành từ đầu nhiệm kỳ đến nay, đại biểu đề nghị các cơ quan được giao trách nhiệm cần đẩy nhanh tiến độ ban hành các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh.
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Anh (Bắc Ninh) phát biểu. (Ảnh: ĐĂNG KHOA) |
Để bảo đảm tính ổn định, nâng cao chất lượng chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, đại biểu đại biểu Nguyễn Thị Kim Anh (Bắc Ninh) cho rằng, trước hết Chính phủ cần chỉ đạo tổ chức việc rà soát để xem xét chặt chẽ sự cần thiết khi cho ý kiến về đề nghị xây dựng luật, pháp luật.
Các cơ quan đề xuất cần làm rõ sự cần thiết, đánh giá tác động, phạm vi điều chỉnh. Bộ Tư pháp, Chính phủ và các cơ quan của Quốc hội có trách nhiệm rà soát trước khi trình Quốc hội xem xét, thông qua.
Bên cạnh đó, Chính phủ cần tăng cường hơn nữa kỷ cương trong công tác xây dựng pháp luật, nghiêm túc tuân thủ quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, kiên quyết không đưa vào chương trình các dự án luật chưa được chuẩn bị kỹ càng, chưa đủ điều kiện.
Ngoài ra, cơ quan chủ trì soạn thảo cần phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp, các cơ quan của Quốc hội, thường xuyên cập nhật dự thảo tiếp thu chỉnh lý ở từng giai đoạn để có phản ứng nhanh, kịp thời, bảo đảm dự thảo đạt chất lượng cao khi trình Quốc hội thông qua.