Tới dự và chủ trì hội nghị có các đồng chí: Trần Hồng Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; Lại Xuân Môn, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương; Trần Thanh Lâm, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Nguyễn Thanh Lâm, Thứ trưởng Thông tin và Truyền thông.
Cùng dự có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng; đại diện lãnh đạo các cơ quan báo chí Trung ương và Hà Nội, các bộ, ban, ngành đoàn thể, cơ quan chủ quản báo chí, cùng nhiều nhà báo lão thành.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, giao ban báo chí không chỉ là một hoạt động truyền thống hằng năm, mà còn là cơ chế hết sức quan trọng để các cơ quan báo chí đồng hành cùng với sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhà nước thông qua các định hướng được đưa ra tại hội nghị.
Trước yêu cầu phải đổi mới trong kỷ nguyên chuyển đổi số, gửi gắm tới các cơ quan báo chí, Phó Thủ tướng yêu cầu báo chí cần nhanh hơn, nhạy hơn, chính xác hơn, chuyên nghiệp hơn và sát với thực tiễn hơn.
Các cơ quan báo chí không chỉ đưa tin phản ánh đơn thuần, mà cần xây dựng đội ngũ có tính chuyên nghiệp, là những nhà lý luận, nhà ngoại giao, nhà kinh tế, nhà công nghệ và nhà chuyển đổi số.
Phó Thủ tướng cho biết, ông liên tục theo dõi động thái của mình, của Chính phủ trên báo chí; đặc biệt cũng được nhiều nhà báo lão thành gửi ý kiến đóng góp. Và theo ông, đây cũng chính là cơ chế, là một cách làm việc. Bên cạnh nhiệm vụ phát ánh thông tin, Phó Thủ tướng mong muốn các cơ quan báo chí phải khái quát và đưa ra được những vấn đề, đánh giá được những động thái, phản ứng của Chính phủ, phản hồi kịp thời về chính sách.
"Có những việc chúng ta chỉ phản ứng chậm chính sách là chúng ta đã thất bại trên mặt trận truyền thông. Vì thế, việc phản ứng kịp thời, phản ứng nhanh rất cần sự ủng hộ của các cơ quan báo chí", Phó Thủ tướng nêu rõ.
Về định hướng thời gian tới, Phó Thủ tướng cho biết, năm 2023 là một năm hết sức quan trọng, trong đó Quốc hội và Chính phủ có nhiệm vụ chung là xây dựng Luật Đất đai (sửa đổi). Đây là sự kiện pháp lý trọng tâm của Quốc hội, là nhiệm vụ chính trị quan trọng của Đảng, Nhà nước. Vì thế Phó Thủ tướng rất mong các cơ quan báo chí sẽ thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ trong việc tổ chức lắng nghe, lấy ý kiến của nhân dân và phản hồi thật chính xác để xây dựng một đạo luật về kinh tế, chính trị, xã hội, ngoại giao, đáp ứng kỳ vọng của nhân dân, là một nền tảng để phát triển kinh tế xã hội.
Phát biểu chúc mừng tại giao ban, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân Lê Quốc Minh cho biết trong lịch sử phát triển 72 năm, Báo Nhân Dân đã đạt được nhiều kết quả nổi bật, tuy nhiên trong dòng chảy của báo chí nói chung, Báo Nhân Dân cũng nhận thấy sự cần thiết phải đổi mới hơn nữa.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương Lại Xuân Môn nhiệt liệt biểu dương những thành tích, nỗ lực vượt khó của các cơ quan báo chí trong năm vừa qua.
Nhấn mạnh năm 2023 là năm có ý nghĩa quan trọng, bên cạnh những thuận lợi là nhiều khó khăn, thách thức mới, đồng chí Lại Xuân Môn yêu cầu những người làm báo cần tiếp tục phát huy hơn nữa truyền thống vẻ vang và sứ mệnh lớn lao của báo chí cách mạng đối với tương lai của Đảng và đất nước; kiên quyết khắc phục, chấn chỉnh những hạn chế, thiếu sót đã được chỉ ra tại hội nghị báo chí toàn quốc; chủ động, sáng tạo, thông tin, tuyên truyền một cách toàn diện, sâu sắc, trung thực, kịp thời trong công cuộc đổi mới của đất nước.
Báo chí cần nêu cao ngọn cờ tiên phong trong công tác tuyên giáo của Đảng; phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và nhân dân; tập trung thông tin, tuyên truyền đầy đủ, sâu sắc, toàn diện về tình hình chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của Đảng, của đất nước, nhất là Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các nghị quyết Trung ương…