Tham dự Lễ phát động có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn - Trưởng Ban Chỉ đạo Giải báo chí toàn quốc về Quốc hội và Hội đồng Nhân dân lần thứ nhất; các Phó Chủ tịch Quốc hội: Nguyễn Khắc Định, Nguyễn Đức Hải, Trần Quang Phương; lãnh đạo, đại diện các cơ quan của Quốc hội, các bộ, ngành Trung ương;…
Đây là giải thưởng hằng năm do Văn phòng Quốc hội phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức để trao tặng cho các tác phẩm báo chí xuất sắc về Quốc hội, Hội đồng nhân dân (HĐND).
Giải nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền về Quốc hội và HĐND theo Chương trình hành động của Đảng đoàn Quốc hội khóa XV thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, góp phần đẩy mạnh công tác tuyên truyền đưa Nghị quyết của Đảng đi vào cuộc sống. Tiếp tục khẳng định vai trò, vị thế của Quốc hội, cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; vai trò của HĐND, cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương.
Đồng thời, góp phần nâng cao chất lượng và số lượng các tác phẩm báo chí về Quốc hội và HĐND; động viên, khuyến khích phóng viên các cơ quan báo chí ở Trung ương và địa phương tích cực tham gia tuyên truyền về hoạt động, kết quả hoạt động của cơ quan dân cử, nhất là hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội; phản ánh kịp thời tâm tư, nguyện vọng của cử tri, nhân dân tới diễn đàn Quốc hội và HĐND; đồng thời, ghi nhận và tôn vinh những tác giả có tác phẩm báo chí xuất sắc về đề tài cơ quan dân cử và đại biểu dân cử.
Thông qua các tác phẩm báo chí đạt Giải góp phần nâng cao nhận thức của xã hội, cử tri và nhân dân về vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ, tổ chức và hoạt động của Quốc hội và HĐND; tiếp tục hun đúc lòng yêu nước, niềm tự hào, tự tôn dân tộc, tinh thần đại đoàn kết dân tộc trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đáp ứng yêu cầu tình hình mới.
Tăng cường vai trò cầu nối quan trọng giữa báo chí với đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND; củng cố mối quan hệ hợp tác, gắn bó mật thiết giữa cơ quan dân cử, đại biểu dân cử với các cơ quan thông tấn, báo chí nhằm chuyển tải kịp thời, đầy đủ, chính xác, phong phú, sinh động "hơi thở cuộc sống", tăng cường thông tin hai chiều giữa đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND với cử tri và nhân dân cả nước, tạo sự đồng thuận trong xã hội, góp phần đưa chính sách và pháp luật đi vào cuộc sống…
Theo thể lệ, mọi công dân Việt Nam ở trong nước và nước ngoài (bao gồm cả người Việt Nam ở nước ngoài) có tác phẩm báo chí phù hơp với tiêu chí của Giải đều có quyền gửi tác phẩm tham dự. Tác phẩm tham dự Giải Diên Hồng phải được đăng, phát trên các loại hình báo chí (báo in, báo điện tử, phát thanh, truyền hình) do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép và bảo đảm đúng quy định về thời gian đăng, phát; có hiệu quả xã hội cao, được dư luận xã hội thừa nhận.
Các tác phẩm dự Giải Diên Hồng lần thứ nhất được viết bằng tiếng Việt (hoặc tiếng dân tộc thiểu số, tiếng nước ngoài được dịch ra tiếng Việt), đã đăng tải, phát sóng trong thời gian từ 1/3/2021 đến 30/4/2023 trên các báo, đài được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động báo chí. Thời gian nhận tác phẩm tham dự từ ngày phát động Giải Diên Hồng đến 30/4/2023 (theo dấu bưu điện). Địa chỉ nhận tác phẩm: Vụ Thông tin, Văn phòng Quốc hội, số 22 Hùng Vương, Ba Đình, Hà Nội.
Giải Diên Hồng lần thứ nhất được trao vào tháng 6/2023. Giải thưởng được trao cho các tác phẩm báo chí xuất sắc thuộc các thể loại gồm: 1 giải Đặc biệt trị giá 95 triệu đồng; 6 giải A mỗi giải trị giá 45 triệu đồng; 12 giải B, mỗi giải trị giá 30 triệu đồng; 16 giải C mỗi giải trị giá 20 triệu đồng và 30 giải Khuyến khích, mỗi giải trị giá 10 triệu đồng.
Từ các năm tiếp theo, dự kiến Giải Diên Hồng sẽ được trao vào dịp kỷ niệm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam 6/1 hằng năm.
Phát biểu tại buổi lễ, thay mặt lãnh đạo Quốc hội, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đánh giá cao sự chủ động, tích cực của Văn phòng Quốc hội và các cơ quan hữu quan trong việc tham mưu, chuẩn bị, tổ chức Lễ phát động Giải Diên Hồng lần thứ nhất; nhấn mạnh, việc tổ chức Giải vào dịp kỷ niệm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam có ý nghĩa thiết thực, giúp những người làm báo cũng như cử tri, nhân dân cả nước hiểu sâu sắc hơn về hoạt động của Quốc hội, HĐND, tạo sự đồng thuận xã hội đối với các quyết sách của Quốc hội, HĐND.
Để triển khai hiệu quả Giải Diên Hồng lần thứ nhất, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị Ban Chỉ đạo Giải bám sát mục đích, yêu cầu, nội dung, thể lệ, biện pháp tổ chức thực hiện trong Đề án đã được phê duyệt, thường xuyên đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra công tác tổ chức Giải; chú trọng công tác tuyên truyền nhằm thu hút sự tham gia rộng rãi của các cơ quan thông tấn, báo chí, cử tri và nhân dân. Việc xét chọn các tác phẩm dự Giải bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch, khách quan, chính xác; từ đó tuyển chọn được những tác phẩm đặc sắc, mang đậm dấu ấn, đúng như tên gọi của Giải.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị Ban Tuyên giáo Trung ương chỉ đạo Ban Tuyên giáo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương, các cơ quan thông tấn, báo chí tích cực hưởng ứng tham gia Giải.