Phó Chủ tịch Hội CTĐ Việt Nam Trần Quốc Hùng: Báo chí hướng con người đến cái thiện và làm điều thiện

Nguyễn Hồng Hạnh
Tuyên truyền các giá trị nhân đạo là một trong bảy lĩnh vực hoạt động được quy định trong Luật hoạt động CTĐ. Đối với Hội CTĐ Việt Nam, công tác truyền thông có vai trò hết sức quan trọng. Truyền thông không chỉ hỗ trợ mạnh mẽ đối với công tác vận động nguồn lực mà còn trở thành công cụ để tuyên truyền, giáo dục lòng nhân ái, xây dựng tính hướng thiện cho con người. Xác định rõ điều này, các cấp Hội từ Trung ương đến địa phương đã làm tốt công tác truyền thông. Đặc biệt với sức mạnh của mình, báo chí như một người bạn song hành cùng Hội lan tỏa lòng nhân ái trong cộng đồng, hướng con người đến cái thiện và làm điều thiện như một lẽ tất yếu.

Báo chí đồng hành cùng Hội CTĐ lan tỏa các giá trị nhân đạo
Trong cuộc trò chuyện ngắn với phóng viên Tạp chí Nhân Đạo, Phó Chủ tịch Hội CTĐ Việt Nam Trần Quốc Hùng một lần nữa khẳng định báo chí có sức ảnh hưởng lớn đối với các hoạt động của Hội và là một trong yếu tố góp phần thành công của các phong trào, các cuộc vận động mà Hội phát động. Trước, trong và sau mỗi hoạt động, báo chí đều sát cánh cùng Hội lan tỏa sức mạnh nhân đạo.

pct2-1655782815.jpg

Với tính đặc thù định hướng dư luận và lôi cuốn sự tham gia của mọi người, báo chí luôn tiên phong cung cấp thông tin sớm nhất và đầy đủ nhất. Trong lúc triển khai các hoạt động, đặc biệt trong các tình huống khẩn cấp, phóng viên không ngại gian khó, nguy hiểm vào tận rốn lũ để viết bài, quay những thước phim chân thực lay động lòng người. Từ đó báo chí đã giúp Hội kết nối những mạnh thường quân, nhà hảo tâm trong và ngoài nước hướng về miền Trung, giúp đỡ người nghèo hoặc kêu gọi tinh thần tương thân tương ái trong đại dịch covid-19…
Sau mỗi cuộc vận động, sau mỗi phong trào, báo chí ngợi ca những cá nhân tiểu biểu, những tập thể tích cực. Thông qua đó đã lan tỏa các giá trị nhân đạo trong cộng đồng. Xuyên suốt quá trình hơn 75 năm ra đời và phát triển, tuyên truyền các giá trị nhân đạo, lòng nhân ái giữ vai trò quan trọng trong các hoạt động nhân đạo của Hội. Điều đó được thể hiện thực tế qua những con số đầy ý nghĩa của mỗi phong trào lớn nhỏ trong mỗi nhiệm kỳ và được thể hiện rõ nét trong các văn bản chỉ đạo của Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Chỉ thị 18/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 09 tháng 7 năm 2018 về “Nâng cao hiệu quả công tác nhân đạo và hoạt động CTĐ trong tình hình mới” nêu rõ nhiệm vụ của cơ quan quản lý Nhà nước về báo chí cũng như báo chí Việt Nam, đó là: “Bộ Thông tin và Truyền thông, các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương đẩy mạnh tuyên truyền các giá trị nhân đạo, tư tưởng Hồ Chí Minh với sự nghiệp nhân đạo và về hoạt động của Hội CTĐ Việt Nam; tăng cường các chuyên mục, chuyên trang, thời lượng và điều chỉnh giờ phát sóng chương trình Truyền hình Nhân đạo; phối hợp với Hội vận động các cơ quan, tổ chức, các nhà hảo tâm và nhân dân tham gia các hoạt động nhân đạo”. Sở dĩ báo chí được xem như người bạn đồng hành cùng Hội CTĐ Việt Nam bởi lẽ có chung mục đích đầy ý nghĩa nhân văn là cùng truyền thông để nhiều người biết, nhiều người hiểu sự việc, từ đó huy động nguồn lực trợ giúp người nghèo, nạn nhân dịch bệnh, thiên tai, người dễ bị tổn thương trong xã hội. Hội CTĐ và báo chí cùng góp phần lan tỏa lòng nhân ái, cùng giúp con người hướng thiện và làm việc thiện. Giáo dục lòng nhân ái là vấn đề cốt lõi, đặc biệt giáo dục từ giới trẻ, bởi theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, họ chính là Mùa Xuân, là “lớp người tiêu biểu cho sức sống của cả một dân tộc”.
Người làm báo Hội làm việc bằng khối óc và trái tim biết yêu thương

pct-1-1655782815.jpg

Nhân ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, chúng ta cùng nhau tri ân đến Người - Chủ tịch Hồ Chí Minh- Người sáng lập và đặt nền móng cho Hội CTĐ Việt Nam, Chủ tịch danh dự đầu tiên của Hội, Nhà báo vĩ đại của mọi thời đại. Đó là tấm gương sáng ngời về lòng nhân ái và đạo đức nghề báo. Người dạy: “Nhiệm vụ của báo chí là phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng. Người làm báo cần phải tu dưỡng đạo đức Cách mạng, cố gắng trau dồi tư tưởng, nghiệp vụ và văn hóa, chú trọng học tập chính trị để nắm vững chủ trương của Đảng, chính sách của Chính phủ, đi sâu vào thực tế, đi sâu vào quần chúng lao động”. Dù bất cứ ở đâu, trong diễn đàn nào, Người cũng hướng mọi hành động và suy nghĩ đến Nhân dân, lấy Nhân dân làm gốc. Đối với cán bộ, hội viên CTĐ, Người căn dặn: “Phải xuất phát từ lòng yêu thương nhân dân tha thiết mà góp phần bảo vệ sức khỏe nhân dân và làm mọi việc có thể làm được giảm bớt đau thương cho họ”.

pct3-1655782794.jpg

Nhắc đến những nội dung này, Phó Chủ tịch Hội Trần Quốc Hùng nhấn mạnh: Báo chí nói chung đặt tính nhân văn lên trước hết đúng như lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh lấy con người làm trọng, các bài viết, phóng sự phản ánh nhằm giúp cuộc sống con người tốt đẹp hơn. Báo chí của Hội bám sát tôn chỉ, mục đích, không đi chệch hướng; khai thác những đề tài mang ý nghĩa tích cực, nhân văn, ca ngợi tôn vinh những tấm gương tiểu biểu để lan tỏa giá trị nhân đạo; tuy nhiên, báo chí không ngại đấu tranh bảo vệ con người, lên tiếng khi có tổ chức, cá nhân lợi dụng làm từ thiện, trục lợi cho mình; Báo chí của Hội cần phản ánh đậm nét các phong trào, các hoạt động của Hội để nâng cao hình ảnh của Hội đến cộng đồng, để thấy rõ vai trò nòng cốt của Hội trong hoạt động nhân đạo. Với đặc thù của Hội, người làm báo Hội ngoài trau dồi nghiệp vụ, họ cần nhiều hơn một trái tim biết yêu thương để đến gần hơn với người nghèo khó, người gặp hoạn nạn. Không ngại khó, không ngại khổ, biết sẻ chia, rung động trước mỗi hoàn cảnh, từ đó người làm báo mới viết lên được những bài báo lay động lòng người, những bả tình ca lắng đọng, yêu thương.

“Báo chí nhân văn”, “Người làm báo tâm sáng, lòng trong”, “Làm báo tử tế”… đó là khái niệm luôn được nhắc đến như một yêu cầu đặt ra đối với nền báo chí thời công nghệ khi hàng ngày, hàng giờ chịu ảnh hưởng của các mạng xã hội. Kiến thức, trí tuệ ở trong đầu, và đạo đức ở trong tim mỗi người cầm bút thì mới có thể làm cho báo chí trở nên hữu ích, lan tỏa những điều tốt đẹp trong xã hội. Có như vậy mới xây dựng được một nền báo chí nhân văn và hướng thiện, vì con người và tôn trọng con người.


Huệ Anh