Bà Bùi Thị Hoà - Chủ tịch Hội CTĐ Việt Nam: Truyền thông, báo chí có vai trò quan trọng trong việc lan tỏa các giá trị nhân đạo

Nguyễn Hồng Hạnh
Trong một thế giới phẳng hiện nay, báo chí, truyền thông có khả năng tác động nhanh chóng và mạnh mẽ đến đời sống xã hội. Nhân dịp kỷ niệm 97 năm Ngày báo chí Cách mạng Việt Nam, Tạp chí Nhân đạo có cuộc trao đổi với bà Bùi Thị Hoà - Bí thư Đảng Đoàn, Chủ tịch Hội CTĐ Việt Nam về mối quan hệ mật thiết giữa báo chí cách mạng với công tác nhân đạo trong tình hình hiện nay.

PV: Thưa Chủ tịch, thời gian qua, hoạt động báo chí và công tác nhân đạo là hai hoạt động có sự gắn bó mật thiết. Chủ tịch đánh giá như thế nào về vai trò của truyền thông, báo chí trong việc lan toả các giá trị nhân đạo?

Chủ tịch Bùi Thị Hoà: Tôi đã từng đọc câu nói của một nhà triết học viết thế này: “Cái đẹp cao nhất trùng với cái thiện cao nhất, không thể nhìn thấy cái đẹp mà người ta không hiểu gì cái thiện”. Hơn mọi ngành nghề khác, nghề báo là nghề đồng hành, hướng về chân - thiện - mỹ! Điều đó lý giải vì sao trong thời gian qua, việc truyền thông, phổ biến các hoạt động nhân đạo qua các ấn phẩm báo chí đã tăng nhanh cả về số lượng và chất lượng thông tin. Báo chí đã góp phần đem đến bức tranh sinh động về quá trình hoạt động hỗ trợ nhân đạo trong cả nước cũng như hoạt động của tổ chức Hội CTĐ.

6-1655774348.jpg
Bà Bùi Thị Hoà - Bí thư Đảng Đoàn, Chủ tịch Hội CTĐ Việt Nam

Mỗi ngày trên các trang báo chúng ta được đọc biết bao câu chuyện thấm đẫm tình người. Với nhiều bạn đọc, đến với các chuyên mục nhân ái của các tờ báo mỗi ngày, không chỉ là tìm đến một món ăn tinh thần, mà còn là “mệnh lệnh” từ trái tim. Mỗi trang báo với những bài viết của mình đã thực sự trở thành cầu nối yêu thương, là nơi lan tỏa sự tử tế, tính hướng thiện. Thông qua truyền thông, báo chí mà Phong trào “Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam” của Hội CTĐ Việt Nam trong hơn 20 năm qua đã đi vào tiềm thức không chỉ người dân, đối tượng hưởng lợi mà còn với các lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Cuộc vận động “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo”, nhờ truyền thông tốt nên không chỉ cán bộ của Hội CTĐ tham gia, mà nhiều cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương… đều đăng ký gắn với địa chỉ nhân đạo cụ thể. Dự án “Ngân hàng bò” đã được lan toả tới 62 huyện nghèo, xã biên giới trên toàn quốc và được nhiều lãnh đạo Đảng, Nhà nước quan tâm. Ngay trong đại dịch Covid- 19, qua kênh báo chí, các hoạt động nhân đạo hỗ trợ cho người dân của Hội CTĐ Việt Nam như “Chợ Nhân đạo”, “Chuyến xe nghĩa tình”, Chiến dịch “Kết nối cộng đồng, vượt qua thách thức”… đã lan toả mạnh mẽ trong cộng đồng, qua đó các tổ chức, nhà hảo tâm biết đến nhiều hơn các hoạt động nhân đạo, để nhân rộng hoạt động hỗ trợ, giúp đỡ từ vật chất đến tinh thần. Và gần đây nhất Tháng Nhân đạo năm 2022 do Hội CTĐ Việt Nam phát động với thông điệp “Gắn kết cộng đồng - lan toả hành động nhân ái” được tuyên truyền rộng rãi trên nhiều tờ báo qua đó gắn kết nhiều tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân ủng hộ Tháng Nhân đạo bằng những việc làm đầy tính nhân văn, phát huy giá trị nhân đạo truyền thống tốt đẹp, khơi dậy tình yêu thương giữa con người với con người, xây dựng lối ứng xử nhân ái “Thương người như thể thương thân”, góp phần xây dựng một cộng đồng đoàn kết, giàu lòng nhân ái.

PV: Có thể thấy báo chí không chỉ là phương tiện truyền tải các hoạt động nhân đạo mà còn là một bộ phận của công tác nhân đạo. Chủ tịch nhìn nhận vấn đề này như thế nào?

Chủ tịch Bùi Thị Hoà: Đúng vậy. Phải khẳng định báo chí là một bộ phận của công tác nhân đạo bởi lẽ với độ bao phủ rộng, cập nhật liên tục, người xem, đọc không giới hạn, báo chí là phương tiện chuyển tải thông tin về hoạt động nhân đạo nhanh chóng và hữu hiệu nhất. Ngoài việc tuyên truyền là cầu nối các hoạt động nhân đạo, thiện nguyện, nhiều cơ quan báo chí với uy tín của mình đã trực tiếp tham gia các hoạt động nhân đạo từ thiện thông qua các quỹ do mình tự thành lập. Có thể kể ra đây một vài Quỹ từ thiện, nhân đạo của các báo như: Báo Lao động có Quỹ Tấm lòng vàng, Truyền hình Việt Nam có Quỹ Tấm lòng Việt, Báo Công an nhân dân có Quỹ từ thiện- xã hội, Báo Dân trí có Quỹ Nhân ái, Báo Phụ nữ Thủ đô có Quỹ từ thiện “Vì phụ nữ và trẻ em hoạn nạn”, … Trong những năm qua, các Quỹ từ thiện của nhiều tờ báo đã hoạt động với phương châm lấy tính “Nhân văn - Nhân bản - Nhân ái” làm đầu vì thế hoạt động thiện nguyện của các Quỹ từ thiện xã hội được các báo thành lập đã tạo được uy tín, sự tin cậy và đồng hành sâu sát của bạn đọc trong và ngoài nước.

ct7-1655774376.jpg
Gặp mặt báo chí trong Lễ phát động Tháng Nhâ đạo "Gắn kết cộng đồng - Lan tỏa hành động nhân ái" năm 2022

PV: Để công tác truyền thông các hoạt động nhân đạo, từ thiện nói chung và phong trào CTĐ nói riêng đi vào chiều sâu, mang lại hiệu quả thiết thực, theo Chủ tịch, thời gian tới, cần có sự phối hợp như thế nào giữa Hội CTĐ và các cơ quan báo chí, truyền thông?

Chủ tịch Bùi Thị Hoà: Trong chiến lược phát triển Hội CTĐ Việt Nam đến năm 2030 tầm nhìn 2045 Hội đã xác định rất rõ tuyên truyền các giá trị nhân đạo là một trong những lĩnh vực trọng tâm. Hội cũng đặt ra chỉ tiêu rất cụ thể, đó là: 100% các tỉnh, thành Hội phối hợp xây dựng chuyên trang, chuyên mục về hoạt động nhân đạo trên các phương tiện truyền thông tại địa phương; 100% các cấp Hội triển khai tuyên truyền các giá trị nhân đạo trên trang thông tin điện tử, trang fanpage của Hội. Hội mong muốn Nhân đạo trở thành một trong các mục tiêu truyền thông của các cơ quan truyền thông và là lối sống, lối ứng xử của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan, tổ chức và cộng đồng. Để tiếp tục đẩy mạnh, tăng cường hiệu quả của công tác truyền thông về hoạt động nhân đạo từ thiện lan toả các giá trị nhân đạo tới cộng đồng, thời gian tới, Hội CTĐ Việt Nam cũng như các cấp Hội trên cả nước sẽ phối hợp với các cơ quan báo chí tiếp tục duy trì các chuyên trang, chuyên mục trên báo in, báo điện tử, đài phát thanh, truyền hình và các kênh thông tin khác như trang tin điện tử. Chủ động lựa chọn nội dung, hình thức, phương pháp truyền thông thích hợp, bảo đảm thiết thực, hiệu quả, phù hợp với tính chất, đặc điểm của từng nhóm đối tượng; kết hợp hình thức truyền thông truyền thống với ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động truyền thông nhằm mang lại hiệu quả cao; nâng cao tính chủ động và kịp thời trong cung cấp thông tin trong đó, việc cung cấp thông tin cho báo chí cần được thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, chính xác.

PV: Xin trân trọng cảm ơn Chủ tịch!

Trần Thu Hương (thực hiện)