Anh tài xế taxi với “gia tài” 99 chứng nhận hiến máu

Nguyễn Diệp Linh
Anh Phạm Văn Thắng (sinh năm 1982) có nhóm máu A+, trú tại thôn Phương Mạc, xã Phương Đình, huyện Đan Phượng, Hà Nội không còn nhớ mình bắt đầu hiến máu từ khi nào nữa nhưng tính đến nay đã hiến được 99 lần. Anh cho rằng, “gia tài” quý giá của mình là 99 tấm giấy chứng nhận hiến máu tình nguyện.

Dấu ấn riêng trong cuộc đời

Trò chuyện với người đàn ông giàu lòng nhân ái này, tôi thấy cuộc sống tràn đầy yêu thương, thật đẹp. Trong khi ngoài kia nhiều người hạnh phúc với hàng hiệu, xe hơi, nhiều tài sản, còn ở xứ Đoài này, “anh tài” Thắng lại hạnh phúc với những lần đi hiến máu cứu người. Không ở đâu xa xôi, không cần phải làm những việc “đao to búa lớn” mới là yêu nước, yêu đồng bào, anh Thắng làm ăn lương thiện ngay tại quê hương và âm thầm cứu người bằng cách trao đi phần máu của mình mà không mưu cầu nhận lại điều gì.

Anh Phạm Văn Thắng hiến máu tình nguyện
Anh Phạm Văn Thắng hiến máu tình nguyện

Anh Thắng bộc bạch: “Mỗi lần hiến máu nhân đạo, cầm trên tay giấy chứng nhận và con gấu bông ngộ nghĩnh của Ban tổ chức tặng, tôi hạnh phúc lắm. Cái cảm giác đó khó tả. Nó có vẻ như khi chúng ta làm được điều gì đó mà bản thân khát khao thực hiện, chinh phục, tuy nhiên không phải là cảm xúc như chiến thắng, mà là sự cho đi một cách trong sáng, chia sẻ yêu thương thật sự tự đáy lòng”.

Người đàn ông 8X nói chuyện với niềm tự hào, nụ cười rạng rỡ về hiến máu, nâng niu từng tấm giấy chứng nhận cất cẩn thận vào tủ. Tôi hiểu rằng đó không chỉ đơn thuần là những kỷ vật, mà còn là dấu ấn riêng trong cuộc đời anh tài xế taxi, nó rất đặc biệt và vô giá, không phải ai cũng làm được. Anh quả đúng là một tấm gương bình dị mà cao quý.

Hiến máu là việc làm thường xuyên của anh tài xế taxi
Hiến máu là việc làm thường xuyên của anh tài xế taxi

Bồi hồi kể lại lần đầu tiên hiến máu, “anh tài” Phạm Văn Thắng chia sẻ, hồi đó, thấy các bạn thanh niên tuyên truyền hiến máu, anh tò mò và đi hiến thử xem sao, cũng là để kiểm tra xem máu mình có sạch, tốt không.

“Ban đầu, tôi cũng sợ lắm, nhất là khi chứng kiến thấy cảnh các tình nguyện viên hiến máu cắm trên tay cái mũi kim to, máu cứ thế tuôn chảy ra ống dây rồi vào túi trữ… nhưng lạ thay ai cũng bình thản, mặt mũi vẫn tươi tắn, cười nói. Thế rồi, tôi cũng thử và cảm giác nhói đau nhẹ nhẹ khi cán bộ y tế đưa mũi kim vào ven, sau đó không sao cả. Hiến xong 250ml máu đầu tiên, tôi đứng dậy đi lại bình thường, vẫn khoẻ mạnh, từ đó, tôi quen và muốn hiến lần hai, lần ba…”, anh nói.

Còn thở là còn hiến máu

Đi hiến máu về nhà, tay cầm con gấu bông hớn hở như đứa trẻ được quà, vợ của anh giận dỗi nói rằng: “Anh bỏ ra một túi máu để lấy một con gấu bông mà vui thế à”. Vợ giận, bố mẹ thì xót con. Vì anh là con trai một trong nhà, được cưng chiều từ bé, chỉ bị đứt tay thôi, bố mẹ anh đã thương lắm, giờ thấy hiến máu, họ cũng không thoải mái. Dù người thân nói vậy nhưng anh vẫn vui với niềm hạnh phúc riêng của mình. Anh bảo, anh đã nói lại với mọi người rằng, đây không chỉ là con gấu bông, hay tấm giấy chứng nhận mà điều lớn lao hơn cả là có thể cứu người và anh cũng đang bồi đắp cho kho máu dự trữ của mình để khi bản thân hay người nhà có nhỡ làm sao, cần tiếp máu sẽ được hỗ trợ.

Anh tài xế taxi với “gia tài” 99 chứng nhận hiến máu
Anh Thắng chia sẻ "còn thở là còn hiến máu", không dừng lại ở lần thứ 99

Qua hiến máu tình nguyện, anh nhận thấy đó là việc làm tốt, mang lại ý nghĩa cho đời và thích làm. Từ đó, hiến máu trở thành thói quen và ăn sâu vào tiềm thức của người đàn ông này lúc nào không hay. Sau lần hiến máu đầu tiên một thời gian ngắn, anh lại hăng hái đi hiến khi gặp điểm hiến máu ở trường Đại học Giao thông Vận tải. Tuy nhiên, kiểm tra mới biết anh chưa đủ ngày cho khoảng cách giữa lần hiến trước với lần này nên không được thực hiện. Thế rồi, anh lại hồi hộp đợi chờ đến ngày đủ thời gian để lại hiến. Từ ấy đến nay, cứ đủ 85 ngày là anh lại đi hiến máu hoặc hiến tiểu cầu ở Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương hay các chương trình của Đoàn - Hội...

“Cảm giác mỗi lần lấy giọt máu trao đi, hạnh phúc cực kỳ, vì vậy, phương châm sống của tôi là “còn thở là còn hiến máu”, anh Thắng bày tỏ.

Chứng nhận lần thứ 99 hiến máu tình nguyện của anh
Tấm giấy chứng nhận gần đây nhất - đánh dấu lần thứ 99 hiến máu tình nguyện của anh

Người đàn ông 8X kể, anh nhớ lần vào ngày 29 Tết có người mổ não cần máu. Nhận được cuộc gọi của Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương kêu cứu người, anh Thắng không quản ngại, nhanh chóng đến viện hiến tặng máu. Cuộc phẫu thuật thành công, người nhà bệnh nhân gọi điện đến cảm ơn anh và ngỏ ý tặng chút quà để bồi dưỡng nhưng anh Thắng chỉ nhận tấm lòng mà từ chối quà, gửi lại cho bệnh nhân.

"Sức hấp dẫn" của lòng nhân ái

Rồi anh kể tiếp, có lúc đang lái xe chở khách, Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương liên hệ có ca cấp cứu cần tiếp máu, biết là gấp nên “anh tài” quay đầu xe, vừa đi vừa giải thích với khách hàng. Họ đồng ý đi cùng và nhất quyết đợi anh hiến máu xong để chở về nhà. Người đó đã trở thành khách quen của anh, lần nào đi đâu cũng chỉ nhờ anh chở chứ không gọi ai khác. Sự tín nhiệm, yêu quý của khách hàng một phần chứng minh cho “sức hấp dẫn” của tấm lòng nhân ái của người đàn ông lương thiện.

Làm tài xế taxi, với nhiều người đó là một nghề vất vả, thu nhập bấp bênh nhưng với anh Thắng, nó mang lại nhiều thú vị. Anh được tiếp xúc với nhiều người và đặc biệt nó tạo cơ duyên cho anh được giúp đỡ mọi người nhiều hơn.

Dù làm thuê nhưng anh cũng sẵn sàng vận chuyển miễn phí những người khó khăn, mắc bệnh hiểm nghèo trong tình huống gấp, có khi là người già nhỡ đường hay bệnh nhân nghèo. Rồi những chuyến vận chuyển hàng hóa của nhóm thiện nguyện lên vùng cao Tây Bắc, hay những chuyến đưa các suất cơm từ thiện tới bệnh nhân tại Bệnh viện K Tân Triều… cũng có sự tham gia của anh.

Anh Phạm Văn Thắng tham gia các hoạt động vì cộng đồng
Ngoài việc hiến máu, anh Phạm Văn Thắng còn tham gia nhiều hoạt động vì cộng đồng

Anh Phạm Văn Thắng hiện còn là thành viên Câu lạc bộ Bếp cơm Hoa đăng, Chùa Sùng Quang, xã Phương Đình, Đan Phượng. Cứ mỗi tháng 1-2 lần, anh lại cùng các thành viên tham gia nấu cơm tại chùa, rồi phát miễn phí cho người bệnh. Trong đợt dịch COVID-19 bùng phát phải giãn cách xã hội, anh tự đổ xăng xe đi đưa cơm cho hàng loạt chốt trực và các đội phòng, chống dịch trên địa bàn.

Với những việc làm của mình, anh Phạm Văn Thắng được UBND Huyện Đan Phượng tặng danh hiệu “Người tốt việc tốt” năm 2020. Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương cũng mời anh đến với chương trình tôn vinh những người hiến máu nhưng anh nhất quyết không nhận khen thưởng. Anh chia sẻ rằng, tấm giấy khen đó hãy để lại trưng bày tại bệnh viện, để lan toả thêm tinh thần thiện nguyện, nhân ái, lay động tấm lòng trắc ẩn, để thêm nhiều người hơn nữa trong cộng đồng không ngần ngại tham gia hiến máu cứu người.

Anh Phạm Văn Thắng đã và đang âm thầm lặng lẽ sống đẹp cho đời, cùng với mẹ và hai đứa con chăm ngoan học giỏi. Anh hạnh phúc khoe rằng, con trai lớn của anh đã tốt nghiệp đại học và chuẩn bị sang Nhật làm việc. Còn con gái năm nay thi đại học. Các bạn ấy đều chăm ngoan, học tốt nên bố rất yên tâm. Người đàn ông này chia sẻ, sau khi các con trưởng thành, anh sẽ đăng ký hiến toàn bộ mô tạng.

“Cuộc sống của tôi chỉ đơn giản vậy thôi. Người ta hạnh phúc với tiền tài, danh vọng, tôi chọn niềm hạnh phúc nhỏ bé, giản dị, chăm chỉ hiến máu, làm thiện nguyện giúp đỡ cộng đồng”, anh Thắng bộc bạch.

Lê Dung