Dễ chịu, thoải mái
Trong căn phòng rộng chừng 20 m2, cuộc sống của ông Ngô Quang Độ (sinh năm 1952) và vợ là bà Vương Thị Khuy (ở xã Cộng Lạc, Tứ Kỳ) khá thoải mái. Ông Độ là thương binh với thương tật 81%, đôi chân đã bị hỏng và phải ngồi xe lăn. Khi ông đến trung tâm sinh sống, bà Khuy đi theo để chăm sóc. Trước đây đã có thời gian ông Độ về sống tại gia đình nhưng sinh hoạt không thuận tiện, nhất là gần đây khi tuổi đã cao, cơ thể phát sinh nhiều bệnh tật và gia đình đông người nên khá ồn ào.
"Tôi ở đây khi đau yếu là bác sĩ đến khám ngay. Không khí trong lành lại có nhiều bạn bè nói chuyện, chia sẻ nên tôi thấy khỏe hơn khi sống ở nhà", ông Độ nói.
Ông Đặng Văn Chiến (sinh năm 1954), ở phường Hải Tân (TP Hải Dương) một mình gắn bó với trung tâm gần 40 năm nay nhưng không cảm thấy cô đơn. Những lúc khỏe mạnh, ông Chiến tự nấu ăn, vệ sinh cá nhân, trò chuyện với thương binh, bệnh binh sống trong trung tâm. Những lúc ốm đau phải nằm trong phòng hay đi viện đều có hộ lý của trung tâm giúp đỡ.
Ông Chiến cho biết: "Mỗi năm tôi chỉ về quê ít ngày, còn lại phần lớn gắn bó với trung tâm. Anh em ở đây cùng hoàn cảnh nên thấu hiểu, chia sẻ với nhau dễ dàng. Nhìn chung cuộc sống của chúng tôi ở đây khá thoải mái, dễ chịu".
Bác sĩ trung tâm khám bệnh cho ông Nguyễn Văn Nga (quê ở xã Ngọc Liên, Cẩm Giàng)
Quan tâm chu đáo
Trung tâm Điều dưỡng thương binh Thuận Thành thành lập năm 1965, là nơi nuôi dưỡng, điều trị thương binh, bệnh binh nặng tập trung với số lượng đông và thương tật nặng nhất cả nước. Hiện nay, trung tâm đang nuôi dưỡng 95 người với thương tật từ 81% trở lên, trong đó Hải Dương có 11 người.
Sinh sống ở trung tâm, thương binh, bệnh binh nói chung và người Hải Dương nói riêng đều nhận được nhiều sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, cũng như các cấp, ngành của tỉnh. Mỗi người được bố trí 1 phòng riêng, có đầy đủ các vật dụng phục vụ sinh hoạt cá nhân như ti vi, tủ lạnh, điều hòa, bếp... và có thể đón người thân lên ở cùng để thuận tiện chăm sóc. Mỗi khi đau yếu, các bác sĩ sẽ khám, cấp thuốc điều trị tại chỗ. Với người bị bệnh nặng phải chuyển lên bệnh viện tuyến tỉnh hoặc trung ương, trung tâm đều cử hộ lý đi hỗ trợ. Không gian sống rộng rãi, nhiều cây xanh, ghế đá... tạo nên quang cảnh thoáng đãng, mát mẻ. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ cũng thường xuyên được tổ chức góp phần đa dạng hóa đời sống tinh thần cho những người sinh sống tại đây.
Chị Phạm Thị Pha, bác sĩ tại trung tâm cho biết: "Trung tâm luôn dành sự quan tâm chu đáo, ân cần đến từng thương binh, bệnh binh, coi đây là sự tri ân của thế hệ sau đối với người đi trước đã hy sinh một phần xương máu của mình cho quê hương, đất nước. Chúng tôi luôn cố gắng để các bác cảm thấy thoải mái, gắn bó như gia đình mình".
Ông Đặng Văn Chiến ở phường Hải Tân (TP Hải Dương) gắn bó với Trung tâm Điều dưỡng thương binh Thuận Thành gần 40 năm nay
Hằng năm, lãnh đạo UBND tỉnh Hải Dương, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, một số đơn vị trong tỉnh đều tổ chức thăm, tặng quà thương binh, bệnh binh đang sống, điều trị tại đây. Những phần quà tuy nhỏ bé cùng những lời hỏi thăm, chia sẻ đã giúp thương binh, bệnh binh vơi bớt những thiệt thòi trong cuộc sống. Xúc động trước sự quan tâm đó, ông Nguyễn Văn Nga (quê ở xã Ngọc Liên, Cẩm Giàng) cho biết: "Chúng tôi không chỉ nhận được sự quan tâm, chia sẻ của cán bộ trung tâm mà còn nhiều cơ quan, đơn vị khác. Vào các dịp lễ, Tết, lãnh đạo tỉnh và các cơ quan, đoàn thể đều sang thăm, tặng quà, động viên, chia sẻ. Chúng tôi thấy được an ủi phần nào trước những mất mát mà chúng tôi gánh chịu".
Những thương binh, bệnh binh đang điều trị tại Trung tâm Điều dưỡng thương binh Thuận Thành đều mang trong mình nhiều bệnh tật nên việc chăm sóc, bảo đảm để họ có cuộc sống tốt nhất là trách nhiệm của các cấp, ngành, đơn vị liên quan. Thời gian tới, Hải Dương cũng như trung tâm tiếp tục có nhiều hoạt động hơn nữa tri ân những cống hiến lớn lao này.
THANH HÀ