Ai sẽ chịu trách nhiệm nếu tài sản bị mất hoặc hư hỏng?

Tạp Chí Nhân Đạo
(NĐ&ĐS) – Sau khi cắt khóa cửa để thực hiện việc cưỡng chế vi phạm trật tự xây dựng (TTXD), ngôi nhà đã được chính quyền địa phương khóa cửa và niêm phong. Hiện gia đình vẫn chưa đến nhận bàn giao nhà và tài sản nên toàn bộ tài sản trong ngôi nhà vẫn đang được chính quyền địa phương trông giữ, bảo quản.

Như baonhandao.vn đã thông tin, 3 mẹ con bà Nguyễn Thị Nga (SN 1964), ở số 16 hẻm 66/2 ngõ Thông Phong, phường Quốc Tử Giám, quận Đống Đa, Hà Nội,  không thể vào nhà vì lực lượng của chính quyền địa phương đã niêm phong cửa sau khi kiên quyết cắt khóa để thực hiện việc cưỡng chế vi phạm TTXD.

Được biết, trước đó gia đình này đã có đơn đề nghị xin lùi lịch thực hiện bởi có người nhà đang phải đi cấp cứu.

IMG_20190919_160326
Đơn đề nghị của chị Phạm Quỳnh Anh xin lùi lịch thực hiện, bởi mẹ phải đi bệnh viện cấp cứu và thăm khám trước thời điểm thực hiện cưỡng chế.

Sáng ngày 18/9/2019, UBND phường Quốc Tử Giám phối hợp cùng các cơ quan chức năng tiến hành thực hiện cưỡng chế bộ phận công trình xây dựng vi phạm TTXD tại gia đình bà Nga theo Quyết định số 1219/QĐ-CCXP ngày 16/5/2019 của UBND quận Đống Đa.

Tại thời điểm thực hiện cưỡng chế, gia đình bà Nga không có người ở nhà nên UBND phường cùng các cơ quan chức năng đã cắt khóa để cho người mang thiết bị, máy móc lên phá dỡ phần công trình vi phạm TTXD.

IMG_20190919_160242
Toàn bộ tài sản trong khu vực bếp như tủ lạnh, lò vi sóng, lò nướng, …. có nguy cơ hỏng hóc, chập cháy do mưa hắt..

Trước thời điểm cưỡng chế, chị Phạm Quỳnh Anh, con gái của bà Nga, đã đến UBND phường Quốc Tử Giám gửi đơn đề nghị xin lùi lịch thực hiện bởi bà Nga buổi sáng bị đau đầu, chóng mặt không rõ nguyên nhân nên hai chị em phải đưa đi bệnh viện.

Sau khi baonhandao.vn thông tin, chính quyền địa phương đã tiến hành căng bạt che phần khoảng không do tường bị phá dỡ, để tránh bị mưa hắt gây ảnh hưởng đến tài sản của gia đình bà Nga.

Đồng thời, chị Quỳnh Anh cũng điện thoại và nhắn tin cho Chủ tịch UBND quận Đống Đa trình bày để gia đình có cơ hội chấp hành đúng quy định, tránh trường hợp đoàn cưỡng chế tìm mọi cách đập phá, cắt khóa cửa khi không có ai ở nhà.

Sau khi baonhandao.vn thông tin, ngày 20/9/2019, cán bộ UBND phường Quốc Tử Giám có nhắn tin mời anh Phạm Hùng (con trai của bà Nga và là người đứng tên trên GCNQSDĐ) 15 giờ 30 ngày 20/9/2019 có mặt tại UBND phường để làm việc. Do bận đi công tác nên anh Hùng đã nói anh Phạm Ba Đô, người được anh Hùng ủy quyền trước đó, thay mặt đến làm việc.

nh biên bản
Biên bản làm việc ngày 20/9/2019 giữa UBND phường Quốc Tử Giám và anh Đô (người được anh Phạm Hùng, con trai bà Nga, ủy quyền)

Tại buổi làm việc, UBND phường đề nghị anh Đô thông báo lại cho gia đình anh Hùng đến nhận lại chìa khóa. UBND phường sẽ bố trí tiếp và bàn giao cho anh Hùng bất kỳ thời gian nào. Đồng thời, nhờ ông Đô gửi giấy mời đến gia đình anh Hùng để nhận bàn giao chìa khóa và tài sản. Nếu anh Hùng không đến được thì ủy quyền cho một cá nhân đến nhận.

Anh Đô cũng đề nghị UBND phường có biện pháp đảm bảo tài sản của gia đình ở trong nhà (đặc biệt là trên tầng 4 – nơi phá dỡ) và phòng chống cháy nổ.

Được biết, phía trên tum tầng 4 và tường đã bị phá dỡ, cột chống đỡ mái cũng bị phá nên mái nhà hiện đang được đỡ bằng mấy thanh sắt thép tạm. Từ sân tầng 4 vào trong ngôi nhà hiện chỉ có cửa nhôm kính cũ bảo vệ, không thực sự đảm bảo an toàn cho tài sản bên trong. Ngoài ra, toàn bộ tài sản trong khu vực bếp như tủ lạnh, lò vi sóng, lò nướng,…. cũng có nguy cơ hỏng hóc, chập cháy do bị mưa hắt.

Liệu tài sản của gia đình bà Nga có được bảo quản, bảo đảm an toàn? Ai sẽ là người chịu trách nhiệm nếu tài sản mất mát hoặc bị hư hỏng? Đây là vấn đề pháp lý được bạn đọc hết sức quan tâm.

IMG_20190921_114014
Sau khi baonhandao.vn thông tin, phần khoảng không do tường bị phá dỡ đã được căng bạt để tránh bị mưa hắt gây ảnh hưởng đến tài sản của gia đình bà Nga.

Trao đổi vấn đề trên với phóng viên, luật sư Lâm Thị Trâm Anh, Công ty Luật TNHH Đại Nam – Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cho biết: Khoản 5 Điều 34 Nghị định 166/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định về cưỡng chế thi hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính có quy định việc “tổ chức thi hành cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả” như sau: “Trường hợp cá nhân, tổ chức phải thi hành quyết định cưỡng chế về việc tháo dỡ, di chuyển công trình xây dựng trái phép hoặc bàn giao đất mà trong công trình và trên đất đó có tài sản không thuộc diện phải cưỡng chế thì người tổ chức cưỡng chế có quyền buộc cá nhân, tổ chức phải thi hành quyết định cưỡng chế và những người khác có mặt trong công trình ra khỏi công trình hoặc khu vực đất, đồng thời yêu cầu họ tự chuyển tài sản ra theo. Nếu họ không tự nguyện thực hiện thì người tổ chức cưỡng chế yêu cầu lực lượng cưỡng chế đưa họ cùng tài sản ra khỏi công trình hoặc khu vực đất đó.

Nếu họ từ chối nhận tài sản, người tổ chức cưỡng chế phải lập biên bản ghi rõ số lượng, chủng loại, tình trạng từng loại tài sản và thuê tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện để trông giữ, bảo quản hoặc bảo quản tại kho của cơ quan ra quyết định cưỡng chế và thông báo địa điểm, thời gian để cá nhân, tổ chức có tài sản nhận lại tài sản. Cá nhân, tổ chức có tài sản phải chịu các chi phí vận chuyển, trông giữ, bảo quản tài sản”.

IMG_20190921_114012
Nếu tài sản bị mất mát hoặc hỏng hóc thì Ban cưỡng chế khó có thể chối bỏ trách nhiệm (!?).

“Trong trường hợp này, nếu đã giao hoặc thuê tổ chức cá nhân trông giữ thì bên đó sẽ chịu trách nhiệm. Vì khi giao tài sản đã được lập biên bản và có xác nhận của người có mặt và chính quyền địa phương”, Luật sư Trâm Anh phân tích.

Qua tìm hiểu của phóng viên, Ban cưỡng chế đã bao gồm UBND phường Quốc Tử Giám và cán bộ UBND quận Đống Đa. Trong và sau khi cưỡng chế, tài sản của gia đình bà Nga vẫn được giữ ở trong nhà, chứ không phân loại, chuyển đi cho tổ chức, cá nhân khác trông giữ và bảo quản.

Như vậy, đối chiếu với quy định, ở trường hợp này nếu tài sản bị mất mát hoặc hỏng hóc thì Ban cưỡng chế, đặc biệt là Trưởng Ban và người có trách nhiệm trông giữ, bảo quản loại tài sản đó theo quyết định phân công, biên bản bàn giao (nếu có), khó có thể chối bỏ trách nhiệm.

Nguyễn Tuấn