55.000 người dân được trang bị kiến thức về phòng ngừa thiên tai thảm họa

Tạp Chí Nhân Đạo
Ngày 5/10, Hội CTĐ Việt Nam với sự hỗ trợ của Hội CTĐ Pháp qua quỹ Ready Fund, Hội CTĐ Mỹ và Cơ quan phát triển Pháp (AFD), đã tổ chức Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm Dự án “Quản lý rủi ro thảm họa dựa vào cộng đồng có lồng ghép giới tại các vùng dân tộc thiểu số Tây Bắc Việt Nam”, triển khai từ 4/2014 đến tháng 9/2017 tại 12 xã, phường dân tộc thiểu số tại Lai Châu, Sơn La với tổng kinh phí là 39 tỷ đồng.
IMG_0943
Ông Trần Quốc Hùng - Phó Chủ tịch T.Ư Hội CTĐ Việt Nam phát biểu tại hội nghị.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Trần Quốc Hùng – Phó Chủ tịch T.Ư Hội CTĐ Việt Nam cho biết: Dự án “Quản lý rủi ro thảm họa dựa vào cộng đồng có lồng ghép giới tại các vùng dân tộc thiểu số Tây Bắc Việt Nam” có 5 điểm mang tính chất đặc thù: Đây là dự án quản lý rủi ro thảm hoạ dựa vào cộng đồng, dự án đã có cách tiếp cận hết sức bài bản theo đúng khung quản lý rủi ro thảm hoạ dựa vào cộng đồng của T.Ư Hội CTĐ Việt Nam là các thoả thuận để triển khai và tạo ra được những cộng đồng an toàn và phát triển bền vững hơn; Dự án đã tập trung vào mục tiêu rất quan trọng là bình đẳng giới và đa dạng đã triển khai xuyên suốt trong quá trình hoạt động của dự án; Dự án được triển khai ở khu vực là người dân tộc thiểu số, do vậy việc tiếp cận triển khai đánh giá luôn luôn có yếu tố tiếp cận với nhóm dân tộc dễ bị tổn thương và rất khó truyền thông để thay đổi hành vi; Dự án được triển khai ở vùng Tây Bắc Việt Nam với sự khác biệt là sự chia cắt, độ dốc về địa hình, phong tục tập quán mà nhiều địa phương khác không có. Nó đã ảnh hưởng rất nhiều đến các nguy cơ rủi ro và cách ứng phó với thảm hoạ; Trong đúng thời gian triển khai dự án ở miền núi phía Bắc đã xảy ra nhiều thiên tai thảm hoạ.

Sau quá trình triển khai Dự án, tại hai tỉnh đã xây dựng được một đội ngũ cán bộ trẻ, năng động và có kiến thức, kinh nghiệm dày dặn trong công tác phòng ngừa và ứng phó thiên tai, thảm họa.

Tại cấp tỉnh, đó là đội Hướng dẫn viên Đánh giá rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng (CBDRA), đội Ứng phó thảm họa cấp tỉnh (PDRT), đội Tập huấn viên Cộng đồng Ứng phó thảm họa (CADRE), đội Hướng dẫn viên truyền thông, đội Tập huấn viên Sơ cấp cứu.

Tại cấp xã và cộng đồng có đội ngũ Truyền thông viên, đội Đánh giá, đội Ứng phó khẩn cấp theo mô hình Đội cộng đồng ứng phó với thảm họa, đội ngũ giáo viên tại các trường tiểu học. Những cán bộ này sẽ chính là lực lượng nòng cốt trong việc tiếp tục duy trì các hoạt động phòng ngừa ứng phó với thiên tai, thảm họa mà Dự án đã khởi xướng tại địa bàn hai tỉnh, đồng thời cũng là những nhân tố chủ chốt trong công tác phòng ngừa, ứng phó với thiên tai, thảm họa của phong trào CTĐ trên toàn quốc.

Các công trình giúp giảm nhẹ mức độ dễ bị tổn thương của cộng đồng được Dự án hỗ trợ dựa trên nhu cầu thực tế của người dân và chính quyền địa phương đề xuất, triển khai thực hiện, đối ứng ngân sách và công lao động, giám sát và đánh giá, quản lý và bảo dưỡng. Những công trình như: cầu dân sinh, kè chắn lũ, kè chống sạt lở, mương thoát lũ, công trình nước sạch, nhà sơ tán cộng đồng, hệ thống cảnh báo thiên tai bằng loa truyền thanh không dây..., không những làm tăng năng lực phòng chống thiên tai, thảm họa của cộng đồng mà còn cải thiện đáng kể chất lượng cuộc sống của người dân. Với cùng phương pháp tiếp cận có sự tham gia, tại trường học, Dự án đã hỗ trợ các công trình như xây kè chống sạt lở, gia cố hệ thống mái nhà, gia cố lan can, sửa chữa hệ thống điện, kiên cố hóa sân trường, xây dựng nhà vệ sinh, sửa chữa công trình nước..., giúp nhà trường sẵn sàng hơn trong việc đối phó với thiên tai, thảm họa cũng như nâng cao chất lượng dạy và học tại nhà trường.

Đồng thời, chiến dịch nâng cao nhận thức về phòng tránh thiên tai, thảm họa cho người dân nông thôn vùng núi Tây Bắc được triển khai nhằm trang bị cho người dân kiến thức và kỹ năng chủ động bảo vệ tài sản và tính mạng của gia đình và người thân trước thiên tai. Với kênh truyền thông trực tiếp, chiến dịch tổ chức các lớp tập huấn cho những cán bộ nhanh nhẹn và có khả năng giao tiếp cả tiếng phổ thông và tiếng địa phương, vừa tiếp thu được kiến thức mà Dự án trang bị, vừa giúp chuyển ngữ và truyền tải thông điệp cho người dân. Sau đó, những truyền thông viên này sẽ sử dụng bộ công cụ xây dựng dành riêng cho người dân vùng dân tộc thiểu số tại các xã Dự án và tiến hành tuyên truyền thông qua các buổi họp bản. Bộ công cụ sử dụng các biểu tượng và tranh vẽ minh họa, giúp những người dân không biết chữ vẫn có thể hiểu được cách phòng ngừa, ứng phó và phục hồi sau thiên tai, thảm họa. Hơn nữa, với thiết kế khuyến khích sự tham gia của người dân thông qua các hoạt động nhóm và trò chơi, bộ công cụ giúp những buổi truyền thông hiệu quả hơn và giúp người dân tiếp nhận những kiến thức một cách thú vị, dễ hiểu và ghi nhớ lâu hơn.

Xuyên suốt quá trình xây dựng, thực hiện, giám sát Dự án, việc lồng ghép giới luôn luôn được coi là một hợp phần quan trọng và luôn được cân nhắc trong mọi hoạt động của Dự án. Cụ thể, Dự án thực hiện các hoạt động như: phân tích giới khi bắt đầu Dự án nhằm tìm hiểu về tình hình thực tế về các vai trò, năng lực, nhu cầu của nam giới và nữ giới tại địa bàn Dự án, Xây dựng khung can thiệp về giới nhằm đưa ra những can thiệp cụ thể về giới trong mọi hoạt động của Dự án, Xây dựng các công cụ trực tiếp nâng cao nhận thức về giới và hoặc có lồng ghép giới, Tập huấn Lồng ghép Giới và Đa dạng trong tình huống khẩn cấp, Thực hiện các chiến dịch nâng cao nhận thức giới đa dạng và sinh động như truyền thông trực tiếp, tổ chức cuộc thi ảnh, cuộc thi kể chuyện qua ảnh, tổ chức các tọa đàm, hội thi..., Đóng góp vào việc chỉnh sửa các tài liệu tiêu chuẩn Quản lý rủi ro thiên tai của Hội chữ thập đỏ Việt Nam theo hướng lồng ghép Giới và Đa dạng, bao gồm tài liệu Đánh giá rủi ro thiên tại dựa vào cộng đồng, tài liệu Đánh giá tình trạng dễ bị tổn thương và năng lực ứng phó với thảm họa dựa vào cộng đồng.

IMG_0949
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm.

Sau 42 tháng triển khai, Dự án đạt được rất nhiều kết quả tích cực với những con số ấn tượng như: 12 cuộc Đánh giá tình trạng dễ bị tổn thương và năng lực ứng phó với thảm họa dựa vào cộng đồng (VCA) và Đánh giá Rủi ro Thiên tai dựa vào cộng đồng (CBDRA) được thực hiện, với sự tham gia của 2.294 cán bộ, người dân; 2 đội Ứng phó thảm họa cấp tỉnh, 12 đội Cộng đồng ứng phó với thảm họa (CADRE) với tổng số 320 thành viên được thành lập, tập huấn, cung cấp trang thiết bị; 55.000 người dân và 2.063 học sinh tiểu học được trang bị kiến thức về phòng ngừa thiên tai, thảm họa và nâng cao bình đẳng giới;  44 đề xuất tiểu Dự án tại xã và trường học được tài trợ thực hiện với số người hưởng lợi trên 3.500 người dân và 5.000 học sinh; 36 cuộc diễn tập ứng phó với thiên tai, thảm họa được tổ chức với 2.245 người dân và 2,840 học sinh, thầy cô giáo tiểu học tham dự; 48 giáo viên được tập huấn về kiến thức phòng ngừa thiên tai, thảm họa và trường học an toàn và 288 giáo viên được tập huấn sơ cấp cứu; Khung can thiệp lồng ghép giới được xây dựng và triển khai một xuyên suốt tất cả các hoạt động của Dự án.

Đây là buổi hội thảo cuối cùng trước khi dự án khép lại, để những kết quả của dự án được duy trì và phát triển, ông Trần Quốc Hùng - Phó Chủ tịch T.Ư Hội CTĐ Việt Nam cho biết: Các cấp Hội CTĐ ở địa phương sẽ tiếp tục sử dụng nguồn lực sẵn có, phương tiện, cách thức ứng phó với thiên tai khi có sự cố bất ngờ ập đến. Chúng tôi cũng cố gắng vận động các đối tác đưa thêm chương trình, dự án hoặc các hoạt động lên vùng núi phía Bắc để tiếp tục nâng cao nhận thức cộng đồng và cấp uỷ chính quyền về rủi ro thảm hoạ trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang diễn biến phức tạp.