Ngày 15/2, thông tin từ Khoa Chống độc Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An cho biết, bệnh viện này vừa tiếp nhận cấp cứu cho một gia đình 5 người bị ngộ độc do ăn phải nấm có độc.
Theo trình bày của chị Hoàng Thị T. (SN 1980, trú xã Lăng Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An) cho biết, trước đó chị đi làm về thì phát hiện một bụi nấm mọc ven đường. Thấy bụi nấm rất đẹp, giống với nấm mà họ bán ngoài chợ nên chị T. đã hái về nhà nấu ăn.
Sau khi chế biến, 5 người gồm vợ chồng chị T. và 3 con trai đều ăn nấm. Tuy nhiên khoảng 30 phút sau, cả gia đình chị T. bắt đầu xuất hiện triệu chứng đau đầu, chóng mặt, buồn nôn dữ dội.
Gia đình chị T. sau đó được mọi người đưa đi bệnh viện cấp cứu tại khoa Chống độc của Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An.
Sau khi tìm hiểu được biết, chị T. và gia đình đã ăn phải nấm độc Inocybe fastigiata (nấm mũ khía nâu xám).
Thông tin trên Zing, cây nấm gồm hai bộ phận chính: Thể sợi (phần nằm sâu dưới lòng đất) và thể quả (gồm thân nấm, mũ nấm). Bộ phận độc của nấm nằm ở phần thể quả. Một số loài nấm có thể có hàm lượng độc tố thay đổi theo mùa, trong quá trình sinh trưởng (nấm non hay nấm trưởng thành), trong môi trường đất đai thổ nhưỡng khác nhau… Chúng ta có thể gặp trường hợp ăn cùng một loài nấm nhưng có lúc bị ngộ độc, có lúc không.
Đối với nấm có họ hàng gần nhau thường rất khó phân biệt theo hình dạng, màu sắc bên ngoài, ngay cả đối với những người có kinh nghiệm thường hái nấm rừng về ăn. Việc xác định loài nấm chủ yếu phải nghiên cứu đặc điểm hình thái của mũ, phiến, cuống nấm và phân biệt theo đặc điểm của bào tử nấm.
Về phương diện y học, người ta chia nấm độc theo thành phần độc tố có trong chúng hoặc thời gian tác dụng. Ngộ độc nấm có thể xảy ra do người hái lượm xác định nhầm một loài độc là ăn được, mặc dù nhiều trường hợp là cố ý ăn phải.
Hạnh (t/h)