10 Dấu ấn tiêu biểu nhiệm kỳ Đại hội X của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam

Nguyễn Thị Hải Hà
Hội Chữ thập đỏ Việt Nam nhiệm kỳ 2017-2022 đã tiếp tục xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, chuyên nghiệp, đóng vai trò nòng cốt, cầu nối, điều phối trong công tác nhân đạo, tất cả vì người nghèo, người dễ bị tổn thương trong xã hội” . Cùng nhìn lại 10 dấu ấn tiêu biểu nhiệm kỳ Đại hội X của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam.

1. Vận động chính sách, phối hợp liên ngành hiệu quả, thực chất, nhiều chủ trương quan trọng về công tác nhân đạo đã được quyết định: tham mưu tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 43-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng ; tổng kết 10 năm thực hiện Luật hoạt động chữ thập đỏ; triển khai "Tháng nhân đạo" (Thí điểm từ 2018-2020; chính thức từ 2021 ); Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Điều lệ Hội Chữ thập đỏ Việt Nam và ban hành Chỉ thị số 18/CT-TTg .Tháng 12 năm 2018, đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhận làm Chủ tịch danh dự Hội Chữ thập đỏ Việt Nam. Ở địa phương, hầu hết các đồng chí lãnh đạo chủ chốt các cấp nhận làm Chủ tịch danh dự Hội .Trung ương Hội tiếp tục ký kết và triển khai chương trình phối hợp với gần 20 cơ quan, tổ chức và hàng chục đối tác trong nước và ngoài nước, ngày càng khẳng định vị thế, uy tín và vai trò nòng cốt, cầu nối trong công tác nhân đạo.
2. Hệ thống tổ chức của Hội tiếp tục được củng cố và duy trì ổn định ở tất cả 63/63 tỉnh, thành phố, 705 quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc cấp tỉnh, 11.925 xã, phường và tương đương; việc thu hút, phát triển hội viên, tình nguyện viên Chữ thập đỏ được quan tâm, thực chất, tạo nên sức sống của tổ chức Hội; đội ngũ cán bộ Hội các cấp từng bước được tinh gọn, nỗ lực vượt khó, nhiệt huyết sáng tạo, cống hiến không ngừng là nhân tố quyết định thành tựu của Hội trong nhiệm kỳ Đại hội X.
3. Đánh dầu 10 năm triển khai hiệu quả các phong trào, cuộc vận động, chương trình, dự án lớn. Trong nhiệm kỳ, toàn Hội tổng kết 10 năm: Phong trào hiến máu tình nguyện (2008-2017) , Cuộc vận động “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo” (2008-2018) , Phong trào “Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam” (2009-2018) , Dự án“Ngân hàng bò” (2010-2020) , đặc biệt, Ban Chấp hành Trung ương Hội ban hành Chiến lược Phát triển Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó xác định rõ nhiệm vụ then chốt; nhiệm vụ nền tảng, có tính chi phối cao; nhiệm vụ đột phá, tạo định hướng quan trọng cho công tác Hội và phong trào Chữ thập đỏ trong những năm tới theo hướng sát nhu cầu đối tượng, chuyên nghiệp, hiệu quả.

1pho-chu-tich-tong-thu-ky-hoi-ctdvn-nguyen-hai-anh-ho-tro-bo-dung-cu-sua-nha-cho-ba-con-vung-thien-tai-1660897529.JPG
Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hội Chữ thập đổ Việt Nam Nguyễn Hải Anh hỗ trợ bộ dụng cụ sửa nhà cho bà con vùng thiên tai.

4. Hội chủ trì tham mưu và tổ chức thành công “Tháng Nhân đạo”- Tháng cao điểm vận động nguồn lực thực hiện các nhiệm vụ nhân đạo vào tháng 5 hằng năm, thiết thực chào mừng sinh nhật Chủ tịch Hồ Chí Minh, kỷ niệm Ngày Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế với kết quả năm sau cao hơn năm trước , thu hút ngày càng nhiều cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm và các tầng lớp nhân dân tham gia.
5. Tích cực tham gia hoạt động phòng, chống đại dịch COVID-19 năm 2020-2022, các cấp Hội đã có nhiều sáng kiến tổ chức thành công các hoạt động Kết nối cộng đồng – vượt qua thử thách, Hỗ trợ lao động ngoại tỉnh, lao động từ các vùng dịch trở về địa phương mất thu nhập do ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID – 19; chương trình túi hàng gia đình…hỗ trợ các tỉnh, thành bị ảnh hưởng bởi đại dịch…; đã tặng hơn 17 triệu khẩu trang, hơn 2 triệu bánh/chai xà phòng, dung dịch sát khuẩn, hơn 235.000 bộ quần áo chống dịch cùng hàng ngàn tấn hang hóa thiết yếu với tổng giá trị đạt gần 1.022 tỷđồng.
6. Chủ động và sẵn sàng triển khai các hoạt động phòng ngừa và ứng phó thảm họa. Ban Chấp hành Trung ương Hội 03 lần ra Lời kêu gọi ủng hộ nhân dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai (hạn hán, xâm nhập mặn ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long năm 2017, mưa lũ tại các tỉnh miền Trung năm 2019, 2020) cùng nhiều hoạt động tham gia xây dựng cộng đồng an toàn trên phạm vi toàn quốc; đã vận động được 1.610 tỷ đồng, trợ giúp hơn 5,1 triệu lượt người – là mức trợ giúp cao nhất từ trước đến nay trong lĩnh vực này.

3dien-tap-so-cap-cuu-tren-bien-tai-tinh-nghe-an-1660897355.jpg
Diễn tập sơ cấp cứu trên biển tại Nghệ An.


7. Lần đầu tiên, toàn Hội phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan luôn đảm bảo nguồn người hiến máu an toàn, sẵn sàng hiến máu khi cần, kể cả ở thời điểm đỉnh cao của đại dịch COVID-19. Đặc biệt, nhân dịp kỷ niệm 20 năm Ngày toàn dân Hiến máu tình nguyện (07/4/2000 - 07/4/2020) Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng gửi Thư kêu gọi, động viên đồng bào, đồng chí và chiến sỹ cả nước tham gia hiến máu tình nguyện; một số địa phương đã lồng ghép hiệu quả tuyên truyền về hiến máu với hiến mô, bộ phận cơ thể người. Đến nay, tỷ lệ tham gia hiến máu tình nguyện của Việt Nam đạt 1,5% dân số, tăng gần 0,3% so với đầu nhiệm kỳ.

phu-tho-1660893473.jpeg
Người dân tham gia HMTN tại Phú Thọ.


8. Hợp tác quốc tế trong lĩnh vực nhân đạo có bước phát triển theo chiều sâu, mối quan hệ hợp tác với các đối tác trong và ngoài phong trào Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế ngày càng đi vào thực chất. Đăng cai tổ chức thành công Hội nghị các nhà lãnh đạo Hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc gia khu vực Đông Nam Á năm 2017, 2020; vận động, chỉ đạo thực hiện 88 dự án và một số hoạt động phi dự án quốc tế với tổng kinh phí gần 280 tỷ đồng; phát triển quan hệ hợp tác với các Hội quốc gia láng giềng; các hoạt động hợp tác trong lĩnh vực nhân đạo của các tỉnh Hội có chung đường biên giới, các tỉnh/ thành có quan hệ hợp tác hữu nghị đem lại một số kết quả ; tham gia hiệu quả một số cơ chế điều phối của Phong trào trong phòng chống đại dịch COVID-19. Lần đầu tiên Hội Chữ thập đỏ Việt Nam tổ chức Đoàn cứu trợ nhân dân nước bạn Lào bị ảnh hưởng do sự cố vỡ đập thủy điện tại tỉnh A-tô-pưi và tặng quà Việt kiều nghèo khu vực Biển Hồ Cam-pu-chia.
9. Trung ương Hội đã xây dựng và ban hành tài liệu, chương trình đào tạo, tập huấn, áp dụng công nghệ thông tin trong đào tạo, tập huấn cán bộ về các lĩnh vực hoạt động chữ thập đỏ. Đặc biệt, tài liệu, chương trình huấn luyện kỹ năng sơ cấp cứu đã được Bộ Y tế phê duyệt , tạo tiền đề quan trọng nâng cao tính chuyên nghiệp, thống nhất, đồng bộ trong hoạt động của toàn hệ thống Hội.
10. Tổng trị giá hoạt động nhiệm kỳ Đại hội X của toàn Hội đạt 23.128 tỷ đồng - là thành tích cao nhất từ trước đến nay (gấp hơn 2,36 lần tổng trị giá hoạt động nhiệm kỳ Đại hội IX); tỷ suất hoạt động đạt trung bình 10,3 lần), trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy giảm nghiêm trọng vì đại dịch COVID-19, thiết thực trợ giúp trung bình hằng năm gần 18 triệu lượt người có hoàn cảnh khó khăn, người bị tổn thương, mang ý nghĩa giáo dục và nhân văn sâu sắc, góp phần thực hiện chính sách an sinh xã hội của Đảng, nhà nước, được các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân ghi nhận, đánh giá cao.

NQ