Cùng dự Hội nghị có: Đại tá Nguyễn Văn Minh - Trưởng phòng Dân vận, Cục Chính trị Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng; Ông Nghiêm Tuấn Anh - Phó trưởng Ban Tuyên giáo truyền thông Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam, các nhà tài trợ và lãnh đạo ban Công tác Xã hội - Quản lý Thiên tai, Ban Chăm sóc sức khoẻ Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam.
Phát biểu khai mạc tại Hội nghị, ông Trần Quốc Hùng - Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam cho biết: Trong 5 năm (2022-2027) Chương trình “Dinh dưỡng cho trẻ em nghèo, khuyết tật” kỳ vọng sẽ giúp 1 triệu trẻ em ở khu vực miền núi phía Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, vùng bãi ngang, hải đảo… được hỗ trợ dinh dưỡng, cải thiện khẩu phần ăn; Hỗ trợ xây dựng và vận hành mô hình “Bếp sạch – Cơm ngon” tới 250 điểm trường bán trú, nội trú tại 250 xã khó khăn vùng núi, biên giới; Giúp 4 triệu người chăm sóc trẻ tại các tỉnh, thành phố được tiếp cận kiến thức, kỹ năng về an toàn thực phẩm và dinh dưỡng đầy đủ cho trẻ em; Cuối cùng là hình thành chuỗi cung ứng thực phẩm thông qua việc vận động các cửa hàng, quán ăn tham gia vào hoạt động chia sẻ thực phẩm an toàn.
Bà Phạm Thị Quyên – Chuyên viên Ban Chăm sóc sức khỏe Hội Chữ thập đỏ Việt Nam chia sẻ: Với tổng kinh phí dự kiến trên 47 tỷ đồng, chương trình sẽ phân bổ theo 2 giai đoạn, giai đoạn thí điểm diễn ra từ tháng 6/2022 – 5/2023, còn giai đoạn nhân rộng kéo dài trong 4 năm từ tháng 6/2023-5/2027.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã thảo luận, chia sẻ về các phương pháp vận động nguồn lực, vận động chính sách, cách làm hay tại đơn vị, tham gia góp ý về dự thảo kế hoạch Chương trình, phân bổ nguồn kinh phí…Đại tá Nguyễn Văn Minh - Trưởng phòng Dân vận, Cục Chính trị Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng đánh giá cáo những nội dung, ý nghĩa của Chương trình “Dinh dưỡng cho trẻ em nghèo, khuyết tật” của Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam. Những năm qua được sự quan tâm của Đảng nhà nước, đời sống bà con khu vực biên giới ngày càng tốt hơn. Tuy nhiên do đặc thù môi trường sống mà bà con, các em khu vực biên giới, miền núi còn nhiều khó khăn. Thấu hiểu khó khăn của con em vùng khó khăn, những năm qua lực lượng Biên phòng đã tổ chức các chương trình như: Học kỳ quân đội, nâng bước em đến trường, con nuôi bộ đội Biên phòng, bữa sáng cho em… Các Chương trình đã thu hút đông đảo sự quan tâm của xã hội, nhưng chúng tôi – những người lính có nhiệm vụ chính là bảo vệ Tổ quốc nên phương diện chăm sóc các cháu chúng tôi rất muốn được đồng hành cùng Hội.
Ông Minh đề xuất đưa thêm cán bộ, lực lượng Biên phòng mô hình “Nâng bước em đến trường” là đối tượng tham gia cùng Chương trình ở nội dung 4 triệu người chăm sóc trẻ tại các tỉnh, thành phố được tiếp cận kiến thức, kỹ năng về an toàn thực phẩm và dinh dưỡng đầy đủ cho trẻ em.
Ông Nghiêm Tuấn Anh - Phó trưởng Ban Tuyên giáo truyền thông Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam chia sẻ: Bưu điện Việt Nam đã có Chương trình “Bưu điện Việt Nam cùng em đến trường”, nhưng khi biết về thông tin Chương trình “Dinh dưỡng cho trẻ em nghèo, khuyết tật” chúng tôi rất mong muốn có thể đồng hành cùng Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam thông qua việc kết nối thông tin về các hoàn cảnh cần trợ giúp. Ngoài ra, chúng tôi rất muốn học hỏi thêm từ mô hình “Bếp sạch – Cơm ngon” của Trung ương Hội về tài trợ thêm cơ sở vật chất, cung cấp thực phẩm cho các bếp ăn vùng cao.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam Trần Quốc Hùng ghi nhận những ý kiến đóng góp của đại diện các đơn vị, nhà tài trợ, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam sẽ tổng hợp các ý kiến, phối hợp chặt chẽ với ban, ngành để triển khai Chương trình trong thời gian sớm nhất.