Trong đó, tại huyện Châu Thành bị vỡ bờ bao và ngập ao tôm của 179 hộ dân với tổng diện tích hơn 20 ha tại các xã Long Hòa, Hòa Minh, Phước Hảo, Hòa Thuận, thiệt hại hơn 1,5 tỷ đồng. Ngoài ra, một số diện tích hoa màu, cây ăn trái cũng bị ảnh hưởng.
Khắc phục sự cố sạt lở đê bao hôm mùng 4 Tết. |
Tại huyện Cầu Kè bị vỡ 11 đoạn bờ bao ven sông Hậu, gây ngập hơn 110 ha vườn cây ăn trái của 223 hộ dân ở các xã Ninh Thới, Hòa Tân, An Phú Tân… Địa phương đã huy động lực lượng công an, quân sự… và vật tư, phương tiện của người dân khắc phục, gia cố bờ bao, tôn cao những đoạn xung yếu.
Còn tại huyện Trà Cú có 5 đoạn đê bao bị vỡ, gây thiệt hại 36 ha mía và lúa, ảnh hưởng đến 10 căn nhà ở khu dân cư Trà Cú C. Ngoài ra, sạt lở gây ngập nhà 6 hộ dân tại xã Lưu Nghiệp Anh… Tại các địa phương khác như huyện Cầu Ngang, huyện Duyên Hải, thị xã Duyên Hải cũng ghi nhận thiệt hại về hoa màu, thủy sản…
Tại thành phố Trà Vinh bị sạt lở, sụp lún 4 đoạn đường bê tông với chiều dài 50 m ở xã Long Đức làm nước tràn vào nhà dân. Hàng chục cán bộ, chiến sĩ thuộc lực lượng quân đội được huy động cùng cán bộ, dân quân địa phương gia cố tạm thời cho phương tiện và người dân qua lại…
Trước tình hình trên, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các địa phương kết hợp với lực lượng quân sự và nhân dân địa phương đã tổ chức khắc phục tạm thời để bà con ổn định cuộc sống, đồng thời tiếp tục thực hiện các biện pháp gia cố để bảo đảm an toàn cho nhân dân sản xuất.
Cũng trong những ngày Tết Nguyên đán 2023, trên địa bàn tỉnh Trà Vinh có 87 lượt hộ nuôi tôm nước lợ bị thiệt hại, với diện tích hơn 28 ha, số lượng gần 10 triệu con giống. Nguyên nhân là ảnh hưởng của mưa trái mùa cùng không khí lạnh tăng cường làm cho nhiệt độ môi trường không ổn định. Tôm bị thiệt hại ở giai đoạn 25-75 ngày tuổi, đa số có dấu hiệu của bệnh đốm trắng, đỏ thân…