“Tuyển gấp 10 công nhân đến xưởng đóng gói bánh kẹo, lương 300.000 đồng/ngày”, “Số lượng tỏi về nhiều cần 50 người bóc tỏi, nhân công 20.000 đồng/kg”, “Bên mình cần tuyển 50 công nhân cắt mác tại nhà”…
Đó là những dòng tuyển dụng liên tục được đăng vào nhóm “Người thất nghiệp – Tìm việc làm” với 160.000 thành viên. Bên dưới mỗi bài đăng, hàng chục, hàng trăm người vào bình luận mong muốn được nhận việc để kiếm thu nhập.
Theo số liệu của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, từ tháng 9 đến tháng 11, hơn 631.300 lao động ở 28 tỉnh, thành phố, chủ yếu ở phía Nam bị ảnh hưởng. Trong đó, gần 570.000 người bị giảm giờ làm, hơn 34.500 bị cắt giảm và trên 31.000 trường hợp nghỉ không lương hoặc bị tạm hoãn hợp đồng. Ngành nghề bị ảnh hưởng nhiều nhất là chế biến gỗ, dệt may, da giày, điện tử, thực phẩm, dịch vụ, du lịch...
Đếm ngược chỉ còn 38 ngày là người dân đón Tết Quý Mão 2023. Thế nhưng, thời điểm này, hàng nghìn người lao động khắp cả nước đang không biết xoay xở thế nào để có tiền chi tiêu sinh hoạt, trước khi mong có một cái Tết ấm no.
Chung tay giữa cơn khó
Sau khi Công ty TNHH May Sun Kyoung Việt Nam ở quận 12 dừng hoạt động, ông Nguyễn Tiến (44 tuổi, ngụ phường Hiệp Thành, quận 12) cùng hơn 800 công nhân đi tìm công việc mới. Ông may mắn được Công ty Sản xuất giày Thiên Lộc (quận 12) tiếp nhận.
Ông Hà Quang Tuyến, Chủ tịch Công đoàn Công ty Thiên Lộc, cho biết khi công ty nhận thông tin từ Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội quận 12 về việc hơn 800 công nhân thất nghiệp vì doanh nghiệp giải thể, phòng đề nghị các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển mới xem xét ưu tiên tuyển các lao động vừa bị cắt giảm.
Công ty Thiên Lộc là một trong 5 doanh nghiệp trên địa bàn quận 12 đăng ký tiếp nhận công nhân từ Công ty May Sun Kyoung.
Giữa làn sóng cắt giảm lao động, để kết nối với doanh nghiệp giúp đỡ công nhân mất việc, Trung tâm Dịch vụ việc làm TP.HCM (thuộc Sở Lao động Thương binh và Xã hội TP.HCM) đã giới thiệu việc làm cho những công nhân mất việc có nhu cầu tìm việc mới.
Trong dãy nhà trọ lụp xụp ở quận 12, chị Minh Thư (quê Cà Mau) khoe vừa được nhận vào làm việc tại Công ty Cổ phần Thực phẩm Thiên Hương ở trên địa bàn. Đó là nhờ “mai mối” của Trung tâm Dịch vụ việc làm TP.HCM ngay khi Công ty TNHH Việt Nam Samho (Củ Chi) - nơi chị gắn bó 2 năm - chuẩn bị cắt giảm lao động.
Người phụ nữ không giấu được sự vui mừng, dù mức lương ở công ty mới không bằng ở công ty cũ vì không có thâm niên. "Bây giờ có việc làm là đã may mắn lắm rồi. Đồng nghiệp của tôi rất nhiều người vẫn còn chạy đi tìm việc. Cận Tết nhiều nỗi lo, mong sao ai cũng có việc làm để trang trải", chị Thư tâm sự.
Công nhân đọc tờ rơi tuyển dụng để tìm công việc mới. Ảnh: Ngọc Trang. |
Ở quận Tân Bình, Trung tâm Dịch vụ việc làm TP.HCM cũng đã giới thiệu cho nhiều công nhân đến tuyển dụng tại Công ty TNHH May thêu giày An Phước. Hiện An Phước đang có nhu cầu tuyển mới hơn 500 công nhân cho các nhà máy ở nhiều địa bàn quận 5, Khu công nghiệp Tân Bình, huyện Bình Chánh, Hóc Môn.
Tại Công ty TNHH Việt Nam Samho, có 770/1.083 người được giới thiệu việc làm mới. Riêng 313 lao động còn lại không có nhu cầu tìm kiếm việc làm.
Đối với công ty ở Bình Tân đã cắt giảm 1.178 công nhân, Trung tâm Dịch vụ việc làm TP.HCM chuẩn bị giới thiệu họ xuống 6 công ty khác. 6 công ty này có nhu cầu tuyển dụng 6.640 người lao động. Số cần tuyển nhiều hơn số đã bị chấm dứt hợp đồng lao động.
Tính đến hết tháng 10, Trung tâm Dịch vụ việc làm TP.HCM đã giải quyết 156.600 lượt người cần việc làm, trong đó có 64.966 người đã có việc làm mới. Riêng trong 2 tháng 10-11, trung tâm giới thiệu 15.693 lượt, số người đã nhận việc mới là 5.880.
Ngày 12/12, Tập đoàn quốc tế Pouchen có hơn 130.000 lao động tại Việt Nam cũng có văn bản thông báo thưởng Tết 2023 cho toàn bộ công nhân, dao động 1-2,2 tháng lương.
Phía tập đoàn cho biết từ đầu năm đến nay, nền kinh tế dần hồi phục nên hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty cũng đang trở lại bình thường. Tuy nhiên, gần đây do sức tiêu thụ của thị trường toàn cầu giảm mạnh đã ảnh hưởng đến đơn hàng của các ngành sản xuất bị thu hẹp và đối mặt với nguy cơ suy thoái kinh tế.
Lãnh đạo tập đoàn này dự báo năm 2023 còn nhiều thách thức, mong người lao động tiếp tục gắn bó với các nhà máy.
Bảo vệ người lao động
HĐND TP.HCM kỳ 8 khóa X, ông Lê Văn Thinh, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, cho biết tạm thời tình hình doanh nghiệp TP.HCM chưa có biến động mới.
Sở đã chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm tổ chức 121 phiên, sàn giao dịch việc làm để kết nối cung, cầu lao động và giải quyết việc làm cho 315.000 lượt lao động.
Riêng trường hợp Công ty Ta Shuan (quận Bình Tân) nợ bảo hiểm xã hội 7 tỷ đồng, công nhân chưa được hưởng trợ cấp thất nghiệp, Sở LĐ-TB&XH cho biết đang yêu cầu công ty có kế hoạch cụ thể. Nếu Công ty Ta Shuan không trả, trước tiên Sở LĐ-TB&XH sẽ xử phạt hành chính.
Trước biến động tình hình việc làm tại TP.HCM, Sở LĐ-TB&XH đã tiến hành kiểm tra, thanh tra nhiều công ty thì phát hiện nhiều đơn vị nợ BHXH. Sở đã làm việc nhưng một số công ty vẫn không thực hiện, cuối tháng 11, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH đã ký hồ sơ chuyển hơn 30 hồ sơ qua điều tra viên.
Theo ông Thinh, việc công ty nợ BHXH ảnh hưởng đến quyền lợi người lao động. Khi ảnh hưởng sẽ xảy ra tranh chấp. Thế mạnh của người lao động chỉ có một thế duy nhất là tập hợp người lại nhưng điều này không được phép.
Chính vì vậy, Sở LĐ-TB&XH sẽ bảo vệ người lao động bằng pháp luật, yêu cầu doanh nghiệp thực hiện đúng pháp luật lao động và luật bảo hiểm.
Chị Thùy Trang - một trong số hàng nghìn lao động mất việc tại TP.HCM. Ảnh: Ngọc Trang. |
Đại diện Sở LĐ-TB&XH cho hay các doanh nghiệp đang thực hiện theo cơ chế thị trường, khi không có đơn hàng, hợp đồng thì chủ doanh nghiệp buộc phải cắt giảm. Đây là chuyện bình thường trong kinh doanh.
Tuy nhiên, việc bình thường gây ảnh hưởng đến việc làm và thu nhập của công nhân thì sở sẽ có trách nhiệm yêu cầu doanh nghiệp đưa ra phương án giải quyết đúng pháp luật và giám sát việc thực hiện này.
Bên cạnh đó, các cơ quan Nhà nước, đoàn thể sẽ vận động, hỗ trợ thêm cho công nhân.
Không chỉ ở TP.HCM, lao động ở các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, An Giang, Tiền Giang... cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Hàng chục nghìn người mất việc do nhà máy thiếu đơn hàng; thậm chí, có chủ doanh nghiệp như Công ty TNHH May mặc Minh Giang (phường Tam Hiệp, TP Biên Hòa, Đồng Nai) đã tháo chạy, bỏ lại khoản nợ lương công nhân.
Sau 2 năm kiệt quệ vì dịch Covid-19, những tưởng người lao động sẽ có thể dồn lực làm việc để có một cái Tết ấm no. Song, với tình hình hiện tại, chỉ mong nỗ lực từ các doanh nghiệp, cơ quan, đoàn thể sẽ giúp hàng nghìn người không còn phải chạy ngược xuôi để tìm việc.