Nhưng đây chỉ là ước tính. Sự thực là không có cách nào để biết chính xác có bao nhiêu người đang sống trên thế giới ở một thời điểm nhất định. Có thể dân số thế giới đạt 8 tỷ người trước hoặc sau vài tuần, thậm chí vài tháng, so với ngày 15/11.
Liên Hợp Quốc thừa nhận sai số vào khoảng 2-3%, tương đương khoảng 150-225 triệu người. Chỉ riêng sai số này đã lớn gấp đôi dân số Việt Nam. Tuy nhiên, ước tính của UNPD là chính xác nhất có thể, dựa trên một lượng lớn dữ liệu.
Theo một nhà phân tích của UNPD, cơ quan này ước tính số người thế giới dựa trên dữ liệu mức sinh và tỷ lệ tử vong từ nhiều nguồn khác nhau. Các nguồn bao gồm điều tra dân số và hồ sơ khai sinh, khai tử của các chính phủ, các cuộc điều tra nhân khẩu học và sức khỏe độc lập, dữ liệu của Tổ chức Y tế Thế giới, dữ liệu Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn.
Những khoảng trống dữ liệu
Cần lưu ý dữ liệu điều tra dân số của các chính phủ thường có sai số lớn, trong khoảng từ 2-3% ở hầu hết quốc gia, nhà phân tích yêu cầu giấu tên, làm việc cho UNPD chia sẻ với Livescience. Đối với một quốc gia tỷ dân như Trung Quốc, sai số có thể lên đến 40-60 triệu người.
Ở nhiều quốc gia đang phát triển, hệ thống khai sinh và khai tử không đủ bao quát toàn bộ dân số, có các ca sinh và ca tử vong không được ghi nhận chính thức. Và các cuộc điều tra của các nước này thường không đến được các khu vực khó tiếp cận, bỏ qua một lượng lớn dân.
Những cậu bé người Syria tại một trại dành cho người Syria di tản, ở làng Atmeh, Syria, tháng 12/2012. Ảnh: Newint. |
Một yếu tố quan trọng khác, thường không được ghi nhận trong các tài liệu chính thức, là các cuộc khủng hoảng di cư và tị nạn. Các sự kiện này làm giảm dân số ở một quốc gia và làm tăng dân số một quốc gia khác.
Trong một số trường hợp, số người di cư có thể lên tới hàng triệu. Ví dụ, năm 1979, có khoảng 6,3 triệu người chuyển từ Afghanistan đến Pakistan và Iran. Năm 2011, có khoảng 12 triệu người chuyển từ Syria sang Thổ Nhĩ Kỳ, Liban, Jordan và Tây Âu.
Vì vậy, cần có dữ liệu từ các tổ chức độc lập bù đắp vào các khoảng trống này.
"Ngoài ra ở một số vùng, dữ liệu điều tra dân số rất hạn chế, điều tra thiếu sót hoặc thậm chí không có điều tra trong nhiều thập kỷ", nhà phân tích cho biết.
Mỹ và Vương quốc Anh thực hiện điều tra dân số quốc gia có độ chính xác cao 10 năm một lần. Trong khi đó, Ý đã không có một cuộc điều tra dân số nào kể từ năm 2000 và Đức thì từ năm 1987. Ngoài ra ở nhiều khu vực bị chiến tranh tàn phá, cũng rất khó điều tra dân số một cách chính xác.
27 tỷ người vào năm 2100
Dựa trên dữ liệu từ các quốc gia, UNPD đưa ra tỷ lệ tăng trưởng dân số ở từng độ tuổi ở mỗi quốc gia, từ đó xác định xu hướng tăng tổng thể của dân số thế giới theo thời gian.
Liên Hợp Quốc ước tính sau khi đạt mốc 8 tỷ người vào năm nay, dân số thế giới sẽ lên đến 10 tỷ người vào năm 2100.
Theo một ước tính đăng trên Tạp chí Khoa học Xã hội của Trung Quốc, dân số nước này đã đạt đỉnh vào năm 2021 và bắt đầu suy giảm. Ảnh: CNN. |
"Tuy nhiên ước tính này dựa trên một loạt các điểm dữ liệu có thể thay đổi", nhà phân tích lưu ý. Chẳng hạn, UNPD giả định rằng người dân ở các nước đang phát triển, mức sinh cao sẽ sinh ít con hơn trong tương lai, dựa trên kinh nghiệm từ các quốc gia khác. Vì thế rất khó chỉ ra một kịch bản duy nhất cho số người trên thế giới trongtương lai.
Nếu mức sinh trên thực tế ở các nước không giảm mà giữ nguyên mức như năm 2010, thế giới sẽ có 27 tỷ người vào năm 2100, theo nhà phân tích.
Chuyên gia này cũng cho biết tất cả lượng gia tăng dân số thế giới từ nay đến cuối thế kỷ sẽ diễn ra ở châu Phi, không phải châu Á.
Dữ liệu Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc công bố đầu năm nay cho thấy dân số nước này bước vào thời kỳ suy giảm. Tỷ lệ sinh ở châu Á dao động quanh mức 1,6 ca sinh trên một phụ nữ. Trong khi đó, châu Phi vẫn còn nhiều quốc gia có mức sinh cao, lên đến 5 ca sinh trên một phụ nữ.