Nộp 148 triệu đồng, Tina Duong có được giảm nhẹ trách nhiệm hình sự?

Nguyễn Diệp Linh
Theo luật sư, Ninh Thị Vân Anh (Tina Duong) có thể được xem xét áp dụng tình tiết giảm nhẹ, kể cả khi bị hại từ chối số tiền bồi thường này.

Theo Công an TP Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận), trước khi bị khởi tố và bắt tạm giam về tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, Ninh Thị Vân Anh (tức Tina Duong, 27 tuổi, quê Bắc Giang) đã nộp 148 triệu đồng khắc phục hậu quả. Trong vụ án này, Vân Anh được xác định chiếm đoạt một ôtô có giá trị hơn 774 triệu đồng, theo kết quả thẩm định của Hội đồng định giá tài sản TP Phan Thiết.

Sau khi chiếm đoạt phương tiện, bị can bán lại cho một người ở Hà Nội với giá 450 triệu đồng và đã nhận 390 triệu đồng. Theo công an, Vân Anh không còn khả năng trả số tiền trên.

Với việc chủ động nộp tiền khắc phục hậu quả, bị can có thể được hưởng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự không?

Tina Duong nop 148 trieu anh 1

Chiếc ôtô Vân Anh chiếm đoạt được định giá hơn 774 triệu đồng. Ảnh: T.T.

Theo luật sư Dương Đức Thắng (Phó giám đốc Công ty Luật Myway), Điều 51 Bộ luật Hình sự 2015 quy định các trường hợp người phạm tội được giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Trong đó, có trường hợp "người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả" theo quy định tại điểm b, khoản 1. Việc bồi thường dựa trên nguyên tắc người phạm tội bồi thường, khắc phục hậu quả cho người bị hại.

Trong vụ án này, bị hại được xác định là ông L.K.D. (chủ nhân chiếc xe, ở Đồng Tháp) còn tài sản thiệt hại là ôtô có giá trị 778 triệu đồng. Như vậy, Vân Anh có nghĩa vụ hoàn trả chiếc xe, thanh toán khấu hao cùng các thiệt hại khác của xe (nếu có) cho ông D. hoặc bồi thường số tiền tương đương giá trị ôtô nếu không thể hoàn trả phương tiện cho chủ sở hữu.

Trường hợp phía bị hại từ chối, việc áp dụng tình tiết giảm nhẹ có thể thực hiện theo quy định tại Nghị Quyết 01/2016/NQ-HĐTP của TAND Tối cao.

Theo đó, bị can có thể làm đơn và xin nộp số tiền đó cho cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan thi hành án, chứng minh việc mình đã tự nguyện bồi thường bằng cách cung cấp các hóa đơn, chứng từ hoặc chứng minh mình đã chuẩn bị tiền và sẵn sàng bồi thường khi có yêu cầu. Khi đó, bị can vẫn có thể được áp dụng tình tiết giảm nhẹ theo Điều 51 Bộ luật Hình sự 2015.

Đối với số tiền này, trong trường hợp bị hại từ chối hoặc sau khi đối trừ hết các nghĩa vụ bồi thường nhưng còn dư, số tiền này sẽ được trả lại cho bị can. Trường hợp còn thiếu, bị can có nghĩa vụ nộp thêm tiền để hoàn thành nghĩa vụ bồi thường.

Với kinh nghiệm từng tham gia nhiều vụ án hình sự trong vai trò kiểm sát viên và hiện là luật sư, ông Thắng cho biết hiện chưa có quy định cụ thể về số tiền bồi thường cần thiết để được áp dụng tình tiết này. Còn trên thực tế, tình tiết giảm nhẹ theo quy định tại khoản 1, Điều 51 Bộ luật Hình sự 2015 sẽ được áp dụng khi bị can/bị cáo chủ động bồi thường, khắc phục thiệt hại ít nhất 1/2 giá trị tài sản trong vụ án.

Trường hợp chưa đủ giá trị, cơ quan tiến hành tố tụng có thể áp dụng quy định tại khoản 2 Điều 51. Theo đó, thẩm phán vẫn có thể coi việc Vân Anh chủ động bồi thường là tình tiết giảm nhẹ khi quyết định hình phạt, nhưng phải ghi rõ lý do giảm nhẹ trong bản án.

Bình luận về số tiền 390 triệu đồng từ hành vi bán xe, ông Thắng cho biết giao dịch giữa Vân Anh và người mua là bất hợp pháp, có dấu hiệu của tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tuy nhiên, người này không phải bị hại trong vụ án Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, nên sẽ không được hưởng số tiền bồi thường của Vân Anh trong vụ án này.

Theo Zing News