Xác định muốn thoát nghèo phải thay đổi tư duy phát triển kinh tế nên anh Giàng A Cheo ở bản Cồ Dề Sang B, xã Lao Chải, huyện Mù Cang Chải đã dành nhiều thời gian để nghiên cứu, tìm hiểu về giống lợn rừng. Qua tìm hiểu cho thấy đây là loài vật dễ nuôi, thức ăn chủ yếu là các phụ phẩm nông nghiệp nên năm 2021 anh Giàng A Cheo quyết định đầu tư 200 triệu đồng để xây dựng chuồng trại và mua giống lợn rừng về nuôi.
Để đàn vật nuôi phát triển tốt, ngoài chủ động về nguồn thức ăn, anh còn dành nhiều thời gian để tìm hiểu về kỹ thuật chăn nuôi. Tuy nhiên, do mới nuôi lần đầu nên cũng không tránh khỏi việc lợn bị dịch bệnh. Không nản chí, anh Cheo tiếp tục học hỏi thêm kinh nghiệm để việc chăn nuôi đạt hiệu quả. Hiện nay, gia đình anh Cheo có hơn 50 con lợn rừng và lợn rừng lai. Anh Giàng A Cheo tâm sự: “Cũng có thời gian nuôi lợn đen bản địa lâu rồi, với lại là người dân vùng cao nếu không nuôi lợn thì khi có công có việc lại phải ra chợ mua, vì thế tôi quyết định tìm hiểu và mua giống lợn rừng này về nuôi. Mới nuôi nên thị trường tiêu thụ sản phẩm lợn rừng chưa có, tuy nhiên tôi sẽ nuôi tầm 5 - 6 lợn nái cùng với lợn nái địa phương để vừa bán lợn con và vừa bán cả lợn thịt khi người dân có nhu cầu”.
Lao Chải là xã có diện tích rộng và đông dân nhất nhì của huyện Mù Cang Chải, trong đó chủ yếu là đồng bào Mông sinh sống. Những năm qua, xã Lao Chải đã được thụ hưởng nhiều chương trình, chính sách về xóa đói, giảm nghèo, chủ yếu là các dự án hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất, đa dạng sinh kế và nhân rộng các mô hình giảm nghèo, tín dụng ưu đãi cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo, giải quyết việc làm và dạy nghề… Nhờ vậy, bộ mặt nông thôn ở Lao Chải đã có nhiều đổi thay, hệ thống đường giao thông đã cơ bản được kiên cố đến từng bản. Từ nguồn hỗ trợ cây, con giống nhiều hộ gia đình đã thoát nghèo, vươn lên phát triển kinh tế thành mô hình trồng trọt, chăn nuôi đem lại hiệu quả kinh tế cao. Hiện nay, trên địa bàn xã Lao Chải đã có 23 mô hình kinh tế cho hiệu quả cao trong đó có 8 mô hình chăn nuôi trâu, bò với quy mô 10 con trở lên và 15 mô hình nuôi lợn từ 20 con trở lên. Đây là những mô hình phát triển kinh tế điểm của xã để bà con đến học tập và làm theo để phát triển kinh tế cho gia đình. Ông Giàng A Vàng - Bí thư Đảng ủy xã Lao Chải cho biết. “Lao Chải là xã đông dân nên hiện nay tỷ lệ hộ nghèo của xã chiếm 50%. Để hỗ trợ người dân phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, xã đã có kế hoạch để mỗi bản xóa 10 hộ nghèo và toàn xã sẽ có 83 hộ thoát nghèo. Để đạt được mục tiêu này, ngoài sự hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, chúng tôi đã vận động các đoàn thể, các tổ chức, các nhà hảo tâm, doanh nghiệp cùng hỗ trợ làm nhà ở, khai hoang ruộng giúp người dân có đất sản xuất, ổn định cuộc sống”.
Những năm qua, cũng nhờ sự quan tâm hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, xã Dế Xu Phình, huyện Mù Cang Chải đã có nhiều hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn được tiếp cận các nguồn vốn, để mua cây, con giống. Từ sự hỗ trợ này, xã đã tuyên truyền, vận động người dân thay đổi hình thức canh tác, chú trọng đến việc đầu tư thâm canh những cây trồng mới phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương. Từ đó, tạo sự chuyển biến trong sản xuất nông nghiệp giúp người dân tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo bền vững. đặc biệt là đối với các hộ gia đình được hỗ trợ theo Nghị quyết 69 của HĐND tỉnh như: Gia đình anh Vàng A Páo ở bản Dế Xu Phình, sau khi được hỗ trợ đã đầu tư xây dựng chuồng trại để chăn nuôi lợn. Từ nuôi lợn, trồng lúa, ngô mỗi năm gia đình anh Páo có nguồn thu ổn định 200 triệu đồng/năm. Anh Vàng A Páo phấn khởi chia sẻ: “Trong thời gian tới nếu có thêm vốn tôi sẽ mở rộng khu vực chăn nuôi của gia đình để tăng thêm thu nhập, đồng thời vận động người dân trong bản cùng làm để có cuộc sống tốt hơn”.
Vài năm trở lại đây, xã Dế Xu Phình đã xuất hiện nhiều mô hình kinh tế do chính người nông dân làm chủ, góp phần đáng kể vào công tác xoá đói giảm nghèo hàng năm của xã. Năm 2022, xã Dế Xu Phình phấn đấu giảm 100 hộ nghèo, để đạt được mục tiêu này xã đã chỉ đạo các bản rà soát các hộ gia đình muốn thoát nghèo và tạo điều kiện cho các gia đình được tiếp cận với các chính sách hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, của tỉnh để đầu tư vào phát triển kinh tế. Ông Chang A Sồng - Phó Chủ tịch UBND xã Dế Xu Phình cho biết. “Năm 2022, xã phấn đấu giảm 100 hộ nghèo. Để thực hiện được mục tiêu này, cấp ủy, chính quyền xã tích cực tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi cơ cấu, cây trồng vật nuôi; chỉ đạo người dân trồng cây vụ đông, trồng ngô, chăn nuôi gia súc gia cầm. Đặc biệt là xây dựng những mô hình điển hình trong trồng trọt, chăn nuôi để người dân đến thăm quan, học tập làm theo. Huy động các nguồn lực hỗ trợ từ các tổ chức, cá nhân trong tỉnh, trong huyện để hỗ trợ người dân. Đây là những giải pháp để xã Dế Xu Phình hoàn thành được mục tiêu giảm 100 hộ nghèo đã đề ra”.
Là huyện vùng cao còn gặp nhiều khó khăn, song những năm qua huyện Mù Cang Chải đã tập trung nâng cao năng lực lãnh đạo của tổ chức cơ sở Đảng, nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị, đặc biệt là nâng cao vai trò của cấp ủy trong công tác lãnh đạo Nhân dân phát triển kinh tế, giảm nghèo ở cơ sở. Trong đó, huyện Mù Cang Chải đã đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển sản xuất theo hướng bền vững, phát huy tiềm năng thế mạnh của huyện trong sản xuất nông lâm nghiệp, chuyển dần tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp hướng tới mục tiêu “nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hiện đại và nông nghiệp thông minh”. Quan tâm đầu tư đưa những cây trồng mới phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương vào trồng, khuyến khích người dân phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa đã góp phần thực hiện có hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững ở địa phương.
Năm 2021, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực phấn đấu vươn lên thoát nghèo của người dân, huyện vùng cao Mù Cang Chải đã giảm được 8,2% hộ nghèo. Theo chuẩn nghèo giai đoạn 2021 - 2025, huyện Mù Cang Chải còn 7.285 hộ nghèo chiếm trên 56% và 1.740 hộ cận nghèo chiếm trên 13%. Năm 2022, huyện vùng cao Mù Cang Chải phấn đấu giảm 7,5% hộ nghèo. Để hoàn thành được chỉ tiêu này ngay từ những tháng đầu năm, huyện Mù Cang Chải đã chỉ đạo tất cả các ban, ngành, đoàn thể từ huyện đến xã triển khai đồng bộ các giải pháp và áp dụng nhiều chính sách hỗ trợ cho người nghèo như: Tập trung các nguồn lực để đầu tư hỗ trợ phát triển kinh tế, gắn sản xuất trồng trọt với đẩy mạnh phát triển chăn nuôi, kết hợp phát triển du lịch cộng đồng nhằm khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, xây dựng và nhân rộng các mô hình về xóa đói giảm nghèo bền vững, triển khai hiệu quả các biện pháp hỗ trợ sinh kế cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, thực hiện tốt công tác dân tộc và chính sách dân tộc trên địa bàn. Tích cực tuyên truyền để người dân tự giác vươn lên thoát nghèo nhanh và bền vững, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, xây dựng nông thôn mới. Bà Lương Thị Xuyến - Phó Chủ tịch UBND huyện Mù Cang Chải cho biết thêm: “Chúng tôi phân loại ra 5 nguyên nhân chính, đó là nhóm nghèo do thiếu đất sản xuất, nhóm nghèo do thiếu vốn sản xuất kinh doanh, nhóm nghèo thiếu kiến thức sản xuất kinh doanh, nhóm có tư liệu sản xuất nhưng chưa có ý thức vươn lên thoát nghèo, nhóm các đối tượng bảo trợ. Trên cơ sở phân tích này, chúng tôi đã giao cho từng cơ quan, ban ngành, đoàn thể phù hợp với chức năng của từng cơ quan như nhóm thiếu đất sản xuất thì giao cho Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phòng Tài nguyên và Môi trường trên cơ sở quy hoạch đất sản xuất của huyện Mù Cang Chải để giúp các hộ đó có thêm đất sản xuất, chuyển đổi nghề sang các nghề dịch vụ khác. Đối với nhóm thiếu vốn sản xuất kinh doanh thì giao cho phòng Tài chính - Kế hoạch và Ngân hàng Chính sách Xã hội để tham mưu thực hiện phân chia nguồn vốn, hướng dẫn sử dụng nguồn vốn để vươn lên thoát nghèo. Thực hiện tốt các chính sách giảm nghèo, tuyên truyền để người dân tự giác vươn lên thoát nghèo”.
Các chính sách giảm nghèo đi vào cuộc sống đã mở ra cơ hội cho hàng trăm người nghèo có vốn sản xuất, có việc làm để tăng thu nhập, từng bước cải thiện điều kiện sống. Người dân cũng đã nhận thức rõ hơn về trách nhiệm của chính mình trong công tác xóa đói, giảm nghèo và chủ động tiếp cận các chính sách và nguồn hỗ trợ của Nhà nước, cộng đồng để tự vươn lên thoát nghèo ngay trên mảnh đất quê hương.