"Ý thức người dân trong phòng chống giặc lửa còn hạn chế, thậm chí vô cảm"

Nguyễn Thị Hải Hà
Thượng tá Đỗ Anh Quyến – Phó Trưởng Công an quận Bắc Từ Liêm: Ý thức người dân trong phòng chống giặc lửa còn hạn chế, thậm chí thấy cháy còn vô cảm cầm điện thoại livestream mà không báo tin đến lực lượng chức năng.

Cháy quán karaoke, chủ yếu xuất phát từ sự bất cẩn của con người

Trong thời gian gần đây trên cả nước xảy ra nhiều vụ cháy nổ liên quan đến dịch vụ karaoke cướp đi sinh mạng của rất nhiều người, gây thiệt hại nặng nề về tài sản, tạo ra những bức xúc trong nhân dân.

Theo các chuyên gia, nguy cơ cháy nổ đối với loại hình kinh doanh dịch vụ này rất cao bởi cả hai yếu tố chính là chất cháy và nguồn nhiệt. Có những loại khí cực độc phát sinh từ đám cháy mà chỉ cần 10-30mlg/m3 đã có khả năng gây mất cảm giác, ảnh hưởng trực tiếp tới hệ thần kinh con người.

Trong khi đó, các cơ sở kinh doanh karaoke để phục vụ kinh doanh đều làm hệ thống cách âm rất kín, bịt mọi lỗ thông ra bên ngoài bằng các vật liệu dễ cháy… đáng chú ý là đa phần các các cơ sở này đều không tuân thủ các quy định về an toàn phòng chống cháy nổ.

Liên quan đến vấn đề này, theo Thiếu tá Nguyễn Danh Luân - Cục Cảnh sát PCCC&CNCH, Bộ Công an, trong thời gian vừa qua xảy ra rất nhiều vụ cháy nổ liên quan đến dịch vụ karaoke, nguyên nhân trước tiên về mặt kiến trúc, xây dựng các phòng hát đều được thiết kế, lắp đặt thành các phòng kín, xây dựng bằng các vật liệu mút xốp để làm cách âm, khi không may xảy ra sự cố thoát khói, thoát khí rất kém, sẽ tụ khói, tụ nhiệt rất nguy hiểm.

“Ý thức của chủ cơ sở, người quản lý, nhân viên và những người đến sử dụng dịch vụ tại quán karaoke chưa cao. Sự bất cẩn của con người xuất hiện ở rất nhiều vụ việc. Từ trong việc chấp hành các nội quy an toàn về phòng cháy, chữa cháy, trong cải tạo, sửa chữa hàn, cắt kim loại, rồi cơi nới... Ngoài ra, người sử dụng các dịch vụ này thường, trước khi vào đã có sử dụng các loại chất có cồn và dẫn đến các hành vi sẽ không chuẩn. Ví dụ như vào đây người ta hút thuốc, ném tàn thuốc nhưng nếu như nhân viên của quán mà không phát hiện được hoặc là không đi dọn dẹp để để xảy ra là tàn lửa rơi vào các cái bàn ghế cũng bằng đệm mút cả thì nguy cơ xảy ra cháy, nổ sẽ rất là cao”, Thiếu tá Nguyễn Danh Luân chia sẻ.

Theo Thiếu tá Nguyễn Danh Luân, rất nhiều các vụ cháy có nguyên nhân do hệ thống và thiết bị tiêu thụ điện. Hệ thống điện hiện nay được xây dựng rất hiện đại, đa phần là hệ thống điện âm tường dẫn đến là khi sử dụng các thiết bị tiêu thụ điện có công suất cao thì các dây dẫn thường bị nóng và nếu như không kiểm tra, bảo dưỡng thường xuyên thì có thể bị chập cháy và có thể gây ra cháy, nổ hoặc thậm chí là khu vực bếp ăn của các cái quán karaoke này cũng là nơi có thể phát sinh ra ngọn lửa và gây ra các cái thiệt hại rất là lớn về người và tài sản.

Nhiều người dân khi thấy “giặc lửa” còn cầm điện thoại livestream

Theo Thượng tá Đỗ Anh Quyến – Phó Trưởng Công an quận Bắc Từ Liêm (Công an TP. Hà Nội) từng có bề dày kinh nghiệm trong lĩnh vực phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ cho rằng, không chỉ trong các vụ cháy quán karaoke mà ở các vụ cháy nổ nói chung nhiều người dân hiện nay khá vô cảm với “giặc lửa”.

“Ý thức người dân trong phòng chống giặc lửa còn hạn chế, thậm chí thấy cháy vô cảm cầm điện thoại livestream nhưng không báo tin đến lực lượng chức năng. Nếu có báo tin thì nhiều trường hợp còn trêu đùa lực lượng cảnh sát bằng việc báo tin giả, báo tin không chính xác địa chỉ… gây ra khó khăn rất lớn cho công tác phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ”, Thượng tá Đỗ Anh Quyến chia sẻ.

Theo Thượng tá Quyến, hệ thống giao thông hạn chế. Người dân tham gia giao thông đông, chưa có ý thức cao trong việc nhường đường cho xe ưu tiên,… cũng là những khó khăn ảnh hưởng không nhỏ đến công tác PCCC&CNCH.

Bên cạnh đó là các trụ nước chữa cháy ven đường chưa đầy đủ, thậm chí nhiều tuyến đường chưa được lắp đặt, hoặc có lắp đặt thì lại không có nước.

Theo Bộ Công an, trong 5 năm qua, toàn quốc xảy ra trên 17.000 vụ cháy làm chết hơn 400 người và bị thương gần 800 người; thiệt hại ước tính hơn 7.000 tỷ đồng và hơn 7.500 ha rừng. Bên cạnh đó, xảy ra 149 vụ nổ, làm 64 người chết và 190 người bị tương.

Riêng trong 8 tháng năm 2022, toàn quốc xảy ra 1.136 vụ cháy, làm chết 57 người, bị thương 52 người; thiệt hại tài sản ước tính trên 500 tỷ đồng và 39ha rừng. Ngoài ra cả nước xảy ra 10 vụ nổ, làm 7 người chết và 11 người bị thương.

Đặc biệt là trang thiết bị phương tiện cho chữa cháy còn thiếu thốn, thậm chí còn chưa bắt kịp với xu hướng phát triển của xã hội. Quân số được trang bị cho các Đội Cảnh sát PCCC&CNCH vẫn còn mỏng so với yêu cầu thực tế.

“Trang phục chữa cháy chưa được đầy đủ, không đồng bộ,… đến nay lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH đi chữa cháy vẫn còn sử dụng quần áo vải thuần túy”, Thượng tá Quyến nêu ví dụ./.