Xuất cấp gạo dự trữ kịp thời để hỗ trợ người dân

Nguyễn Diệp Linh
Theo Tổng cục Dự trữ Nhà nước (DTNN), lũy kế từ đầu năm đến ngày 20/3/2023, cơ quan này đã giao các Cục DTNN khu vực thực hiện xuất cấp 56.787 tấn gạo dự trữ quốc gia hỗ trợ người dân và học sinh học kỳ I và kỳ II năm học 2022 - 2023.

Xuất cấp hơn 56.700 tấn gạo dự trữ

Số liệu của Tổng cục Dự trữ Nhà nước (DTNN) cho thấy, trong tổng số 56.787 tấn gạo xuất cấp, có 16.920 tấn gạo hỗ trợ nhân dịp Tết Nguyên đán; 1.339 tấn gạo hỗ trợ giáp hạt đầu năm; 19,62 tấn gạo xuất cấp bổ sung hỗ trợ học sinh học kỳ I, năm học 2022 - 2023; 33.509 tấn gạo xuất cấp hỗ trợ học sinh học kỳ II, năm học 2022 - 2023 và 5.000 tấn gạo viện trợ Cuba.

Để đạt được kết quả trên, Tổng cục DTNN đã chỉ đạo, quán triệt các đơn vị được giao xuất cấp gạo dự trữ quốc gia (DTQG) chủ động liên hệ, báo cáo UBND các tỉnh để sớm có kế hoạch phân bổ, tiếp nhận hàng dự trữ đến các đối tượng thụ hưởng.

Đồng thời, Tổng cục DTNN yêu cầu các cục DTNN khu vực phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành của địa phương để tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ xuất kho, vận chuyển, giao nhận hàng kịp thời; thực hiện kiểm tra chất lượng hàng hóa trước khi xuất kho.

Các cục DTNN khu vực chuẩn bị sẵn sàng hàng hóa, phương tiện, nhân lực bốc xếp, vận chuyển... nhằm bảo đảm xuất cấp kịp thời hàng DTQG theo đúng kế hoạch phân bổ, tiếp nhận của UBND các tỉnh.

Hỗ trợ gạo dự trữ quốc gia cho học sinh Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Thèn Phàng, Xín Mần, Hà Giang. Ảnh: Đức MinhHỗ trợ gạo dự trữ quốc gia cho học sinh Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Thèn Phàng, Xín Mần, Hà Giang. Ảnh: Đức Minh

Ngoài ra, công tác phối hợp kiểm tra và chủ động kiểm tra hàng DTQG sau xuất cấp đã được các cục DTNN khu vực chú trọng, quan tâm. Qua công tác kiểm tra và tổng hợp báo cáo tình hình của các cục DTNN khu vực, hàng DTQG xuất cấp cho các địa phương bảo đảm số lượng, chất lượng; sử dụng gạo đúng đối tượng, mục đích theo quy định về xuất cấp, sử dụng hàng DTQG hiện hành.

Việc xuất cấp gạo DTQG để cứu trợ, hỗ trợ nhân dân vượt qua khó khăn ở mỗi thời điểm, thời gian khác nhau có ý nghĩa quan trọng, thể hiện tinh thần “tương thân tương ái”, sẻ chia của Chính phủ đối với bà con vùng đặc biệt khó khăn, vùng thiên tai, mất mùa… Qua đó giúp nhân dân các địa phương phần nào giảm bớt khó khăn, do thiên tai, bão lũ, dịch bệnh gây ra; đồng thời góp phần đảm bảo an sinh xã hội tại các địa bàn khó khăn.

Sẵn sàng nguồn lực để xuất cấp cứu trợ, hỗ trợ

Phát huy kết quả đạt được, thời gian tới, Tổng cục DTNN tiếp tục chỉ đạo các đơn vị chuẩn bị sẵn sàng nguồn lực để xuất cấp gạo cứu trợ, hỗ trợ, viện trợ theo quyết định của cấp có thẩm quyền giao xuất cấp; phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu mua gạo nhập kho năm 2023.

Cùng với đó, các đơn vị xây dựng kế hoạch kiểm tra công tác quản lý, sử dụng kho DTQG tại các cục DTNN khu vực đảm bảo sẵn sàng nhập gạo DTQG năm 2023 theo kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Quản lý chặt nguồn lực dự trữ quốc gia

Để tăng cường nguồn lực dự trữ quốc gia (DTQG) và nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng nguồn lực DTQG, thời gian tới, Tổng cục Dự trữ Nhà nước tiếp tục rà soát, xây dựng cơ chế, chính sách về DTQG bảo đảm đồng bộ, thống nhất, minh bạch, khả thi. Bên cạnh đó, hoàn thiện hệ thống Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, định mức kinh tế - kỹ thuật hàng DTQG làm cơ sở cho việc quản lý chất lượng hàng DTQG. Đồng thời, quản lý, sử dụng có hiệu quả định mức chi phí nhập, xuất, bảo quản hàng DTQG; đẩy mạnh và hiện đại hóa ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động quản lý nội bộ và quản lý hàng DTQG.

Đối với công tác quản lý hàng DTQG, các đơn vị trong ngành đảm bảo số lượng, chất lượng theo quy định; trình cấp có thẩm quyền bố trí nguồn vốn tăng cường lực lượng DTQG, vốn mua bù các mặt hàng DTQG đã xuất cấp theo đúng quy định của Luật DTQG. Chuẩn bị điều kiện ngay từ đầu năm để thực hiện mua gạo, thóc năm 2023 theo phương thức đấu thầu qua mạng đảm bảo công khai, minh mạch, tiết kiệm ngân sách nhà nước.

Tập trung đôn đốc các đơn vị được giao nhiệm vụ quản lý, bảo quản hàng DTQG tích cực triển khai thực hiện kế hoạch được giao theo đúng quy định; hướng dẫn và giải quyết kịp thời về giá, vốn, chi phí cho các bộ, ngành để đẩy nhanh tiến độ nhập hàng theo kế hoạch được giao, đảm bảo nguồn lực DTQG; thẩm định và tổng hợp báo cáo quyết toán vốn, chi phí liên quan đến nhập, xuất và bảo quản hàng DTNN năm của các bộ, ngành theo quy định.

Đồng thời, chuẩn bị tốt các điều kiện chủ động sẵn sàng thực hiện xuất cấp hàng DTQG khi có quyết định của cấp có thẩm quyền; đảm bảo nhanh chóng, kịp thời, đáp ứng yêu cầu hỗ trợ, cứu trợ các địa phương bị ảnh hưởng của thiên tai, bão lụt, hạn hán, mất mùa, khống chế dịch bệnh, đảm bảo an ninh, quốc phòng.

Bên cạnh các nhiệm vụ trên, Tổng cục DTNN tiếp tục triển khai xây dựng các đề án văn bản quy phạm pháp luật theo tiến độ; xây dựng và ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, định mức, tiêu chuẩn để quản lý chất lượng hàng DTQG làm cơ sở cho việc quản lý, điều hành DTQG. Đồng thời, theo dõi tiến độ xuất cấp trang thiết bị từ nguồn DTQG theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ./.

Bích Nguyệt