Xử lý ra sao vụ logo Bộ Y tế bị đổi thành 'rắn ngậm phong bì'

Nguyễn Diệp Linh
Luật sư cho rằng cần làm rõ ý chí chủ quan của cán bộ, nhân viên liên quan việc logo Bộ Y tế bị đổi thành 'rắn ngậm phong bì' để áp dụng biện pháp xử lý phù hợp.

Ngày 10/9, logo của Bộ Y tế bị thay đổi thành hình ảnh "rắn ngậm phong bì" tại lễ khai mạc kỳ thi nâng ngạch công chức, thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức năm 2022 được Bộ Y tế tổ chức tại Trường Đại học Y Hà Nội. Sau khi tiếp nhận thông tin, Bộ Y tế đã mời Cục An ninh chính trị nội bộ Bộ Công an vào cuộc nhằm làm rõ sự việc.

Theo lãnh đạo Bộ Y tế, mẫu logo Bộ Y tế gửi cho Trường đại học Y Hà Nội là không có sai sót. Tuy nhiên, trong quá trình làm việc, cán bộ kỹ thuật của trường lấy logo trên mạng nên xảy ra sự việc trên.

Trường hợp này, cán bộ, nhân viên liên quan có thể bị xử lý ra sao?

 Hình ảnh logo Bộ Y tế bị chỉnh sửa thành "rắn ngậm phong bì". Ảnh: Facebook.

Hình ảnh logo Bộ Y tế bị chỉnh sửa thành "rắn ngậm phong bì". Ảnh: Facebook.

Luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng Văn phòng luật sư Chính pháp) cho rằng logo "rắn ngậm phong bì" là hình ảnh nhạy cảm, mang tính trào phúng, châm biếm, thường chỉ được sử dụng nhằm mục đích giải trí trên mạng xã hội. Việc logo này xuất hiện tại một buổi lễ là sai sót nghiêm trọng, gây ảnh hưởng lớn đến uy tín của ngành y tế cũng như tác động tiêu cực tới tâm lý người dân và cán bộ ngành y.

Trường hợp này, cơ quan chức năng sẽ làm rõ ý chí chủ quan của những cán bộ, nhân viên có trách nhiệm quản lý, in ấn, phát hành và lưu hành những tài liệu này của trường Đại học Y Hà Nội. Trường hợp xác định đây là lỗi vô ý do sự sơ suất, cẩu thả của các cán bộ, nhân viên, những người có trách nhiệm sẽ bị xem xét xử lý kỷ luật theo quy định của đơn vị.

Trường hợp xác định sự cố này thực chất là hành vi có chủ đích nhằm tuyên truyền sai lệch, bôi nhọ, xâm phạm đến lợi ích Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân thì những người vi phạm có thể bị áp dụng chế tài hành chính hoặc hình sự tùy thuộc tính chất, mức độ nghiêm trọng của hành vi.

Luật sư Trần Xuân Tiền (Trưởng Văn phòng luật sư Đồng Đội) cũng cho rằng yếu tố quan trọng cần làm rõ trong trường hợp này là ý thức chủ quan của cán bộ, nhân viên có trách nhiệm quản lý, thiết kế, xuất bản những nội dung này. Đây sẽ là căn cứ để áp dụng biện pháp xử lý phù hợp.

Nếu có căn cứ xác định đây là lỗi cố ý nhằm để lọt hình ảnh lên mạng xã hội, gây ảnh hưởng đến uy tín của ngành y tế, cá nhân có trách nhiệm có thể bị xử phạt về hành vi Vi phạm các quy định về trách nhiệm sử dụng dịch vụ mạng xã hội; trang thông tin điện tử được thiết lập thông qua mạng xã hội theo khoản 1, Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP của Chính phủ. Khung hình phạt áp dụng là 10-20 triệu đồng.

Trường hợp hành vi có tính chất, hậu quả nghiêm trọng, cá nhân vi phạm có thể bị xem xét trách nhiệm hình sự về tội Đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông theo Điều 288 Bộ luật Hình sự 2015.

Ông Tiền đánh giá dù đây là lỗi vô ý hay cố ý, sự cố này vẫn gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới uy tín, danh dự của ngành y tế. Các cơ quan có thẩm quyền cần nhanh chóng vào cuộc làm rõ sự việc nhằm tránh những hệ lụy không đáng có có thể xảy ra.

Theo Zing