Thực hiện tốt công tác thông tin tuyên truyền về các nhiệm vụ chính trị
Theo đánh giá của Bộ Thông tin và Truyền thông, 6 tháng đầu năm 2022, về cơ bản, các cơ quan báo chí, đài phát thanh, truyền hình và các đơn vị hoạt động truyền hình đã thực hiện tốt công tác thông tin tuyên truyền, hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích; thực hiện tốt công tác thông tin, tuyên truyền các hoạt động đối nội, đối ngoại quan trọng của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và địa phương; tuyên truyền về tăng cường công tác phòng, chống dịch COVID-19. Các cơ quan báo chí cũng tích cực triển khai thực hiện kế hoạch tuyên truyền bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; tuyên truyền về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội; các vấn đề xã hội quan tâm; công tác phòng, chống thiên tai; phòng, chống cháy nổ; tuyên truyền về kỷ niệm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh; về Đại hội thể thao Đông Nam Á lần thứ 31 (SEA Games 31)...
Về thông tin, tuyên truyền công tác phòng, chống dịch COVID-19, hàng ngày các đơn vị thuộc Bộ đã thực hiện rà quét thông tin trên báo chí về dịch COVID-19 để phục vụ chỉ đạo, điều tiết tỷ lệ thông tin trên báo chí. Trong tháng 5/2022, có 68.288 tin bài về COVID-19, trong đó tỷ lệ tin, bài tích cực chiếm 63,3%. Bộ đã chỉ đạo, hướng dẫn Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh cấp huyện, đài truyền thanh cấp xã và các phương tiện truyền thông khác trên địa bàn, như triển khai Đề án xác định Chỉ số đánh giá mức độ chuyển đổi số doanh nghiệp; hướng dẫn, gửi tài liệu để tuyên truyền trên hệ thống thông tin cơ sở về Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, trong đó tập trung một số điểm mới của Luật; tuyên truyền công tác phòng cháy, chữa cháy; phòng, chống tội phạm ma túy; mua bán, tàng trữ, vận chuyển vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; tuyên truyền Chương trình "Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng và đơn vị giai đoạn 2021-2030; tuyên truyền về "Tháng hành động vì an toàn thực phẩm" năm 2022...
Triển khai Kế hoạch về việc xử lý "báo hóa" tạp chí, "tư nhân hóa" báo chí, trong đợt 1, Bộ đã phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan làm việc, xử lý 12 cơ quan báo chí, tổ chức, doanh nghiệp với số tiền xử lý vi phạm hành chính là 475,5 triệu đồng.
Từ đầu năm đến nay đã có 18.977 thẻ nhà báo được cấp, trong đó 11.6000 thẻ cấp tại cơ quan báo in, báo điện tử; 7.377 thẻ cấp tại cơ quan báo nói, báo hình.
Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã chỉ đạo các đơn vị triển khai nhiều biện pháp để kiểm duyệt chặt chẽ nội dung quảng cáo, dừng hợp tác với các nền tảng quảng cáo có nhiều vi phạm; không hợp tác quảng cáo với các website, nền tảng quảng cáo vi phạm pháp luật đã được công bố trên Cổng thông tin của Bộ.
Hiện nay, Bộ đã công bố 25 website vi phạm pháp luật không được gắn quảng cáo do cung cấp trò chơi điện tử cờ bạc, cá cược, đổi thưởng... (địa chỉ tên miền: http://23zdo.vn; https://king.choithethao.live/; https://ad.thethaotop1.vip/; http://1000gem.net; https://bigo69.com; http://chieuhoa.com; https://ngon.club; https://play.choiluon.club/; https://choigametaixiu.com; https://nhatnhiba.com; http://vip52.com.vn; https://thanbaicasinovn.com/; https://nohuto.org/tag/vip-game-888/; http://qq801play.com; https://sanhbai.com; https://sanhrong.com; https://lp3.toiwin.vip/; https://ld.thantai79.site/; http://news.go.win; https://c567vip.com; https://vipcom68.ru; https://reg.choiiwinclub.club/; https://ku33vnn.com/; https://www.3535635.com/; https://dk8802.com/).
Đồng thời, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng tích cực phối hợp với Bộ Tài chính tổ chức các cuộc làm việc với các nền tảng xuyên biên giới lớn tại Việt Nam để phổ biến các quy định về thuế và đôn đốc, yêu cầu các nền tảng thực hiện nghiêm túc các quy định này; tiếp tục tăng cường thực hiện công tác đấu tranh, ngăn chặn thông tin xấu độc trên mạng xã hội xuyên biên giới; tập trung rà soát, bóc gỡ các kênh thông tin xấu độc, các fanpage phản động; yêu cầu Facebook, Google, TikTok gỡ bỏ các tài khoản, fanpage vi phạm, kênh Youtube xấu độc tại Việt Nam.
Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cũng đã ký kết với các Sở Thông tin và Truyền thông: Hà Nội, Hải Phòng, Cần Thơ, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Đồng Nai về hợp tác xử lý và công bố tin giả trên không gian mạng...
Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành phố tiếp tục phối hợp với cơ quan an ninh rà soát, xác định đối tượng sử dụng Facebook đăng tải các nội dung không đúng quy định, xuyên tạc, thiếu chính xác về công tác chỉ đạo, điều hành của chính quyền địa phương; kiểm tra các trang Fanpage, Facebook cá nhân để kịp thời phát hiện các trường hợp thông tin sai lệch quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước. Các địa phương đã triển khai hướng dẫn UBND các huyện, thị, thành phố, các cơ quan báo chí và hệ thống truyền thanh cơ sở đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền phục vụ các nhiệm vụ chính trị trên địa bàn.
Xử lý quyết liệt nếu hoạt động không đúng tôn chỉ, mục đích
Từ nay đến cuối năm, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tiếp tục triển khai nghiên cứu tài liệu, phối hợp với các cơ quan liên quan đánh giá sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Nghị định số 18/2014/NĐ-CP ngày 13/4/2014 của Chính phủ quy định về chế độ nhuận bút trong lĩnh vực báo chí, xuất bản; nghiên cứu, ban hành tiêu chí phân biệt báo, tạp chí điện tử, trang thông tin điện tử tổng hợp và tiêu chí về dấu hiệu, mức độ "tư nhân hóa" báo chí; tiến hành khảo sát 30 cơ quan báo chí để thực hiện Đề án hỗ trợ một số cơ quan báo chí ảnh hưởng lớn để đẩy mạnh vai trò dẫn dắt.
Đồng thời, các cơ quan trực thuộc Bộ sẽ tăng cường giám sát, đo đạc bằng công nghệ để kịp thời nhắc nhở, chấn chỉnh cơ quan báo chí thực hiện đúng quy định của pháp luật, các tạp chí hoạt động đúng tính chất chuyên sâu, chuyên ngành; rà soát tôn chỉ mục đích của các cơ quan báo chí, xử lý quyết liệt các trường hợp cơ quan báo chí hoạt động không đúng tôn chỉ, mục đích, các vấn đề còn tồn tại của báo chí, như báo hóa tạp chí, buông lỏng quản lý văn phòng đại diện, phóng viên, quảng cáo sai, phản cảm do các mạng lưới quảng cáo xuyên biên giới cung cấp…; triển khai kế hoạch thực hiện bảo vệ quyền lợi báo chí Việt Nam trên các nền tảng xuyên biên giới.
Các đơn vị chuyên trách thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông cũng sẽ tiếp tục tập trung, đẩy mạnh công tác tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; tiếp tục tập trung định hướng, thông tin tuyên truyền về các hoạt động đối nội, đối ngoại quan trọng của lãnh đạo Đảng, Nhà nước; tuyên truyền về công tác phòng, chống thiên tai, cháy nổ; tiếp tục thực hiện công tác đấu tranh, ngăn chặn thông tin xấu độc trên mạng xã hội xuyên biên giới; tăng cường rà soát, kiểm tra việc tuân thủ pháp luật trong hoạt động quảng cáo đối với người kinh doanh dịch vụ quảng cáo Việt Nam có hợp tác với tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới; công bố các trang thông tin điện tử, nền tảng vi phạm pháp luật về quảng cáo trên trang thông tin điện tử của Bộ (mic.gov.vn) và của Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (abei.gov.vn).
Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử tiếp tục triển khai phương án để quản lý dịch vụ truyền hình trả tiền OTT xuyên biên giới; tăng cường rà soát, kiểm tra, giám sát hoạt động trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội; tiếp tục tổ chức 2 đoàn thanh, kiểm tra hoạt động của các trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội tại Thành phố Hồ Chí Minh; xây dựng Đề án thúc đẩy phát triển sản xuất và phát hành trò chơi điện tử do Việt Nam sản xuất; công bố Cẩm nang phòng, chống tin giả, tin sai lệch trên không gian mạng...