Hơn 60 năm kể từ khi thảm họa da cam/dioxin xảy ra ở Việt Nam (10/8/1961 – 10/8/2023), nhưng những mất mát, đau thương mà thảm họa này gây ra vẫn còn dai dẳng kéo dài qua nhiều thế hệ. Hiện tại, Bình Thuận có 6.259 nạn nhân chất độc da cam. Trong đó số nạn nhân tham gia hoạt động kháng chiến là 2.120 người gồm 916 người trực tiếp tham gia kháng chiến, 1.204 người gián tiếp bị nhiễm là con, cháu, chắt của người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học và 4.139 nạn nhân là dân thường.
Các nạn nhân và gia đình nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam/dioxin phải chịu đựng nhiều khó khăn cả về vật chất và tinh thần do di chứng của chất độc hóa học. Hầu hết các nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam là những người nghèo, không có nghề nghiệp, việc làm không ổn định, kinh tế gia đình khó khăn, nhất là gia đình có nhiều thế hệ nạn nhân chất độc da cam. Để chia sẻ với những phận đời kém may mắn, những năm qua, được sự quan tâm của cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể các cấp và sự ủng hộ tích cực của các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh, Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxintỉnh đã triển khai nhiều phong trào, hoạt động có ý nghĩa sâu sắc như phong trào thi đua “Vì nạn nhân chất độc da cam” và cuộc vận động “Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam”.
Từ sự hỗ trợ của Hội cũng như sự quan tâm của toàn xã hội, nhiều nạn nhân chất độc da cam đã vượt lên số phận và có cuộc sống ổn định. Điển hình như chị Bùi Thị Nam Kỷ (SN 1985) tại xã Mê Pu, Đức Linh, bị nhiễm chất độc hóa học từ người cha tham gia kháng chiến, ngay từ khi sinh ra đôi chân của chị Kỷ đã mềm oặt, không thể đi lại. Nhưng bằng tình thương của cha mẹ, nỗ lực của bản thân, chị đã tự đi lại trên chính đôi chân của mình để đi học chữ, học nghề may. Được sự động viên, hỗ trợ của Hội NNCĐDC huyện Đức Linh hiện nay chị Kỷ đã mở cho mình một tiệm may quần áo và có lượng khách hàng ổn định.
Ông Trần Tiến Thành – Chủ tịch Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh cho biết: Mỗi nạn nhân và gia đình nạn nhân đều có một hoàn cảnh riêng, nhưng tất cả họ đều phải gánh chịu nỗi đau về tinh thần lẫn thể chất khi mang trong mình căn bệnh “da cam”.
Cảm thông, chia sẻ với những hoàn cảnh ấy, các cấp Hội đã nỗ lực tổ chức nhiều chương trình, các phong trào vì mục tiêu “Xoa dịu nỗi đau da cam” với phương châm đổi mới, hướng về cơ sở, gắn bó với nạn nhân chất độc da cam. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2023 các cấp Hội đã vận động nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh cho Quỹ chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân trên 3 tỷ đồng, đạt 101,6% chỉ tiêu năm; trong đó vận động tiền mặt trên 114 triệu đồng và hiện vật quy tiền là 2,97 tỷ đồng.
Từ nguồn quỹ vận động, các cấp hội đã tặng hơn 6.300 suất quà nhân dịp lễ, tết trị giá gần 2,3 tỷ đồng; làm mới, sửa chữa 2 căn nhà trị giá 151 triệu đồng; trợ cấp 68 suất học bổng trị giá 29 triệu đồng; khám sức khỏe, cấp thuốc cho 500 người trị giá 200 triệu đồng; mổ mắt cho 29 người trị giá 145 triệu đồng; tặng 10 con bò trị giá 160 triệu... Ngoài ra, Tỉnh hội cùng các Huyện hội tiếp tục thực hiện “trợ vốn” từ năm 2022 chuyển sang cho 218 hộ vay sản xuất, chăn nuôi với số tiền hơn 2,3 tỷ đồng.
Trên cơ sở đạt được, trong thời gian tới, Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin các cấp trong tỉnh tiếp tục động viên nạn nhân vượt lên khó khăn, tham gia vào các hoạt động xã hội, hòa nhập cộng đồng. Đồng thời, tích cực vận động các nguồn lực để chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân và gia đình nạn nhân, phấn đấu đến cuối năm đạt 4 tỷ đồng tiền mặt và vật chất.
Trước mắt, trong “Tháng hành động vì nạn nhân chất độc da cam” năm nay (1/8 – 31/8), các cấp Hội sẽ tổ chức vận động các nguồn lực để thăm hỏi và tặng quà cho nạn nhân, ưu tiên nạn nhân khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn, vùng núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, hộ chính sách khó khăn. Phấn đấu toàn tỉnh vận động được 1.500 suất quà (tiền mặt hoặc hiện vật) mỗi suất quà tối thiểu 300.000 đồng; xây mới 2 căn nhà, sửa chữa 5 căn nhà. Đồng thời, phối hợp với ngành y tế tổ chức các hoạt động tư vấn sức khỏe, khám bệnh cấp thuốc miễn phí cho nạn nhân…