Ông Nguyễn Mạnh Sâm, Chủ tịch Hội Nạn nhân da cam/dioxin tỉnh cho biết, hiện toàn tỉnh có 3.018 hội viên, sinh hoạt tại 7 hội cấp huyện, 82 hội và 22 chi hội cấp xã. Trong đó nạn nhân trực tiếp là bố, mẹ có 1.864 người; nạn nhân gián tiếp là con 654 người; các đối tượng cựu chiến binh cán bộ địa phương, công dân 518 người. Hầu hết nạn nhân chất độc da cam/dioxin trên địa bàn tỉnh có cuộc sống khó khăn, thường xuyên phải chịu đau đớn về bệnh tật.
Để kịp thời động viên, chia sẻ khó khăn, những năm qua, các cấp hội trong tỉnh đã chủ động tham mưu với cấp ủy, chính quyền, địa phương nắm rõ số lượng nạn nhân da cam để động viên, chăm sóc kịp thời. Trong đó tập trung vào các hoạt động như: xây dựng nhà ở tình nghĩa, tổ chức thăm hỏi tặng quà, tặng xe lăn, khám cấp phát thuốc miễn phí… Từ đầu năm đến nay, các cấp hội trong tỉnh đã vận động, xã hội hóa được trên 1 tỷ đồng cho Quỹ Vì nạn nhân chất độc da cam/dioxin.
Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện Sơn Dương là một trong những hội luôn đi đầu về công tác chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam/dioxin. Ông Nguyễn Văn Quang, Chủ tịch Hội cho biết, nhằm kịp thời động viên khó khăn với những thiệt thòi mà nạn nhân da cam/dioxin trên địa bàn huyện đang phải gánh chịu, ngay từ đầu năm, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện đã chủ động ký kết phối hợp với Hội Cựu chiến binh, Hội Chữ thập đỏ chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân da cam.
Từ đầu năm đến nay, Hội đã vận động được trên 700 triệu đồng cho Quỹ Vì nạn nhân chất độc da cam/dioxin; hỗ trợ 4 nạn nhân da cam/dioxin bị bệnh ung thư phổi, gia đình nạn nhân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, mỗi hộ 1 triệu đồng; tặng 1.361 suất quà cho các nạn nhân chất độc da cam/dioxin nhân dịp lễ, Tết với tổng trị giá trên 220 triệu đồng...
Ông Nguyễn Đình Bảng, thôn Vĩnh Tiến, xã Tân Thanh (Sơn Dương) tham gia chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh chiến trường miền Nam. Năm 1972, ông phục viên trở về địa phương, lập gia đình. Tưởng như cuộc sống sẽ bình yên trôi đi, thế nhưng nỗi đau ập đến lần lượt 2 người con của ông bị dị tật cho di chứng chất độc da cam từ bố. Ông Bảng chia sẻ, ông luôn được đồng đội và Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện thường xuyên quan tâm, thăm hỏi, tặng quà vào dịp lễ, Tết, làm thủ tục để ông và các con của mình được hưởng chế độ hàng tháng của Nhà nước. Ông vui, vì cảm thấy mình không bị bỏ lại phía sau, ông luôn tự nhủ mình sẽ phải cố gắng vươn lên trong cuộc sống.
Ông Nguyễn Văn Lương, thôn Cây Nhãn, xã Tứ Quận (Yên Sơn) hội viên nạn nhân chất độc da cam/dioxin cho biết, do sức khỏe yếu, không đi lại được, nên ông vừa được tặng một chiếc xe lăn để thuận tiện hơn trong sinh hoạt hàng ngày. Nhờ đó, ông có thêm động lực để tiếp tục chiến đấu với bệnh tật.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tặng 450 suất quà cho nạn nhân da cam với trị giá trên 1,7 tỷ đồng; tặng 14 xe lăn; phối hợp với Tổng Công ty Đông Trường Sơn (Hà Nội) tặng 80 suất quà cho con nạn nhân da cam trên địa bàn huyện Yên Sơn; vận động các tổ chức, cá nhân quyên góp ủng hộ trên 1,8 tỷ đồng; tổ chức cho 35 nạn nhân và con nạn nhân da cam/dioxin nuôi dưỡng ngắn hạn và điều trị bệnh bằng phương pháp xông hơi giải độc tại Trung tâm Bảo trợ Xã hội thuộc Trung ương Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam (Hà Nội).
Bằng những việc làm, hành động thiết thực ý nghĩa, thể hiện truyền thống “Đoàn kết, nghĩa tình, trách nhiệm”, Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh đã làm tốt công tác chăm sóc nạn nhân, xoa dịu nỗi đau da cam. Qua đó, tiếp thêm niềm tin, sức mạnh, giúp họ vượt qua những di chứng chiến tranh để lại, xây dựng cuộc sống.
Minh Thủy