Bộ Y tế vừa thông tin về thông báo kết luận của Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 tại Phiên họp thứ 20 của Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 trực tuyến với các địa phương.
Theo đó, ngày 3/6/2023, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 chủ trì phiên họp thứ 20 của Ban chỉ đạo Quốc gia trực tuyến với các địa phương về công tác phòng, chống dịch.
Sau khi nghe Bộ trưởng Bộ Y tế báo cáo, ý kiến phát biểu của đại diện lãnh đạo các địa phương, các bộ, ngành, các đại biểu dự họp, Ban Chỉ đạo Quốc gia thống nhất kết luận:
Lần đầu tiên Việt Nam phòng, chống dịch truyền nhiễm nguy hiểm nhóm A ở quy mô quốc gia, trong điều kiện chưa có tiền lệ và kéo dài (từ đầu năm 2020 đến nay).
Đây là đại dịch diễn biến hết sức phức tạp, gây hậu quả nghiêm trọng, tác động sâu sắc, nhiều mặt đến kinh tế - xã hội và là thử thách lớn đối với các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị, nhất là ngành Y tế và trong bối cảnh Việt Nam còn nhiều thiếu thốn, hạn chế về nguồn lực, kinh phí, chưa chủ động được thuốc điều trị và vắc-xin phòng bệnh, nhiều quy định của pháp luật còn bất cập, chưa phù hợp với thực tiễn, nhất là yêu cầu cấp bách phòng, chống dịch.
Với cách tiếp cận toàn dân, toàn cầu, nước ta vừa phòng, chống dịch vừa sơ kết, đúc rút kinh nghiệm. Trong công cuộc phòng, chống dịch Covid-19, vừa có sự lãnh đạo của Bộ Chính trị, các đồng chí lãnh đạo chủ chốt, nhất là đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, vừa có sự chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện chủ động, linh hoạt, sáng tạo và hiệu quả của Ban chỉ đạo quốc gia.
Ban chỉ đạo Quốc gia đã đúc kết được một số biện pháp, phương pháp có tính lý luận và thực tiễn như: phải kết hợp hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa biện pháp hành chính và biện pháp khoa học; triển khai đồng bộ 3 trụ cột phòng, chống dịch (cách ly, xét nghiệm, điều trị);
Xây dựng, triển khai phù hợp công thức phòng, chống dịch “5K+vắc-xin+thuốc+công nghệ+ý thức của người dân và các biện pháp khác”; đưa ra chủ trương và thực hiện có hiệu quả Chiến lược vắc-xin gồm: Quỹ vắc-xin, ngoại giao vắc-xin và tổ chức Chiến dịch tiêm chủng vắc-xin miễn phí lớn nhất trong lịch sử...
Trong đại dịch, đất nước đã phải gánh chịu rất nhiều mất mát, hi sinh, đặc biệt trong đó có trên 43.100 người tử vong. Một lần nữa, Thủ tướng Chính phủ thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước gửi lời chia buồn sâu sắc và lời thăm hỏi đến các gia đình có người mất do Covid-19, nhất là những gia đình có người thân tham gia phòng, chống dịch đã hy sinh.
Thống nhất điều chỉnh bệnh Covid-19 từ nhóm A sang nhóm B
Về tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới, thông báo kết luận nêu rõ Ban Chỉ đạo Quốc gia thống nhất với đề xuất của Bộ Y tế về việc điều chỉnh bệnh Covid-19 từ nhóm A sang nhóm B.
Theo đó, các bộ, ngành, địa phương thực hiện việc tổng kết, đánh giá công tác phòng, chống dịch trong ngành, lĩnh vực và trên địa bàn, gửi kết quả về Bộ Y tế trong tháng 6/2023 để tổng hợp, xây dựng báo cáo của Ban chỉ đạo Quốc gia, trình Thủ tướng Chính phủ để xem xét, quyết định và báo cáo cấp có thẩm quyền;
Tiếp tục nghiên cứu 7 khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) để vận dụng phù hợp với tình hình dịch bệnh tại Việt Nam; xây dựng kế hoạch phòng, chống Covid-19 phù hợp tình hình mới, nhất là tăng cường y tế cơ sở, y tế dự phòng và huy động, sử dụng nguồn lực;
Tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, khắc phục hậu quả dịch bệnh có thể còn kéo dài, ổn định đời sống nhân dân, nhất là đối với những người chịu hậu quả, tác động của đại dịch, đặc biệt là trẻ em mồ côi; tiếp tục hoàn thành xử lý các vấn đề tồn đọng liên quan công tác phòng, chống dịch thời gian qua;
Tôn vinh, khen thưởng những tập thể, cá nhân có thành tích trong phòng, chống dịch; giải quyết kịp thời chế độ, chính sách với những người tham gia phòng, chống dịch theo các kết luận, chỉ đạo của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ; đồng thời phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, xử lý nghiêm những hành vi sai phạm, trục lợi;
Tăng cường tuyên truyền, phổ biến, nâng cao cảnh giác, làm rõ vấn đề khác nhau giữa dịch bệnh nhóm A và nhóm B để có biện pháp phù hợp; (Xử lý các chính sách theo thẩm quyền khi chuyển trạng thái từ dịch bệnh nhóm A sang nhóm B).
Đối với Bộ Y tế, Ban Chỉ đạo đề nghị Bộ tiến hành điều chỉnh bệnh Covid-19 từ nhóm A sang nhóm B theo thẩm quyền; chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp xem xét, công bố hết dịch theo quy định của pháp luật; Hướng dẫn các bộ ngành, địa phương rà soát, chủ động thực hiện hoặc đề xuất các cấp có thẩm quyền sửa đổi, bãi bỏ các quy định liên quan đến phòng, chống dịch;
Hoàn thiện Kế hoạch kiểm soát, quản lý bền vững đối với dịch Covid-19 giai đoạn 2023-2025, trong đó lưu ý việc chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện cần thiết để ứng phó với các đại dịch có thể xảy ra và dịch Covid-19 có thể quay lại;
Nghiên cứu, triển khai tiêm vắc-xin phòng Covid-19 phù hợp tình hình và tiêm vắc-xin phòng Covid-19 hằng năm trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia, trường hợp vượt thẩm quyền, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác bảo đảm an sinh xã hội, nhất là đối với những người bị ảnh hưởng bởi đại dịch.
Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thực hiện việc rà soát tình hình dịch bệnh, công bố hết dịch trên địa bàn theo thẩm quyền trên cơ sở hướng dẫn của Bộ Y tế và quy định của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm.
Ban Chỉ đạo Quốc gia đã hoàn thành tốt nhiệm vụ sau 20 Phiên họp. Việc kiện toàn, thành lập mới Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch sẽ được thực hiện phù hợp với tình hình và theo quy định hiện hành.
Kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 11.619.451 ca nhiễm, trong đó 10.639.819 ca khỏi, 43.206 ca tử vong. Hiện còn 9 bệnh nhân đang thở oxy, tăng nhẹ so với ngày trước đó.
T/H