Theo báo cáo của Tổng cục Hải quan, hết tháng 6, lượng xe nguyên chiếc các loại nhập về Việt nam đạt hơn 10.500 chiếc, giảm gần 3.800 chiếc so với tháng trước.
Riêng xe du lịch dưới 9 chỗ ngồi đạt hơn 7.140 chiếc, giảm gần 4.600 chiếc so với tháng trước. Đáng chú ý, trong tháng này, xe Indonesia chỉ nhập về Việt Nam hơn 1.460 chiếc, giảm hơn 5.280 chiếc so với tháng trước, giảm khoảng 29% về lượng.
Trong khi đó, xe Thái Lan về Việt Nam đạt hơn 5.000 chiếc, tăng nhẹ hơn 800 chiếc so với tháng trước đó. Mức tăng nhập của xe Thái không bù đắp được lượng giảm của xe nhập từ Indonesia.
Hiện, Thái lan và Indonesia vẫn là nơi cung cấp hơn 80% lượng xe du lịch dưới 9 chỗ ngồi về Việt Nam, chính vì vậy, sự biến động của hai thị trường này ảnh hưởng lớn đến lượng nhập xe du lịch ở Việt Nam.
Nguyên nhân chính dẫn đến việc suy giảm lượng xe từ Indonesia về Việt Nam là do dòng xe ăn khách Toyota Fortuner bắt đầu từ tháng 6/2019 đã được chuyển sang lắp ráp đại trà tại Việt Nam thay vì nhập khẩu 100% từ Indonesia (từ 2017 đến hết tháng 5/2019).
Chính việc mẫu xe nhập chủ đạo của Toyota chuyển sang lắp ráp tại Việt Nam đã khiến lượng nhập xe của nước này suy giảm mạnh, các dòng xe khác cũng không thể kéo lại hoặc bù đắp khoảng trống.
Trong khi đó, thời điểm cuối tháng 5 và trong tháng 6, mẫu xe Xpander của Mitsubishi nhập chủ yếu từ Indonesia về Việt Nam cũng dính "phốt" tại thị trường Việt Nam, Philippines. Điều này đã khiến doanh số dòng xe này tại Việt Nam bị ảnh hưởng mạnh.
Theo Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), doanh số của Xpander trong tháng 6 chỉ đạt hơn 1.600 chiếc, giảm hơn 500 chiếc so với doanh số tháng trước đó.
Trong khi đó, thị trường Indonesia hiện nay chủ yếu nhập các dòng xe, mẫu xe đang chịu sự cạnh tranh rất mạnh so với xe Thái Lan, xe lắp ráp tại Việt Nam, đơn cử như Wigo, hiện nay khó có thể cạnh tranh được với Kia Morning hay Hyundai i10 lắp ráp trong nước.
Hay các mẫu xe như Toyota Avanza, Rush cũng chỉ có doanh số ở mức trung bình do lợi thế về đại lý Toyota mở rộng trên khắp cả nước.
Theo một số chuyên gia về thị trường xe hơi, việc Toyota chuyển từ lắp ráp sang nhập khẩu và giờ lại chuyển từ nhập khẩu sang lắp ráp là bài toán chiến lược của hãng này khi tính đến khả năng cạnh tranh với các đối thủ và lợi thế từ chính sách ưu đãi của Việt Nam. Hiện nay, các linh kiện của Toyota hầu hết được nhập khẩu và lợi thế của Indonesia không khác gì Việt Nam do đó đặt ở nước nào có lợi thế hơn cũng là điều các hãng nghĩ tới.
Bên cạnh đó, Nghị định 116, cùng Thông tư 03, có nhiều điều khoản quy định nhập khẩu và đăng kiểm khá ngặt nghèo, phức tạp, thời gian nhập khẩu vào Việt Nam lâu hơn, chi phí mất nhiều hơn, chính vì vậy, cũng thôi thúc hãng này chuyển sang lắp ráp tại nhà máy ở Vĩnh Phúc.
Việc Toyota chuyển từ nhập sang lắp ráp xe hơi không khiến người tiêu dùng được hưởng lợi thế mua xe rẻ hơn mà trái lại một số mẫu xe, biến thể lắp ráp trong nước còn tăng giá. Điểm tích cực nhất của việc này là số thuế thu được của địa phương tăng lên và là nếu lượng tiêu thụ tốt, sẽ là động lực cho hãng nội địa hóa sâu hơn, giảm giá thành xe trong tương lai.
Cũng theo con số của Tổng cục Hải quan, tính đến hết tháng 6, lượng xe nguyên chiếc nhập khẩu về nước ta đạt hơn 75.430 chiếc, tăng gấp 6 lần cùng kỳ năm 2018. Trong đó, xe dưới 9 chỗ ngồi đạt hơn 54.900 chiếc, xe bán tải đạt gần 18.000 chiếc, cùng tăng gấp 6 lần cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, con số lũy kế xe nhập trong 6 tháng không hề có ý nghĩa bởi đây là con số cộng dồn trong các tháng, đặc biệt là lượng nhập khẩu xe trong tháng 4 và 5 tăng đột biến. Bên cạnh đó, 6 tháng đầu năm 2018, do Nghị định 116 của Chính phủ và Thông tư 03 của Bộ GTVT hướng dẫn đưa ra nhiều quy định ngặt nghèo, nên nhiều mẫu xe, dòng xe không thể về Việt Nam. Xe Indonesia không nhập về Việt Nam được chiếc nào, trong khi đó, lượng xe Thái chỉ duy nhất Honda nhập về Việt Nam.