Xây dựng kinh tế gắn với chăm lo đời sống đồng bào dân tộc thiểu số

Nguyễn Thị Quỳnh Mai
Xác định rõ nhiệm vụ chính trị được giao là phát triển kinh tế-xã hội gắn với củng cố, tăng cường quốc phòng-an ninh, ổn định dân cư, xây dựng thế trận quốc phòng-an ninh trên địa bàn chiến lược Tây Nguyên, Binh đoàn 15 (Bộ Quốc phòng) đã tích cực giúp các địa phương phát triển sản xuất, ổn định đời sống, xây dựng hệ thống chính trị ngày càng vững mạnh, góp phần bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn biên giới.
311111111-1654897095231-1654914183.jpg
Cán bộ, chiến sĩ, công nhân Ðoàn kinh tế quốc phòng 79 gặt lúa giúp nhân dân.

Từ khi đến với vùng đất Tây Nguyên (năm 1985) đến nay, Binh đoàn 15 phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương hình thành nên chín cụm, 255 điểm dân cư tập trung trên tuyến biên giới, tạo thành vành đai vững chắc trong thế trận quốc phòng toàn dân bảo vệ biên cương của Tổ quốc. Ðứng chân và làm nhiệm vụ ở các thôn, làng chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, phần lớn đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống, Binh đoàn xác định, công việc đầu tiên là phải vận động, tuyên truyền nâng cao nhận thức, thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào để xóa đói, giảm nghèo, dần xóa bỏ các hủ tục, xây dựng địa bàn phát triển về kinh tế, vững về quốc phòng, an ninh.

Vì sự bình yên vùng biên giới

Năm 1990, Binh đoàn mới chỉ có gần 5.000 lao động với ba cụm và 21 điểm dân cư và 1.718 hộ, thì đến nay có hơn 17.000 lao động, trong đó có hơn 8.000 lao động là người dân tộc thiểu số tại chỗ trên địa bàn đứng chân thuộc năm huyện, thành phố của hai tỉnh Gia Lai, Kon Tum đang đầu tư, chăm sóc và khai thác gần 44.000ha cao-su, 300ha cà-phê. Với phương châm: "Binh đoàn gắn với tỉnh, huyện; công ty gắn với huyện, xã; đội sản xuất gắn với thôn, làng; hộ công nhân người Kinh gắn kết với hộ đồng bào dân tộc thiểu số", các công ty, đơn vị của Binh đoàn đã kết nghĩa với 37 xã; 174 đội sản xuất kết nghĩa với 271 thôn, làng. Ðặc biệt, qua phong trào "Gắn kết hộ" đến nay đã có hơn 4.000 hộ công nhân người Kinh gắn kết với hộ đồng bào dân tộc thiểu số, cùng giúp nhau trong sản xuất, đời sống và trở thành những điển hình về xóa đói, giảm nghèo. Ông Siu Tới (dân tộc J’Rai, làng Biă, xã Ia Chía, huyện Ia Grai) chia sẻ: "Nhờ gắn kết hộ mà dân làng mình và các làng khác đã vươn lên thoát nghèo. Hộ người Kinh đã giúp đỡ hộ người dân tộc thiểu số về kỹ thuật cạo mủ, cách trồng lúa nước, cà-phê, cao-su để phát triển kinh tế. Nếu không có mô hình "Gắn kết hộ" có lẽ sẽ không có nhiều con em người địa phương được nhận vào làm công nhân cho các công ty cao-su của Binh đoàn như hiện nay".

Ðại tá Hoàng Văn Sỹ, Tư lệnh Binh đoàn 15 cho biết: Với quan điểm "giúp đồng bào cũng chính là giúp mình" và với phương châm "Phát triển, mở rộng sản xuất đến đâu, thu hút lao động và xây dựng khu dân cư đến đó", Ðảng ủy Binh đoàn đầu tư hàng trăm tỷ đồng xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng, đường giao thông liên thôn, liên xã, đường điện, bệnh xá, trường học, nhà sinh hoạt cộng đồng... tạo điều kiện thuận lợi để đồng bào các dân tộc định canh, định cư, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, qua đó hình thành nên những khu, cụm dân cư tập trung kiểu mẫu. Các khu, cụm dân cư này, thật sự là những điểm sáng về kinh tế, văn hóa và bảo đảm giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn biên giới.

Ðào tạo thế hệ công nhân mới

Song song với nhiệm vụ phát triển sản xuất, kinh doanh và củng cố quốc phòng-an ninh trên tuyến biên giới, để nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành, đưa địa phương, cơ sở phát triển toàn diện, bền vững, Binh đoàn 15 còn đề ra nhiều chủ trương, biện pháp tham gia xây dựng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh; đồng thời, coi trọng xây dựng, bồi dưỡng lực lượng nòng cốt là người dân tộc thiểu số tại chỗ, tranh thủ đội ngũ già làng, trưởng bản, làm cầu nối tuyên truyền, vận động để đồng bào chấp hành chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; nhờ đó, hệ thống chính trị ở địa phương, cơ sở nơi Binh đoàn đứng chân ngày càng được củng cố, phát huy, được cấp ủy, chính quyền, nhân dân địa phương ghi nhận, đánh giá cao.

Năm 2002, anh Kpuih Sinh (làng Beng, xã Ia Chía, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) được Công ty TNHH một thành viên 74 (Binh đoàn 15) nhận vào làm công nhân cạo mủ cao-su. Sau thời gian làm việc, anh được đơn vị tin tưởng cử đi học trung cấp lâm nghiệp. Ra trường, Kpuih Sinh tiếp tục gắn bó công việc và luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Năm 2008, anh được kết nạp vào Ðảng. Năm 2010, anh Sinh chính thức được chuyển thành quân nhân chuyên nghiệp. Hiện tại, anh mang quân hàm đại úy và là Tổ trưởng Tổ 1 (Ðội 15). Anh Sinh phấn khởi cho biết: "Nhờ sự quan tâm và tạo điều kiện của Ðảng ủy, Ban Giám đốc công ty nên mình trưởng thành như ngày hôm nay. Với trách nhiệm được giao, mình luôn cố gắng hoàn thành thật tốt công việc, đồng thời tham gia hướng dẫn, chỉ bảo các công nhân trẻ về kỹ thuật cạo mủ, chăm sóc vườn cây thật tốt; vận động bà con dân làng chấp hành các quy định của công ty". Bên cạnh thực hiện tốt nhiệm vụ do Công ty giao, anh Sinh còn là điển hình làm kinh tế gia đình giỏi. Hiện gia đình anh có 2ha cao-su, 2ha cà-phê, 5ha điều, 17 con bò và hơn 10 con dê. Mỗi năm, gia đình anh thu nhập hơn 300 triệu đồng.

Theo báo cáo, Ðảng bộ Binh đoàn 15 hiện có 2.630 đảng viên, trong đó có 213 đảng viên là người dân tộc thiểu số. Chỉ riêng trong 5 năm (2015-2020), Binh đoàn đã bồi dưỡng, kết nạp được 150 đảng viên là người dân tộc thiểu số đang làm việc tại các cơ quan, đơn vị trực thuộc Binh đoàn 15. Nhiều công nhân người dân tộc thiểu số không chỉ hoàn thành nhiệm vụ của đơn vị mà còn đảm nhận các cương vị khác nhau tại các thôn, làng. Hiện nay, Binh đoàn có 19 cán bộ phụ trách đội sản xuất; 12 công nhân giữ chức trưởng thôn; bảy công nhân giữ chức bí thư chi bộ thôn, làng. Cùng với đó, nhiều người dân, thanh niên địa phương sau khi được tuyển chọn vào làm công nhân không chỉ nắm vững kỹ thuật mà còn nhanh chóng phát huy năng lực, trở thành những cán bộ tổ, đội sản xuất gương mẫu.

Trao đổi với chúng tôi, Thượng tá Khuất Bá Cao, Bí thư Ðảng ủy Binh đoàn 15 cho biết: "Chúng tôi luôn xác định địa phương vững mạnh thì đơn vị sẽ ổn định để thực hiện tốt nhiệm vụ. Do đó, đơn vị luôn quan tâm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ công nhân người dân tộc thiểu số có trình độ, bản lĩnh, phẩm chất chính trị và thực tế có nhiều công nhân là người dân tộc thiểu số tại chỗ, sau khi được đứng vào hàng ngũ của Ðảng, đã phát huy vai trò, trách nhiệm và trở thành những điển hình tiên tiến, tấm gương mẫu mực; là cầu nối quan trọng giữa lãnh đạo, chỉ huy đơn vị với người lao động và có tầm ảnh hưởng lớn đến cộng đồng, đến xã hội".

Ðánh giá về những đảng viên người dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Ðức Cơ (tỉnh Gia Lai) được Binh đoàn 15 kết nạp vào Ðảng thời gian qua, ông Phạm Văn Cường, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Ðức Cơ cho rằng: Việc kết nạp đảng viên là người dân tộc thiểu số của các đơn vị thuộc Binh đoàn 15 đứng chân trên địa bàn đã góp phần tăng số lượng đảng viên người dân tộc thiểu số của địa phương. Cùng với đó, những đảng viên được kết nạp không chỉ góp phần xây dựng công ty mà còn tạo nguồn cán bộ cho các địa phương. Thực tế, nhiều đảng viên được các đơn vị kết nạp sau khi chuyển về địa phương sinh hoạt đã được tín nhiệm bố trí ở các cương vị công tác khác nhau, góp phần xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở ngày càng vững mạnh.

Gần 40 năm đứng chân trên địa bàn Tây Nguyên, cán bộ, chiến sĩ và người lao động Binh đoàn 15 đã góp phần tạo ra những điểm sáng về kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng-an ninh; đã biến một vùng đất nghèo trên vành đai biên giới Tây Nguyên trở thành một vùng phát triển năng động; qua đó tạo được niềm tin yêu, gắn bó giữa cấp ủy, chính quyền và người dân địa phương; xây dựng vững chắc thế trận lòng dân, tiếp tục làm sáng ngời hình ảnh "Bộ đội Cụ Hồ" trong thời kỳ mới trên địa bàn chiến lược Tây Nguyên.