Cửa hàng phở của ông Hạnh (khu đô thị Văn Phú, Hà Đông, Hà Nội) vẫn chưa vội điều chỉnh lại giá bán. Hiện mỗi tô phở dao động 40.000-60.000 đồng, tăng 5.000-10.000 đồng so với hồi tháng 6. Tương tự, mỗi phần cơm gà cũng tăng lên 55.000-70.000 đồng. Mức giá này được ông Hạnh điều chỉnh từ cuối tháng 6 để ứng phó với "bão giá" nhiên liệu.
"Thực phẩm, nhất là thịt gà tươi cửa hàng vẫn phải nhập theo giá cũ 110.000- 120.000 đồng một kg, nên tôi chưa thể tính toán giảm giá bán", ông Hạnh, chủ tiệm phở này giải thích.
Tại các chợ dân sinh như chợ Thành Công, chợ Ngô Sỹ Liên, chợ Văn Chương (quận Đống Đa), giá thịt heo vẫn đang neo ở mức cao 90.000 - 130.000 đồng/kg, đắt nhất là sườn non giá 145.000 - 150.000 đồng/kg.
Các loại thực phẩm khác như thịt gà cũng giữ ở mức 55.000 - 80.000 đồng/kg đối với gà công nghiệp; 120.000 - 150.000 đồng/kg đối với gà ta. Thịt bò ở mức 320.000 - 380.000 đồng/kg.
Giá các loại rau - mặt hàng "té nước theo xăng" nhiều nhất cũng chưa hề sụt giảm. Giá rau xanh vẫn đang phổ biến ở mức 18.000 - 22.000 đồng/kg. Chẳng hạn như rau bắp cải ở chợ Ngô Sỹ Liên ở mức 18.000 - 22.000 đồng/kg, đắt hơn khoảng 5.000 đồng/kg so với hồi đầu năm.
Trong siêu thị, các loại thịt heo vẫn giữ ở mức giá cao hơn khoảng 30% so với ngoài chợ. Còn các loại rau phổ biến ở mức 22.000 - 35.000 đồng, giữ nguyên so với hôm 2/7, trước khi xăng giảm giá 9 ngày.
Ông Lê Văn Liêm, Giám đốc khu vực miền Bắc của Saigon Co.op (đơn vị điều hành Co.opmart) cho biết: “Giá xăng mới chỉ thay đổi được 1 ngày thì tạm thời chưa tác động gì đến giá cả hàng hóa của các nhà cũng cấp cũng như giá bán ra của chúng tôi. Nếu có tác động thì ít nhất cũng phải trong vòng một tuần nữa”.
Lý giải nguyên nhân, theo các doanh nhân nhập khẩu, để hàng hóa nhập về đến tay người tiêu dùng phải mất ít nhất một tháng. Do đó, nếu giá xăng chỉ giảm trong 10 ngày và tăng lại ngay sau đó, cước phí vận chuyển và chi phí khác vẫn giữ nguyên. Ngoài ra, tình trạng khan container rỗng đẩy chi phí vận chuyển tăng cao. Mỗi container hàng đông lạnh trước đây chỉ mất 4-8 triệu đồng thì nay 20-30 triệu đồng.
Mặc khác, cấu thành của hàng hóa nhập khẩu ảnh hưởng bởi cả thị trường quốc tế nên chỉ khi giá nguyên liệu thế giới hạ thì hàng nhập trong nước mới có thể giảm. Hiện, giá nguyên liệu đầu vào của các sản phẩm ngũ cốc, sữa, đường, dầu cọ đang tăng 40-60% so với 6 tháng đầu năm 2021.
Theo PGS.TS Nguyễn Văn Nam, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thương mại, một nghịch lý đang tồn tại là giá xăng tăng thì hàng hóa thi nhau tăng theo giá xăng. Nhưng khi giá xăng đã giảm thì hàng hóa, dịch vụ đặc biệt là giá cước vận tải, taxi chưa có biến động lớn. Giảm giá xăng dầu, lĩnh vực đầu tiên tác động là vận tải, taxi. Đáng lẽ, theo quy luật thị trường, xăng dầu giảm thì lập tức giá cước vận tải cũng giảm, nhưng thông lệ xưa nay ở Việt Nam thì không như vậy.
Theo TS. Nguyễn Văn Nam, xăng dầu cũng chỉ chiếm 0,17% trong việc tính chỉ số CPI. Chính vì thế, xăng, dầu cũng chỉ là một trong nhiều mặt hàng đầu vào thiết yếu tác động đến hàng hóa trên thị trường dù trên thực tế, việc xăng dầu giảm giá sẽ tác động đến dịch vụ hàng hóa, cụ thể là dịch vụ vận tải và một số ngành sản xuất sử dụng dầu DO.
Thêm vào đó, việc giá hàng hóa không giảm khi xăng, dầu xuống giá là do giá hầu hết các sản phẩm hàng hóa đều đã vận hành theo cơ chế thị trường, nên việc tăng hay giảm giá sẽ phụ thuộc vào cung cầu, không thể áp đặt mệnh lệnh hành chính để kéo giá xuống.
Ngoài ra, cũng cần tính đến việc các doanh nghiệp hiện đang phải đối mặt với việc giải quyết lượng hàng tồn kho đang ở mức khá cao, các nhiên, nguyên, vật liệu khác ngoài xăng giá không giảm… Đây chính là các yếu tố khiến doanh nghiệp buộc phải cân nhắc trước khi giảm giá bán lẻ.