Tám năm trước, khi FIFA tuyên bố trao quyền chủ nhà World Cup 2018 cho nước Nga, ông Putin (khi đó đang là thủ tướng Nga) đã kể một câu chuyện gây nhiều xúc động.
Ông Putin sinh ở Leningrad (giờ là Saint Petersburg) ngay sau Thế chiến II. Lúc lớn lên, câu chuyện ông thường nghe là thành phố đã khổ sở thế nào trong cuộc vây hãm hồi chiến tranh. Hơn 900 ngày thành phố rơi vào tình trạng “không điện, không nước, không lò sưởi trong giá lạnh mùa đông nước Nga” giữa đạn pháo của quân phát xít.
8 năm, 19 tỷ USD
Ông Putin kể lại chuyện vì sao ngay giữa những thời điểm cùng cực nhất đó ở thành phố vẫn diễn ra những trận bóng và chính bóng đá đã giúp dân Leningrad đứng vững và tồn tại. “Bóng đá đem lại hy vọng sống cho mọi người, kể cả già hay trẻ”, ông nhấn mạnh.
Đó là điều ông Putin hy vọng World Cup 2018 sẽ đem lại cho nước Nga, truyền cảm hứng cho một nước Nga hiện đại. Ông muốn World Cup thay đổi hình ảnh đất nước cũ, đem lại hình ảnh mới mẻ khác của nước Nga. Ông vẫn nói muốn chứng minh “chúng tôi là đất nước mở và minh bạch với thế giới bên ngoài”.
Giữa những căng thẳng giữa Nga và phương Tây, đây là mong muốn chính đáng và thực tế.
Tám năm, 19 tỷ USD đầu tư chuẩn bị, nước Nga đã làm cuộc đại xây dựng cho World Cup lần này với 8 sân vận động mới, hàng nghìn km đường cùng 53.000 tình nguyện viên được đào tạo bài bản để hướng dẫn những người tới World Cup.
Khi trái bóng Telstar chính thức lăn ở Luzhniki tối 14/6, World Cup đã chạm một mốc lịch sử: lần đầu tiên một nước thuộc khối Đông Âu cũ tổ chức vòng chung kết World Cup.
Truyền thống của FIFA mở rộng World Cup đã được tiếp tục: 1994 ở Mỹ (nước vốn nổi tiếng với bóng rổ, bóng chày hay bóng bầu dục), 2002 ở Nhật Bản - Hàn Quốc (lần đầu tới châu Á), 2010 ở Nam Phi (lần đầu tới châu Phi) và 2018 ở Nga trước khi tới 2022 ở Qatar (lần đầu ở một quốc gia Trung Đông).
Nước Nga đang thể hiện những bộ mặt thân thiện và cởi mở nhất với thế giới bên ngoài. Ở Nizhny Novgorod (mang tên Gorky dưới thời Liên Xô), thành phố từng đóng cửa với người nước ngoài suốt nhiều chục năm, sẽ là một trong những điểm thi đấu tại giải đấu năm nay.
World Cup "phong cách Nga"
Khi tôi phàn nàn việc người Nga có vẻ thờ ơ với World Cup, anh bạn làm truyền hình người Nga nói với tôi ở buổi gặp báo chí do FIFA tổ chức: “Hãy cứ chờ đến tới giải, bạn sẽ thấy nước Nga thế nào. Chúng tôi đã từng tổ chức Thế vận hội Sochi (2014) rất thành công”.
Tôi hỏi thành công là thế nào và nước Nga sẽ ra sao. Anh nói: “Mọi người sẽ thấy một nước Nga đẹp và vĩ đại thế nào. Trên đường không có gấu và cũng chẳng có những kẻ điên khùng xả súng”.
Những người Việt lâu năm thì giải thích với tôi việc người Nga có vẻ không hào hứng có thể là vì tính cách chứ không phải họ không quan tâm. “Tính cách Nga họ vậy. Họ hơi kiêu và hơi lạnh chút chứ họ không lao ra đường nhảy múa đâu”, ông Nguyễn Hùng, Việt kiều sống ở Moscow kể từ 1985 tới nay, nói với tôi.
Sẽ đầy những khoảnh khắc đẹp và đầy xúc cảm trong 32 ngày tới với 64 trận đấu. Ngày thứ 7 này, Lionel Messi, cầu thủ vĩ đại nhất của bóng đá hiện tại, sẽ cùng Argentina đấu với đội bóng tí hon Iceland, tập thể được huấn luyện bởi một huấn luyện viên bán chuyên có nghề chính là nha sĩ.
Ngày đầu tuần tới, đội tuyển với rất nhiều cầu thủ đường phố của Panama sẽ lần đầu đá World Cup bên bờ biển Đen. Ở Rostov, các vũ công xứ samba sẽ bắt đầu hành trình phục thù sự xấu hổ của 2014 khi thua tới 7-1 ở bán kết trước cỗ xe tăng Đức.
Có lẽ ông Hùng đúng, vì tới ngày hôm qua, không khí “trầm lắng” bắt đầu phai dần. Hình ảnh con sói Zabivaka (người ghi bàn) đã xuất hiện ở khắp 11 thành phố sẽ diễn ra giải đấu. Các cổ động viên Argentina, Brazil đã nhảy múa náo loạn gần như cả ngày hôm qua ở Quảng trường Đỏ.
Ở bờ biển Đen của Sochi tôi đang ngồi bên, các cổ động viên từ Mỹ và Puerto Rico đang rồng rắn xếp hàng để làm Fan ID cho trận đấu giữa Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha sắp diễn ra. Công việc chuẩn bị của nước Nga chủ nhà đã hoàn tất.
Chờ đợi những bất ngờ
Những gì sắp diễn ra cũng rất hấp dẫn. Tây Ban Nha, ứng viên vô địch hàng đầu, đột ngột gặp khủng hoảng sau khi HLV Julen Lopetegui bị sa thải chỉ 2 ngày trước khi giải đấu khai mạc. Đó là sự trừng phạt khi ông chấp nhận vị trí huấn luyện cho Real Madrid chỉ một tháng sau khi tái ký hợp đồng với liên đoàn bóng đá Tây Ban Nha.
Brazil và Đức là những ứng viên hàng đầu khác dù rằng Đức đang vướng vào cuộc khủng hoảng nhân sự xung quanh vụ lùm xùm của Mesut Ozil và Ilkay Guendogan. Brazil hiện là đội duy nhất có mặt tại vòng chung kết World Cup. Nhưng họ chưa có chiến thắng nào kể từ 2002 và họ cũng chưa bao giờ chiến thắng nào ở châu Âu kể từ 1958.
Đức, đội bóng từng đánh bại Argentina trong năm 2014 được kỳ vọng sẽ trở thành đội đầu tiên sau 1962 dành được hai huy chương vàng World Cup liên tiếp. Brazil trong khi đó thì muốn hướng tới danh hiệu thứ 6 của mình.
Pháp và Argentina cũng là những đội tuyển được coi là có nhiều cơ hội - đặc biệt khi đây có thể là World Cup cuối cùng của Messi. Và đã nhắc tới Messi thì cũng phải nói tới cơ hội của Cristiano Ronaldo và tuyển Bồ Đào Nha, nhà đương kim vô địch Euro.
64 trận trong vòng 32 ngày, World Cup lần thứ 21 sẽ được thi đấu ở 12 sân vận động ở 11 thành phố trải dài trên gần 3.000 km. Giải đấu kéo dài hơn một tháng này dự kiến sẽ thu hút khoảng 1,5 triệu cổ động viên tới Nga với dự kiến khoảng 3 tỷ người theo dõi trên toàn cầu.
World Cup là dự án lớn của ông Putin và nước Nga không muốn thất bại với dự án lớn mang tính lịch sử này.