Chiều 14/6, trả lời câu hỏi của báo chí về tình trạng thiếu vắc xin trong chương trình Tiêm chủng mở rộng, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, hiện chỉ còn thiếu vắc xin '5 trong 1' phòng các bệnh, gồm: Bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm màng não mủ/viêm phổi do vi khuẩn HiB và viêm gan B. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) đã thống nhất sẽ hỗ trợ khẩn cấp cho Việt Nam trên 200.000 liều vắc xin '5 trong 1' cho trẻ em.
Theo Bộ trưởng Đào Hồng Lan, qua rà soát nguồn vắc xin gối đầu chuyển từ năm 2022 sang, đối với vắc xin sản xuất trong nước, chương trình Tiêm chủng mở rộng đã cung ứng đủ số lượng vắc xin năm 2022 và gối đầu đến tháng 7/2023. Riêng vắc xin viêm gan B, vắc xin phòng lao sử dụng đến tháng 8/2023. Vắc xin viêm não Nhật Bản, sởi, rubella đủ dùng tới quý II và quý III-2023. Ngoài ra, vắc xin uốn ván và bại liệt đủ đáp ứng hết năm 2023.
Chỉ có riêng vắc xin “5 trong 1” nhập khẩu, do năm 2022 tiến hành các thủ tục đấu thầu, mua sắm theo quy định nhưng không có nhà thầu tham gia nên có tình trạng thiếu từ tháng 2-2023 đến nay.
Theo người đứng đầu ngành Y tế, Chính phủ đã quyết định giao Bộ Y tế để chủ động xây dựng phương án giá, gửi sang Bộ Tài chính để thẩm định sớm. Đây là căn cứ cho đặt hàng vắc xin “5 trong 1”.
Trong thời gian triển khai và chờ mua vắc xin theo ngân sách Nhà nước, Bộ Y tế đã làm việc với các đối tác, tìm các nguồn vắc xin đang thiếu.
“Thời điểm này, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ở Tây Thái Bình Dương, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), WHO tại Việt Nam thống nhất sẽ hỗ trợ khẩn cấp cho Việt Nam khoảng trên 200.000 liều vắc xin “5 trong 1” cho trẻ em. Ngoài ra, với hơn 65.000 liều vắc xin “5 trong 1” được tài trợ trong nước sẽ bảo đảm vắc xin để ưu tiên tiêm cho trẻ em ở vùng sâu vùng xa - nơi khó tiếp cận với vắc xin “5 trong 1” dịch vụ. Bộ Y tế đang nhanh chóng tiếp cận nguồn viện trợ này”, Bộ trưởng Đào Hồng Lan thông tin.
Bộ Y tế được giao nguồn dự toán từ ngân sách trung ương, thực hiện mua sắm cho chương trình mua sắm vắc xin, bảo đảm cho năm 2021 và 2022. Tuy nhiên, đến năm 2023, do chương trình mục tiêu y tế - dân số chuyển thành chương trình chi thường xuyên của các địa phương nên theo quy định Luật Đầu tư công, Bộ Y tế không được phân bổ ngân sách nhà nước để thực hiện nhiệm vụ này.
Người đứng đầu ngành Y tế cũng khẳng định, không có hiện tượng Bộ Y tế “đùn đẩy” trách nhiệm xuống địa phương hay căn bệnh sợ trách nhiệm lan tới Bộ Y tế. Với trách nhiệm của ngành, Bộ Y tế rất mong muốn được tiếp tục thực hiện nhiệm vụ này để bảo đảm tiêm chủng trên toàn quốc, bảo đảm công bằng cho phụ nữ và trẻ em.
“Không phải vì địa phương nhiều tiền hơn, trẻ em được tiêm vắc xin đắt hơn. Không vì địa phương ít kinh phí mà trẻ em tiêm vắc xin ít tiền hơn, thậm chí không được tiêm”, Bộ trưởng Bộ Y tế khẳng định.
T/H