WHO sử dụng tên tiếng Anh mới cho bệnh đậu mùa khỉ

Đặng Thu Hằng
Theo thông báo từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), sau hàng loạt cuộc tham vấn với các chuyên gia toàn cầu, WHO sẽ bắt đầu sử dụng thuật ngữ mới "mpox" như từ đồng nghĩa của "monkeypox."

Ngày 28/11, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã thông báo tên tiếng Anh của bệnh đậu mùa khỉ - "monkeypox" sẽ được đổi thành "mpox" nhằm tránh những hiểu lầm liên quan đến tên cũ.

boliviabenhdaumuakhi0810-1669653413.jpeg

Ảnh minh hoạ.

Theo thông báo, sau hàng loạt cuộc tham vấn với các chuyên gia toàn cầu, WHO sẽ bắt đầu sử dụng thuật ngữ mới "mpox" như từ đồng nghĩa của "monkeypox". Cả hai tên đều sẽ được sử dụng đồng thời trong một năm, cho đến khi chấm dứt sử dụng hoàn toàn từ "monkeypox". WHO sẽ sử dụng "mpox" trong trao đổi thông tin, khuyến khích các bên thực hiện những khuyến nghị này nhằm giảm thiểu bất kỳ ảnh hưởng tiêu cực nào liên quan đến tên cũ và việc sử dụng tên mới.

Tên gọi đậu mùa khỉ xuất phát từ việc virus này được phát hiện lần đầu tiên ở những con khỉ trong phòng thí nghiệm tại Đan Mạch vào năm 1958. Căn bệnh này cũng xuất hiện ở một số động vật khác, chủ yếu là các loài gặm nhấm. Các nhà khoa học lần đầu tiên phát hiện bệnh đậu mùa khỉ ở người vào năm 1970 tại CHDC Congo và căn bệnh này chỉ lưu hành tại các quốc gia ở Trung và Tây Phi.

Tuy nhiên, vào tháng 5 năm nay, bệnh đậu mùa khỉ đã lây lan nhanh chóng trên thế giới, trong đó đối tượng dễ mắc phải là những người quan hệ đồng tính nam. Theo thống kê của WHO, trong năm nay có 81.107 ca mắc và 55 ca tử vong do đậu mùa khỉ được ghi nhận tại 110 quốc gia.

Để người dân chủ động phòng đậu mùa khỉ, bảo vệ bản thân, gia đình và cộng đồng, Bộ Y tế đã ban hành 6 cách phòng bệnh đậu mùa khỉ như sau:

  1. Che mũi, miệng khi ho hoặc hắt hơi, nên che bằng khăn vải, khăn tay hoặc khăn giấy dùng một lần để làm giảm dịch tiết phát tán qua đường hô hấp. Lưu ý rửa tay bằng xà phòng, nước sạch sau khi ho hoặc hắt hơi. Tuyệt đối không được khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng.
  2. Thường xuyên rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn, xà phòng, nước sạch.
  3. Người phát ban cấp tính không rõ nguyên nhân kèm theo nhiều triệu chứng nghi ngờ như sốt, đau đầu, đau cơ, suy nhược cơ thể, sưng hạch bạch huyết cần chủ động liên hệ ngay với cơ quan y tế để được theo dõi, tư vấn. Cần chủ động cách ly và tránh tiếp xúc gần với những người xung quanh.
  4. Tránh tiếp xúc với người mắc bệnh đậu mùa khỉ, tránh tiếp xúc vết thương, dịch cơ thể, giọt bắn và các bề mặt, đồ vật nghi ngờ mang mầm bệnh. Tại nơi làm việc có người nghi ngờ mắc bệnh cần thông báo ngay cho cơ quan y tế để được tư vấn và điều trị kịp thời tránh nguy cơ biến chứng nặng có thể xảy ra.
  5. Người đến quốc gia lưu hành dịch bệnh đậu mùa khỉ cần tránh tiếp xúc với các loài động vật có vú như động vật gặm nhấm, động vật linh trưởng, thú có túi có thể chứa virus đậu mùa khỉ. Sau khi trở về Việt Nam cần chủ động khai báo cơ quan y tế địa phương để được tư vấn cụ thể.
  6. Thực hiện lối sống lành mạnh. Đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, tăng cường vận động thể lực, nâng cao sức khỏe.

T.H.