Theo trang thống kê trực tuyến worldometers.info, tính đến sáng ngày 26/9, tổng số ca nhiễm COVID-19 trên thế giới là 620.221.745 ca, trong đó bao gồm 241.850 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua. Đến nay, thế giới ghi nhận tổng số 6.540.226 tử vong, 600.227.907 ca đã được chữa khỏi. Trước tình hình này, các cơ quan y tế công của nhiều nước và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã cảnh báo về xu hướng số ca nhiễm tăng trở lại trong giai đoạn thu - đông.
Châu Á có thêm 125.112 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, trong đó riêng tại Nhật Bản là 40.918 ca; Đài Loan (Trung Quốc) là 38.980 ca; Hàn Quốc là 25.792 ca; … Khu vực này cũng ghi nhận 262 ca tử vong mới trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca tử vong trong khu vực vì COVID-19 lên 1.478.501 ca.
Trong 24 giờ qua, châu Âu ghi nhận 108.761 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca trong khu vực lên 226.008.534 ca. Tình hình số ca mắc mới tại các nước trong 24 giờ qua như sau: Nga có thêm 46.758 ca; Pháp ghi nhận thêm 31.365 ca; Italy có thêm 18.794 ca; … Dữ liệu mới nhất từ Bỉ, Anh và Đan Mạch cũng cho thấy, số ca mắc và nhập viện do COVID-19 đang tăng dần. Các cơ quan y tế công của các nước này và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã cảnh báo về xu hướng số ca nhiễm tăng trở lại trong giai đoạn thu-đông này. Dịch COVID-19 kết hợp với sự gia tăng ca nhiễm các loại virus đường hô hấp khác trong mùa đông sẽ gây thêm áp lực cho hệ thống y tế.
Bắc Mỹ ghi nhận 2.682 ca nhiễm mới, trong đó chủ yếu là ở Mỹ với 2.611 ca, 18 ca còn lại được ghi nhận tại Cuba. Khu vực này cũng ghi nhận thêm 7 trường hợp tử vong vì COVID-19, trong đó tất cả các trường hợp đều ở Mỹ.
Nam Mỹ ghi nhận tổng số 4.052 ca mắc mới trong 24 giờ qua, tất cả các trường hợp này đều ở Chile. Chile cũng ghi nhận thêm 16 trường hợp tử vong vì COVID-19.
Châu Phi ghi nhận số ca mắc mới trong 24 giờ qua là 127 ca, nâng tổng số ca nhiễm COVID-19 tại châu Phi là 12.642.238 ca, trong đó có 257.592 ca tử vong và 11.985.957 ca đã bình phục.
Trong khi đó, châu Đại Dương ghi nhận số ca mắc mới COVID-19 trong 24 giờ qua là 1.116 ca, trong đó bao gồm toàn bộ số ca là ở Australia. Australia cũng ghi nhận thêm 2 ca tử vong vì COVID-19, nâng tổng số ca tử vong ở nước này lên 14.927 ca.
Trong diễn biến có liên quan, Moderna đang xin cấp phép sử dụng khẩn cấp vaccine phiên bản cập nhật ngừa biến thể Omicron của mình cho hai nhóm tuổi gồm thanh thiếu niên từ 12 đến 17 và trẻ em từ 6 đến 11 tuổi. Việc xin cấp phép sử dụng vaccine COVID-19 lưỡng trị cho trẻ em từ 6 tháng đến dưới 6 tuổi dự kiến sẽ được hoàn thành vào cuối năm nay.
Đầu tuần này, Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ cho biết, cơ quan này kỳ vọng, vaccine COVID-19 làm mũi tiêm tăng cường nhắm vào các biến thể đang lưu hành của virus SARS-CoV-2 sẽ có sẵn cho trẻ em từ 5 - 11 tuổi vào giữa tháng 10.
Theo hãng sản xuất dược phẩm Pfizer, Mỹ đang giảm đáng kể số lượng đặt mua vaccine ngừa COVID-19 của Pfizer-BioNTech tài trợ cho các quốc gia nghèo trong năm nay do nhu cầu tiêm phòng giảm tại các quốc gia này.
Pfizer nhấn mạnh, hãng có đủ nguồn cung để bàn giao hàng tỷ liều vaccine theo thỏa thuận với chính quyền Mỹ, nhưng hiện nhà sản xuất này nhận thấy nhu cầu tiêm phòng COVID-19 đang giảm tại các nước thu nhập thấp và trung bình do những rào cản về hành chính và một bộ phận người dân còn do dự tiêm vaccine. Vì vậy, Pfizer đã chấp thuận giảm số liều vaccine sẽ bàn giao cho Chính phủ Mỹ vào cuối năm nay từ 1 tỷ liều theo thỏa thuận ban đầu cách đây một năm xuống còn 600 triệu liều. Mặc dù vậy, Mỹ vẫn có cơ hội mua bổ sung 400 triệu liều trong khuôn khổ chương trình này sau năm nay.